Ngành mỹ phẩm sản xuất da 3D
Hãng mỹ phẩm Pháp L'Oreal đang hợp tác với công ty kỹ thuật sinh học Oraganovo để sản xuất da người 3D dùng trong thí nghiệm sản phẩm.
Theo BBC, L'Oreal hiện đang nuôi các mẫu da lấy từ mô bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ hiến tặng. Hãng này sản xuất hơn 100.000 mẫu da, mỗi mẫu 0,5 cm2 mỗi năm, theo 9 đặc điểm chủng tộc của mọi lứa tuổi và dân tộc.
"Sự hợp tác giữa hai công ty không chỉ mang lại bước tiến mới trong nuôi cấy mô nhằm đánh giá an toàn và hiệu suất của sẩn phẩm, mà công nghệ và nghiên cứu về lĩnh vực này còn giúp đem lại tiềm năng vô tận," đại diện hãng mỹ phẩm tuyên bố.
Tuy nhiên, hãng này không nói rõ thời gian mẫu da 3D hoàn tất, mà chỉ nói rằng "đang trong giai đoạn đầu nghiên cứu."
Giới chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều về việc này.
Adam Friedman, bác sĩ da liễu tại bệnh viện Harley Street, Anh, cho biết, "Tôi cho rằng khoa học dùng phương pháp 3D in tế bào con người nghe có vẻ hợp lý."
"Tôi có thể hiểu được tại sao họ làm điều đó để lấy da vá những vết bỏng nặng hoặc chấn thương, nhưng tôi không hiểu nó giúp ích gì trong ngành mỹ phẩm," ông nói.
Hiện nay, Viện Y học tái sinh Wake Forest, Mỹ, đang đi đầu trong lĩnh vực nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm và in cơ quan nội tạng. Viện này in tế bào người bằng vật liệu sinh học hydrogel. Các cơ quan được nuôi trên một đĩa mỏng, nối với các mạch máu giúp nuôi sống tế bào.
Tuy nhiên, công ty Organovo sử dụng phương pháp hơi khác, cho phép sản xuất trực tiếp mẫu 3D mà không cần dựa trên vật liệu khung sinh học. Đây là một trong những công ty đầu tiên thương mại hóa in và bán nội tạng 3D người.
Năm ngoái, công ty tuyên bố đã in được gan người 3D dùng để cấy ghép. Một số chuyên gia tỏ ra thận trọng trước tuyên bố này.
"Hiện chưa rõ cấu trúc loại gan này như thế nào," Alan Faulkner Jones, nhà nghiên cứu công nghệ sinh học, đại học Heriot Watt, Anh, nói. Tuy nhiên, in da người lại khác.
"In da người khá dễ bởi nó có cấu trúc đa lớp," ông nói. "Đối với ngành công nghiệp mỹ phẩm, việc này đem lại ưu thế là, nó sẽ không phải thử nghiệm sản phẩm trên động vật nữa, đồng thời đo phản ứng với da người tốt hơn."
Ông cho rằng, công nghệ in da rất có giá trị đối với ngành y tế. "Thật là tuyệt vời nếu có những quầy hàng bán sẵn da người cho bệnh nhân bị bỏng.
Theo VnExpress