Ngành thép gặp khó
Ngành thép giờ đang gánh chịu hậu quả của sức cầu yếu trên toàn thế giới. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay của ngành là thừa cung. Mặc dù kinh tế toàn cầu yếu ớt, nhưng sản xuất thép trên thế giới đã tăng 1,2% vào năm ngoái, đạt mức kỷ lục 1,55 tỉ tấn.
Ảnh minh họa
Tại châu Âu, tình trạng thừa cung được thể hiện khá rõ. Chỉ có khoảng 50% sản lượng thép được sử dụng. Tiêu thụ thép tại châu Âu khoảng 145 triệu tấn vào năm 2012 và chỉ bằng xấp xỉ 30% mức tiêu thụ trước thời kỳ khủng hoảng. Đáng lo ngại là nhu cầu vẫn đang giảm nhanh.
Chi phí lao động ở mức cao ngất ngưỡng là một nỗi lo ngại khác. Sự cương quyết của công đoàn và chính phủ các nước châu Âu đã khiến việc đóng cửa các nhà máy thép trở nên khó khăn, tốn kém chi phí và kéo dài. Một bộ trưởng của Pháp gần đây đã đe dọa sẽ quốc hữu hóa nhà máy Florange của tập đoàn thép ArcelorMittal nếu tập đoàn này tiếp tục cắt giảm việc làm và đóng cửa 2 lò cao. Vấn đề khác của ngành thép là giá năng lượng, chiếm 2/5 chi phí hoạt động, cũng rất đắt.
Các nhà sản xuất thép Mỹ, mặc dù đang chật vật cạnh tranh với các đối thủ Mỹ Latinh, nhưng triển vọng vẫn sáng sủa hơn so với các công ty ở châu Âu. Những dấu hiệu như kinh tế đang trên đà phục hồi, giá năng lượng rẻ và ngành ôtô đang khởi sắc là những tin tốt cho các nhà sản xuất thép. Ngân hàng Jefferies cho rằng tiêu thụ thép của Mỹ sẽ tăng 2,8% trong năm nay.
Tuy nhiên, sức ép từ Trung Quốc có thể khiến cho bức tranh ngành thép thế giới thêm ảm đạm. Ngành thép Trung Quốc đang bị thừa cung rất lớn. Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thép và điều này sẽ khiến giá thép thế giới càng giảm mạnh hơn nữa.
Theo (nhipcaudautu) - P.H