Ngập lụt và ý thức thị dân
(Baonghean) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua một đợt lụt lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Người ta lập tức rút ra nguyên nhân của nó: Bởi trời mưa quá lớn, bởi việc mưa kết hợp với triều cường, bởi công tác quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống thoát nước có quá nhiều bất cập...Nhưng cũng còn một nguyên nhân khác nữa, đó là ý thức của người dân trong những sinh hoạt thường ngày quá kém như lấn chiếm kênh rạch và xả rác bừa bãi.
Khu vực đường bến Phú Định (TP. Hồ Chí Minh) chìm trong nước, nhiều phương tiện phải di chuyển rất khó khăn. Ảnh: Internet |
Đọc những bài báo, bức ảnh mô tả trận lụt, quả thật rất đáng buồn cho tình cảnh của thành phố lớn nhất, hiện đại nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn phải rút kinh nghiệm rất nhiều, giải quyết rất nhiều hậu quả sau ngập lụt cũng như sẽ phải đau đầu tìm ra giải pháp để ngăn ngừa tình trạng tương tự trong thời gian tới. Nhưng về phía người dân, chẳng lẽ chỉ biết đổ lỗi cho chính quyền, khi chính bản thân họ, trong lối sống vô trách nhiệm của mình đã tự tay bít chặt những nơi vốn để giành cho nước thoát?
Câu chuyện của thành phố Hồ Chí Minh chắc cũng không phải là đặc thù chỉ ở đây mới có, mà nó có ở hầu hết các đô thị lớn nhỏ trong cả nước, trong đó có cả thành phố Vinh - đô thị loại I của chúng ta; có khác thì chỉ khác ở mức độ của nó mà thôi.
Thành phố Vinh mặc dù có mật độ dân cư thấp, quy hoạch khá hợp lý nhưng cũng đã không tránh khỏi tình trạng ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn về. Trận mưa đợt trung tuần tháng 9 vừa rồi và trận mưa đêm 14/10 ngày 15/10 cũng đã nhấn chìm rất nhiều phố xá trong dòng nước, đã cho thấy phần nào nguy cơ ngập lớn của thành phố khi có lũ lụt ở cường độ cao và những vấn đề của hệ thống thoát nước.
Đường Trường Chinh (TP. Vinh) biến thành biển sáng 15/10. Sóng ồ ạt xuất hiện mỗi lần có xe ô tô đi qua, khiến không ít người điều khiển xe máy, xe đạp ướt như chuột lột. |
Nguyên nhân của ngập lụt ở một thành phố không quá đông dân và quy hoạch khá thông thoáng như Vinh một phần là do hệ thống thoát nước vẫn còn chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhưng một phần quan trọng vẫn là ý thức của người dân ở đô thị này.
Ngoài ra, việc xả rác vô tư của người dân cũng vô tình bít những lỗ thoát nước trên các tuyến đường. Chưa kể, do không thích mùi cống hôi thối, có những hộ dân còn tự tiện bịt kín các lỗ thoát nước ở gần nhà mình, khiến cho khi mưa lớn, nước không thể chảy vào cống được. Tình trạng xả rác và lấn chiếm dòng chảy của các kênh mương thoát nước vẫn thường xảy ra. Nhiều cửa hàng rửa xe, quán xá vẫn xả rác và đất xuống các cống thoát nước gây bồi lắng, ùn tắc dòng chảy. Thậm chí, có những đoạn kênh mương người ta còn lén đổ cả rác xây dựng xuống, gây khó khăn rất lớn cho lực lượng chức năng trong quá trình nạo vét kênh mương thông dòng trước mùa mưa lũ.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thì sức ép về thoát nước cũng sẽ gia tăng đối với thành phố Vinh. Cơ quan quản lý đô thị vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này, nhưng nếu chỉ dựa vào cơ quan chức năng thì sẽ không thể nào giải quyết được bài toán nước ngập nếu như ý thức người dân vẫn không được nâng lên cùng với tốc độ đô thị hóa.
Bảo Ngân
TIN LIÊN QUAN