Ngày 1-6 không dành cho người lớn!

29/05/2014 14:59

(Baonghean) - Mình có một anh bạn, lớn tướng rồi mà vẫn nghiện chơi game. Lịch sinh hoạt hàng ngày của cậu chàng là: sáng 12h dậy, chiều đi học, tối đi làm thêm, về nhà ăn uống qua quýt rồi "cày" game đến 4, 5 giờ sáng. Bạn bè đến chơi ai nấy đều lè lưỡi vì không sao "bắt sóng" được theo nhịp sống của cậu này. Cằn nhằn cậu ta chán chê thì cậu chàng tỉnh queo: "Con trai ai mà chả chơi game, bây giờ cậu muốn tớ nghiện game hay nghiện bài bạc, rượu chè, ma tuý?". Cùn đến thế là cùng!

Đúng là trong một chừng mực nào đó, mỗi người có quyền giữ những sở thích cá nhân, miễn là nó không phạm pháp hay ảnh hưởng đến người khác. Vấn đề là ở chỗ, sở thích cá nhân cũng có giới hạn lứa tuổi. Có phải có những bộ phim vẫn bị dán nhãn không dành cho trẻ em vì nội dung không phù hợp không? Một ví dụ tiêu cực hơn là luật cấm bán thuốc lá và rượu cho trẻ dưới 18 tuổi (dù mình cá là nhiều đứa nhóc chưa đến tuổi vẫn "đam mê" một cách vụng trộm các loại hàng "cấm" này). Tuy nhiên, chúng ta thường nghĩ đến giới hạn độ tuổi này theo một chiều, tức là giới hạn bọn nhóc chứ chưa từng nghĩ cần có giới hạn cho cả người lớn.

Thời mình đi học, có ối đứa thường xuyên bị đánh đòn vì nghiện game, nhưng rốt cuộc người lớn cũng chỉ thở dài: "Lũ ranh con!" và chấp nhận. Bởi vì trẻ con có nghĩa vụ học, và nếu hoàn thành nghĩa vụ đó thì chúng có quyền chơi. Một chân lý hết sức đơn giản! Tất nhiên, là trẻ con vẫn mải chơi hơn học nên nếu cán cân quyền - nghĩa vụ có lệch đi một tí thì cũng châm chước được. Cũng đứa trẻ ấy 10 năm sau, khi đã đi làm, lấy vợ, lập gia đình mà vẫn dành từng ấy thời gian cho những thú vui như chơi game thì không ổn chút nào. Rồi thử tưởng tượng, đến khi bạn mang 2 thứ tóc trên đầu và tất cả những gì bạn dạy cho con là phải phá đảo game như thế nào, chơi chọi gà ra làm sao, chẳng hoá ra bạn không phải là chồng mà là đứa con thứ 2 của vợ bạn hay sao?

Sự hồn nhiên, vô tư và tâm hồn phong phú của trẻ con thật tuyệt. Nếu bạn giữ lại được một góc của tuổi thơ đâu đó trong tâm hồn bạn, có lẽ sẽ là liều thuốc thần kỳ cho những vấn đề đau đầu của người lớn. Nhưng nếu cứ mãi vô tư, vô lo, vô nghĩ như thế, tức là ta mãi không lớn lên. Trừ khi bạn có những ông bố, bà mẹ phi thường có thể bao bọc bạn cho đến mãi về sau - chú thích: điều này là không thể - bạn cần chấp nhận sự thật là mình phải lớn lên. Lớn lên ở đây không phải về thể xác mà về tư duy, trí tuệ, trách nhiệm, lối sống. Lớn lên là biết nói không với những thú vui hấp dẫn nhưng phù phiếm để làm những điều buồn chán nhưng hữu ích. Lớn lên là nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ trước khi nghĩ đến quyền lợi và hưởng thụ. Nói dễ hiểu và nôm na: lớn lên là ngừng đọc Đôrêmon mà đọc báo, ngừng xem phim hoạt hình mà xem thời sự. Hoặc thỏa hiệp hơn, hãy cứ giữ những thú vui trẻ con đó sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ người lớn của mình!

Trẻ con muốn làm người lớn là điều thường thấy và cũng thuận với lẽ tự nhiên. Người lớn muốn làm trẻ con là lối sống đớn hèn và vô dụng. Mình rất thích một bộ phim hoạt hình kể về cậu bé Peter Pan không bao giờ lớn lên bởi vì cậu muốn được làm trẻ con mãi. Cuối cùng, cậu phải chia tay với Wendy - cô bé cậu yêu mến - bởi cô bé ấy lựa chọn lớn lên và già đi. Khi còn bé mình thấy bộ phim này thật buồn, lớn lên mình thấy nó thật đúng đắn. Nếu chúng ta không chịu lớn lên mà cứ muốn làm trẻ con mãi, sẽ để vuột mất những điều tốt đẹp sẽ đến trên con đường trưởng thành, có phải không?

hải Triều (Email từ Paris)

Mới nhất
x
Ngày 1-6 không dành cho người lớn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO