Ngày 12/12, sẽ xét xử vụ "đại án tham nhũng" ở Vinalines

03/12/2013 19:34

Theo Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 12/12 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (gọi tắt là Vinalines).

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày. Hội đồng xét xử gồm năm người, với hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.

Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng phát biểu tại buổi gặp báo chí thông báo bước đầu kết quả điều tra vụ án Vinalines ngày 22/5 vừa qua. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng phát biểu tại buổi gặp báo chí thông báo bước đầu kết quả điều tra vụ án Vinalines ngày 22/5 vừa qua. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

10 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án này gồm: Dương Chí Dũng, sinh năm 1957, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải cùng 9 đồng phạm: Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ Luật Hình sự.

Riêng bốn bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - Bộ Luật Hình sự. Ngoại trừ bị cáo Mai Văn Khang được tại ngoại, chín bị cáo còn lại đều đang bị tạm giam.

14 luật sư đã đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng có ba luật sư tham gia bào chữa, gồm: Ngô Ngọc Thủy, Trần Đại Thắng và Trần Đình Triển.

Theo cáo trạng số 16/VKSTC-V1B của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Trong thời gian Vinalines tiến hành triển khai dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tiến hành tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP-Singapore.

Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã cùng với Mai Văn Phúc (Tổng Giám đốc), Trần Hữu Chiều (Phó Tổng Giám đốc), Bùi Thị Bích Loan (kế toán trưởng), Mai Văn Khang (thành viên Ban quản lý dự án Vinalines), Trần Hải Sơn (Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại…

Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 367 tỷ đồng. Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước và sau khi thanh toán 9.000.000 USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô hơn 28 tỷ đồng là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán, được Công ty AP chuyển lại./.

Theo TTXVN

Mới nhất
x
Ngày 12/12, sẽ xét xử vụ "đại án tham nhũng" ở Vinalines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO