Ngày 5 tháng 8 năm ấy...

03/08/2014 21:36

(Baonghean) - Tôi còn nhớ, hôm ấy là Chủ nhật. Một ngày trời đẹp. Nắng tháng Tám hoe vàng trên những tán cây, ruộng lúa, một ngày êm ả bình thường như hàng trăm hàng ngàn ngày khác. C138 chúng tôi ở trạng thái cấp 3, nghĩa là đơn vị được phép cho 1/3 con số ra ngoài doanh trại. Phạm Đăng Cát, Kim, Huynh... và một số khác nữa đang khấp khởi trong lòng vì mình được về thăm nhà, lên Vinh dạo phố và có cả những binh nhì, ve áo đỏ rực màu quân hàm trong chốc lát nữa sẽ được đi gặp người yêu.

(Baonghean) - Tôi còn nhớ, hôm ấy là Chủ nhật. Một ngày trời đẹp. Nắng tháng Tám hoe vàng trên những tán cây, ruộng lúa, một ngày êm ả bình thường như hàng trăm hàng ngàn ngày khác. C138 chúng tôi ở trạng thái cấp 3, nghĩa là đơn vị được phép cho 1/3 con số ra ngoài doanh trại. Phạm Đăng Cát, Kim, Huynh... và một số khác nữa đang khấp khởi trong lòng vì mình được về thăm nhà, lên Vinh dạo phố và có cả những binh nhì, ve áo đỏ rực màu quân hàm trong chốc lát nữa sẽ được đi gặp người yêu.

Nhưng, kẻng báo động ở chỉ huy sở đã bất thần vang lên. Lúc ấy là 12 giờ 27 phút, với những người lính phòng không, kẻng báo động là mệnh lệnh chiến đấu, và thời gian được tính bằng giây. Ngày báo động, đêm báo động. Khi 1 giờ sáng, lúc 12 giờ trưa, khi đang ăn cơm, khi đang họp, đang học, người gần, kẻ ở xa 1 phút 30 giây tất cả phải vào tư thế chiến đấu, sẵn sàng nổ súng, ra đa, trạm ngắm, máy chỉ huy đều phải có 8 khẩu pháo đều ở một hướng, đạn phải nằm trên giá. Trong sở chỉ huy lúc đó tiêu đồ viên đang đi những nét chỉ xanh, đỏ bám sát nhiều tốp máy bay Mỹ ngày một xích gần đến Thành phố Vinh và những mục tiêu được bảo vệ.

Trận địa pháo 88mm Tiểu đoàn 217 tham gia đánh thắng trận đầu.  (Nguồn tư liệu ảnh Bảo tàng Phòng không - Không quân)
Trận địa pháo 88mm Tiểu đoàn 217 tham gia đánh thắng trận đầu. (Nguồn tư liệu ảnh Bảo tàng Phòng không - Không quân)

Không gian và bầu trời hình như im lặng. Ngoài trận địa, tiếng nói, tiếng cười cũng im bặt, tất cả đều đang căng ra và hồi hộp chờ lệnh nổ súng. 8 khẩu pháo 90mm, ra đa, máy chỉ huy cùng một hướng đón địch. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tim đập thình thịch. Linh tính như báo với chúng tôi những giờ phút quyết liệt sẽ xẩy ra! 8 cây cờ màu đỏ trong 8 hầm pháo đang được 8 khẩu đội trưởng giơ cao, nó phất xuống là 8 quả đạn (mỗi quả trên 30 kg) sẽ ra khỏi nòng vút lên trời một hướng, kèm theo là những tiếng nổ long trời.

Trong tích tắc đó, máy bay Mỹ lợi dụng dãy Hồng Lĩnh che khuất, hạ độ cao bay sát mặt biển và triền sông Lam để tránh sự phát hiện của ta. Lúc các trận địa xác định được địch, cũng là lúc những chiếc máy bay Mỹ hiện đại đã bổ nhào vào mục tiêu và trận địa pháo, bắn rốc két và cắt bom.

Từng phương án, từng tình huống cụ thể cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đã được học thuộc lòng, đã được tập đi tập lại không biết bao nhiêu lần. Nhưng lần này không phải là tập, mà là thực.

Rất may là trong tích tắc đó, tất cả các đơn vị trong Trung đoàn đều đã nổ súng. Sau bao nhiêu năm yên lành, hôm ấy tiếng bom, tiếng súng đã lật tiếp những trang sử hào hùng và khốc liệt của quê hương. Mồng 5/8/1964 là một ngày trong tâm trí những cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn pháo cao xạ 280 không ai quên!

Ngày hôm đó, một ngày Chủ nhật đẹp trời. Chợ phiên Vinh trên bến dưới thuyền, người từ các vùng phụ cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa và nội đô đông như hội dồn về. Những gánh hến của các cô gái Hưng Hòa đang buổi đông khách. Quầy nước chát, kẹo cu đơ bà Thân ở cổng chốt người ngồi đông nghịt, đường phố râm ran tiếng cười, tiếng nói... Nhưng bỗng chốc bầu trời Thành phố Vinh như òa vỡ ra bởi tiếng súng, tiếng bom nổ, tiếng rít ken két của rốc két, tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rú.

Trận địa C138 của Trung đoàn ở Nghi Xuân đã trúng đạn rốc két, nhà để máy nổ đã bốc lửa, mùi thuốc súng và khói bao trùm cả trận địa.

Chính trị viên Trần Văn Liêm nhảy lên thành công sự, hô lớn:

- Tất cả bình tĩnh, kiên quyết bắn rơi máy bay Mỹ!

Pháo thủ số 2 Phạm Đức Huynh vừa nạp đạn vừa quay pháo. Một loạt đạn rốc két nổ dàn dạt hất Huynh ngã xuống và máu ở phần bụng của Huynh chảy đỏ quần. Một quả tên lửa trúng công sự, làm sập hầm chỉ huy. Nghe tiếng gọi của Đại đội phó Nguyễn Văn Do, chiến sỹ thông tin Tống Trường Sơn vừa bị thương, máu ứa ra cả miệng đã vùng dậy.

- Tôi chưa chết, đang tiếp tục làm nhiệm vụ! Nói xong, trong tiếng nổ rền trời, khói súng, khói bom mù mịt trận địa, anh vẫn lao ra nối các đường dây thông tin vừa bị bom cắt nát.

Lái xe Võ Bá Thứ, kiêm pháo thủ số 8, thấy khẩu đội bị kẹt võ đạn, vội nhảy vào vung tay kéo vỏ đạn đang nóng bỏng hất ra ngoài công sự. Pháo thủ số 2 bị thương, Võ Bá Thứ nhảy lên thay thế, bàn tay bị dập nát anh vẫn quyết tâm ở trên mâm pháo tiếp tục chiến đấu.

Tại trận địa Hưng Thủy, cách kho xăng dầu 1 km, do kho xăng bị cháy, khói tỏa ra mù mịt, các trắc thủ máy chỉ huy vẫn bắt được tọa độ của chiếc máy bay tốp thứ hai. Đại đội trưởng Bùi Chí Mẹo quyết định dùng phần tử đo xa Đ49 ra lệnh bắn ở cự ly 4800m và sau đó cho các khẩu đội ngắm bắn trực tiếp. Ba loạt đạn kịp đón đầu một chiếc máy bay Mỹ.

Trên đỉnh núi Quyết, các xạ thủ súng máy 14,5mm phát hiện ra tốp máy bay bay thấp theo triền sông Lam, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lợi cho các xạ thủ lắp đạn tốc độ 240 và hạ lệnh bắn khi cự ly 3.000m. Từ trên đỉnh núi Quyết từng loạt đạn liên tiếp xé trời vút ra. Lúc này là 12 giờ 30 phút, ngày 5/8. Đây là những loạt đạn đầu tiên của bộ đội phòng không bảo vệ Thành phố Vinh của Trung đoàn 280, đối đầu với không quân hiện đại của Mỹ.

Cùng với C138, C136, hai đại đội tiểu cao 72, 73, đại đội 137 đã vận dụng phương pháp bắn bằng phần tử máy đo xa, phần tử tổng hợp và kính ngắm trực tiếp nổ súng liên tiếp, đánh trả địch quyết liệt.

Vào lúc 12 giờ 40 phút, 1 máy bay A4Đ của Mỹ đã trúng đạn rơi xuống biển. Ít phút sau, các khẩu đội pháo trên tàu 187 của Hải Quân ở Hòn Ngư phối hợp với các đơn vị của Trung đoàn, lại bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Đây là 2 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi đầu tiên trên miền Bắc.

Trận chiến đấu lần đầu kết thúc vào lúc 12 giờ 55 phút. Những gì vừa trải qua, cán bộ, chiến sỹ E280 ý thức được rằng đó chỉ là màn mở đầu.

Trên các trận địa các khí tài, phương tiện và hỏa lực đã được củng cố. Các pháo thủ vẫn đang ở vị trí chiến đấu của mình. Bầu trời Vinh đã lắng xuống. Dân quân tự vệ trong các xí nghiệp, nhà máy, các xã Hưng Thủy, Hưng Dũng, Hưng Hòa dưới sự chỉ huy của Thành đội Vinh… và các địa bàn trong thành phố dồn về các mục tiêu vừa bị trúng bom, cứu chữa người bị thương, sơ tán máy móc, thiết bị. Đặc biệt, là làm mọi cách để cứu được kho xăng dầu đang bốc cháy. Công nhân nhà máy ép dầu, công nhân nhà máy điện, công ty vận tải hàng hóa, đội cơ giới xe cần cẩu, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh, dân quân Làng Đỏ, Hưng Hòa trong những giờ phút im lặng đó đã di chuyển và sơ tán được hàng trăm tấn thiết bị kỹ thuật, hàng hóa, hàng trăm tấn xăng dầu về nơi cất giấu. Trên tàu 186, thuộc quốc doanh vận tải biển do Lê Văn Tiêu chỉ huy, tới ứng cứu đã bị máy bay Mỹ bắn phá. Thuyền trưởng Lê Văn Tiêu lúc đó đã bị dập một cánh tay, vẫn kiên quyết không rời tàu. Phà Bến Thủy kịp thời phân tán hơn 100 xe ôtô và 300 hành khách. Trong bom đạn dày đặc, các chiến sỹ phà Bến Thủy vẫn chở được 10 xe đạn pháo qua sông tiếp đạn cho các đơn vị.

16 giờ 30 phút chiều, trận chiến đấu lần thứ 2 trong ngày bắt đầu. Đợt này cả Trung đoàn chủ động đón địch. 8 chiếc A4Đ bay lắt léo, nhưng chúng đã nằm gọn trên màn hình ra đa. Hỏa lực của C138 và 71, các Đại đội 136, 137, 73 đều đã bắt được mục tiêu. Nguyễn Văn Sa, Đại đội trưởng 138 ra lệnh cho đơn vị nổ súng khi máy bay Mỹ ở cự ly 6.000m, phá tan đội hình của tốp đi đầu. Nhưng cũng ngay trên trận địa này đã phải hứng chịu hàng chục loạt rốc két. Vừa bắn được loạt đạn thứ nhất, một mảnh rốc két đã găm thẳng vào cánh tay, khiến Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát bị thương, máu ra nhuộm đỏ cánh tay áo, anh tự mình băng lại vết thương, tiếp tục phất cờ cho đồng đội nổ súng. Lần thứ hai cũng là một mảnh đạn rốc két xuyên thẳng vào đùi khiến Phan Đăng Cát loạng choạng, nhưng anh bình tĩnh tựa lưng vào thành công sự, tiếp tục động viên khẩu đội mình chiến đấu. Lần thứ 3, một quả rốc két nổ cạnh công sự, một mảnh đạn găm thẳng vào bụng, máu trào ra, hai tay bưng vết thương cho máu khỏi chảy ra, miệng anh vẫn hô:

- “Các đồng chí tiếp tục chiến đấu, bảo vệ quê hương Bác, quyết đánh địch đến cùng". Vì 3 vết thương quá nặng Phan Văn Cát đã hy sinh ngay bên thành công sự của khẩu đội mình. Cả đơn vị đã lặng im vĩnh biệt người đồng đội, đồng chí của mình.

Những chiếc A4Đ thay nhau bổ nhào ném bom bắn rốc két xối xả vào trận địa 138. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Ny băng băng dưới làn bom chạy hết khẩu đội này sang khẩu đội khác động viên các chiến sỹ của mình chiến đấu, mặc dù anh đã bị thương. Phạm Lê Huynh, Khẩu đội trưởng và pháo thủ Hải, Cương khi pháo tiểu đội mình bị hỏng hai người đã vác đạn chạy sang khẩu đội khác cùng chiến đấu.

Tại Đại đội 71, Đại đội trưởng Bùi Chí Mẹo đã cho các khẩu đội bắn đồng loạt 3 điểm xạ bằng phần tử máy đo xa, cùng với hỏa lực phối hợp của Đại đội 138 một chiếc A4Đ đã trúng đạn, bốc cháy. Tiếp theo đó C71 đã bắn chi viện 12 loạt đạn vào những chiếc máy bay Mỹ đang lượn vòng oanh tạc vào trận địa C138. Lợi dụng những đám khói còn đang bốc cao từ kho xăng dầu, máy bay Mỹ lẫn vào đó bổ nhào ném bom tới tấp vào các trận địa và mục tiêu. Hai quả bom loại 250 kg rơi trúng trận địa C71 làm một khẩu đội bị vùi lấp, kính ngắm hỏng, 5 pháo thủ bị thương, pháo thủ số 6 Nguyễn Văn Minh 17 tuổi mới nhập ngũ tròn 6 tháng, đang tiếp đạn bị bom vật ngã, Minh vùng dậy hai tay vẫn khư khư hòm đạn nhanh chóng tiếp đạn cho đồng đội. Pháo của khẩu đội mình bị hỏng, Minh nhảy sang khẩu đội bạn tiếp tục chiến đấu.

Phối hợp với các trận địa phòng không, các hỏa lực tầng thấp của các đơn vị dân quân tự vệ trong các nhà máy, xí nghiệp, các xã ven thành đã đồng loạt nổ súng, làm nên lưới bủa vây những chiếc máy bay Mỹ. Đây là bức tranh quá đẹp chứng minh đường lối quân sự của Đảng ta: chiến tranh nhân dân.

Kết thúc hai trận chiến đấu đầu tiên trong một ngày, quân và dân Thành phố Vinh đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Đây là những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bỏ xác tại miền Bắc nước ta. Một điều lý thú hơn mà tôi muốn hé lộ là, cùng với các vũ khí khác, những khẩu pháo 90mm nhả đạn chủ yếu vào đầu những chiếc máy bay Mỹ hôm ấy lại chính là của Mỹ sản xuất.

Lớp cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn E280 phòng không bảo vệ Thành phố Vinh năm xưa nay đã là lớp người thất thập cổ lai hy, nhưng trong tâm khảm chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn những năm tháng kéo pháo đi theo chiều dài đất nước để đánh Mỹ.

Trần Ngọc Cẩm

(Trích hồi ký của tác giả - một CCB Trung đoàn 280).

Mới nhất
x
Ngày 5 tháng 8 năm ấy...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO