Ngày lễ của đồng bào Thổ ở Nghĩa Đàn
Dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn có bốn nhóm: Thổ Kẹo, Thổ Mọn, Thổ Cuối và Thổ Lâm la. Đồng bào có nhiều ngày lễ như: Lễ mừng cơm mới, lễ vào xuân, lễ mừng nhà mới, lễ tết vợ, lễ đặt tên con...
Hàng năm khi đất trời mưa thuận gió hòa, hưởng mùa gặt bội thu, cuộc sống nhà nhà no đủ thì cả làng rậm rịch tổ chức Lễ mừng cơm mới để mừng vui chung, cảm tạ trời đất, thần linh.
Trước đây, trong bản trai gái yêu nhau, được hai gia đình đồng ý, người con trai phải đi ở rể, thời gian thử thách từ 3 đến 5 năm. Trường hợp nhà trai không ở rể, tùy theo hoàn cảnh thì theo tục lệ "tết ba, rằm bảy" hàng năm phải có mâm cơm đội sang nhà gái (gọi là tết vợ).
Khi đứa con đầu lòng ra đời, tính từ thời gian sinh được ba tháng, cha mẹ hai bên chọn ngày lành tháng tốt mời anh em con cháu nội ngoại đầy đủ đến chung vui và để đặt tên cho đứa trẻ. Mục đích là để tránh đặt tên đứa trẻ trùng tên với người trong nội, ngoại đã qua đời. Nếu là con gái phải làm mâm lễ gồm 9 thức, con trai là 7 thức, lễ mụ bà phải đủ mười hai thức (tức là các món dùng trong ngày lễ này phải có mười hai thức).
Sau các nghi lễ tập tục xong đứa trẻ mới chính thức có tên. Nếu là con cả trong gia đình, ông bà nội ngoại được bản làng gọi theo tên đứa trẻ, tên thật của ông bà nội ngoại trở thành tên "lóng", người ta kiêng cữ gọi lại tên cũ của ông bà.
Khi trong bản có người làm nhà, cả làng tập trung quây quần, người giúp công, kẻ giúp của, trưởng làng đứng ra chịu trách nhiệm chính điều khiển lo liệu mọi bề: Ai có tre mét giúp tre mét, ai có cột kèo giúp cột kèo. Gia đình đứng ra lo cơm nước, đến khi ngôi nhà hoàn thành, mọi người trong bản đến cùng chung vui. Tiếng cồng, tiếng chiêng nổi lên rậm rà rậm rịch cả ngày đêm. Khi tan cuộc ai nấy về nhà mình, lúc ra về đều có phần xôi thịt mang về.
Lê Tiến Phú