Ngày Môi trường Thế giới năm 2022: Xây dựng lối sống xanh hơn, sạch hơn

Mai Hoa 04/06/2022 10:17

(Baonghean.vn) - Một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường là xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý; vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật và quy định của pháp luật.

Nhân ngày Môi trường Thế giới năm 2022, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về một số vấn đề liên quan.

Nhiều vấn đề môi trường bức xúc

Phóng viên:Thưa đồng chí! Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm 2022 “Chỉ một trái đất” với hàng loạt vấn đề môi trường được đặt ra. Đồng chí có thể nêu một số nội dung trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu và ở nước ta hiện nay?

Đồng chí Thái Văn Nông: Đó là hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu với thông điệp chuyển tải đến toàn cầu cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Gắn với đó là triển khai các biện pháp mang tính cấp bách và hiệu quả để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu lấy Trái Đất của chúng ta.

Ở nước ta, môi trường cũng đang đặt ra nhiều sự quan tâm với các mức độ khác nhau, như ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải chưa được thu gom xử lý... Những vấn đề này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) nhằm gắn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Đồng chí Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An. Ảnh: NVCC

Điều quan trọng là thúc đẩy triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường cũng được coi trọng thông qua các quy định cụ thể về xử lý chất thải và phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; quy định áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế…

Ô nhiễm trên sông Vinh. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên:Riêng địa bàn tỉnh Nghệ An, theo đồng chí, vấn đề cần quan tâm và đang bức xúc nhất hiện nay về môi trường là gì?

Đồng chí Thái Văn Nông: Qua điều tra, khảo sát, đánh giá hàng năm, chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở Nghệ An vẫn còn nhiều tồn tại cần phải tập trung giải quyết. Như một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để; nhiều điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chưa được giải quyết; phản ánh của người dân về một số điểm ô nhiễm môi trường đang lặp đi lặp lại.

Tình trạng xả chất thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để vẫn còn xảy ra. Riêng chất thải rắn sinh hoạt, tổng lượng thu gom hàng ngày khoảng trên 1.120 tấn, trong đó tỷ lệ xử lý đạt gần 74% (khu vực nông thôn tỷ lệ xử lý đạt ít hơn, chỉ 60%).

Phương pháp xử lý bằng công nghệ đốt và chôn lấp tại 15 cơ sở; trong đó có 9 cơ sở xử lý hợp vệ sinh, còn lại 6 cơ sở chưa đảm bảo. Trong 9 cơ sở được đánh giá xử lý hợp vệ sinh, quá trình vận hành vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề nước rỉ rác không được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, công tác thu gom, xử lý rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường từ bãi rác đang là vấn đề bức xúc trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống người dân ở nhiều địa phương.

Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung. Việc phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản có nơi chưa nghiêm túc, kịp thời. Ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất, đất, không khí tại một số khu vực gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống Nhân dân.

Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu cũng đang diễn ra với nhiều biểu hiện cực đoan. Rõ rệt nhất là tăng nhiệt độ với ngày nắng nóng kéo dài trên mỗi đợt và nền nhiệt cao hơn dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu hụt nước sinh hoạt và sản xuất, đa dạng sinh học giảm.

Hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài, gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất. Nước biển xâm nhập vào đất liền xảy ra một số địa phương ven biển, làm đất, nước bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Hưng Lộc (thành phố Vinh) chưa đảm bảo. Ảnh: Mai Hoa

Không vi phạm 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường

Phóng viên:Giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu trên như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Thái Văn Nông: Để giải quyết các vấn đề môi trường đang đặt ra trên địa bàn tỉnh và hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2022 thiết thực, trách nhiệm không thuộc riêng ngành Tài nguyên và Môi trường mà là trách nhiệm chung của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, gia đình, cá nhân đã được Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định.

Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm nghiên cứu để thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2022. Về phía các cấp, các ngành cần tạo điều kiện, huy động các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

Hoạt động thu gom, "biến rác thải thành việc có ích" của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đô Lương". Ảnh: Mai Hoa

Mỗi tổ chức, cá nhân cần nắm rõ để không vi phạm 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó có xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường; vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cùng với triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng cần có trách nhiệm triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành ngày 02 tháng 3 năm 2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 - 2030”.

Trọng tâm là nâng cao nhận thức và hành động song hành trong công tác bảo vệ môi trường trong các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về bảo vệ môi trường.

Từng bước ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết tốt các vấn đề cấp bách, cải thiện chất lượng môi trường, đa dạng sinh học; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Kè sông Hoàng Mai được đầu tư, đưa vào sử dụng chống sạt lở. Ảnh: Mai Hoa

Tỉnh cũng đang rà soát để sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước và điều kiện, yêu cầu thực tiễn của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường nguồn lực, trong đó có tăng chi ngân sách và tăng thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hợp tác và phối hợp về bảo vệ môi trường.

Mặt khác, tỉnh cần tăng cường thu hút và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và xâm nhập mặn; xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền; các dự án di dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển và vùng miền núi; các chương trình, đề án đổi mới sinh kế cho người dân phù hợp với điều kiện từng khu vực, đảm bảo phát triển bền vững.

Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm 2022 “Chỉ một trái đất”, kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân thay đổi thói quen, hành vi với lối sống xanh hơn, sạch hơn, cùng chung tay giải quyết các vấn đề lớn về biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường để bảo vệ Trái đất - hành tinh duy nhất của chúng ta.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Ngày Môi trường Thế giới năm 2022: Xây dựng lối sống xanh hơn, sạch hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO