Ngày xuân gặp gỡ Nghệ nhân hát dân ca
(Baonghean.vn) - Đầu Xuân mới Ất Mùi 2015, về thăm nghệ nhân dân gian Trần Thị Như ( 97 tuổi) ở xóm Đồng Hoa - xã Đồng Thành, được trò chuyện, được nghe cụ hát mới cảm nhận được sự lạc quan và đam mê với các làn điệu dân ca. Cụ cũng là người truyền dạy, thắp lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho con cháu và là hạt nhân tiêu biểu, góp phần bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại địa phương.
Cụ Trần Thị Như và con rể Nguyễn Cảnh Sơn đều là Nghệ nhân dân gian. |
Nếu ai đã từng một lần được nghe giọng hát của cụ Trần Thị Như thì chắc hẳn phải nhớ mãi. Và ngay cả bây giờ ít ai có thể ngờ rằng đó là giọng hát của cụ bà đã 97 tuổi - một trong 13 thành viên của câu lạc bộ dân ca xã Đồng Thành.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở xóm Đồng Hoa xã Đồng Thành, tuổi thanh xuân, nghệ nhân dân gian Trần Thị Như từng là dân quân du kích, rồi tham gia phong trào văn hoá, thông tin của làng xã, nhưng với chất giọng “trời phú” cùng với niềm đam mê ca hát từ thuở nhỏ đã giúp cụ trở thành cây văn nghệ tiêu biểu nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới và nhiều nơi trong tỉnh biết đến.
15 tuổi cụ đã đi hát dân ca, hát phường vải và được mời đi diễn ở nhiều nơi, như hát mừng ở Tổng Văn Tụ,Tổng quan hóa huyện; hát ở Bến Sa Nam (Nam Đàn), hát ở Đình Bãi Đá (Tân Kỳ), hát mừng cụ Thượng Ngọc Hoàng ở Diễn Châu, hát mừng đại hội Đảng, hội nghị Diên Hồng đầu Xuân.v.v.
Theo các cụ cao niên ở xã Đồng Thành cho biết khi giọng ca của cụ vang lên thì mọi người cảm thấy rộn ràng, sâu lắng và thắm đượm ân tình. Cụ có thể hát dân ca bất cứ lúc nào, khi làm đồng, ru con và làm việc trong gia đình. Đặc biệt những điệu hò, câu ví đượm nghĩa, đượm tình luôn được cụ ngân lên vào những dịp hội làng, mỗi độ Tết đến, Xuân về, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước trong lòng mỗi người dân.
Điều đáng ghi nhận niềm đam mê dân ca ví giặm của cụ đó là năm 2012, khi đã ở tuổi 94, nhưng cụ vẫn trực tiếp tham gia tiết mục “Hát Kiều” tại Liên hoan dân ca, ví giặm xứ Nghệ cụm 1 tại Diễn Châu và đã giành được giải B, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Nghệ nhân dân gian Trần Thị Như chia sẻ: Với dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh giờ đây dường như đã ngấm vào máu thịt, nếu một ngày mà không hát vài lần là không chịu được. Tuy tuổi cao, trí nhớ giảm nhưng với dân ca thì cụ vẫn còn nhớ rất nhiều làn điệu để dạy lại cho con cháu.
Cũng nhờ có vốn am hiểu sâu sắc về các làn điệu dân ca cổ nên cụ còn là hạt nhân có nhiều kinh nghiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần thắp lửa tình yêu dân ca cho quần chúng nhân dân ở mọi lứa tuổi và đã góp một phần công sức vào việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca dân ca Nghệ Tĩnh.
Ghi nhận những đóng góp đó, năm 2013, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, được tặng Kỷ niệm chương " Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam" . Riêng đối với gia đình nhỏ của mình, cụ là người mẹ đã có sức ảnh hưởng lớn đến việc truyền đạt niềm đam mê ca hát, đặc biệt là các làn điệu dân ca cho thế hệ con cháu. Hiện tại trong gia đình cụ đã có 2 thế hệ nghệ nhân dân gian nối tiếp nhau và đều là những hạt nhân tiêu biểu của CLB dân ca xã Đồng Thành.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Sơn - con rể của cụ Trần Thị Như - xóm Đồng Trổ - xã Đồng Thành cho biết : mẹ Trần Thị Như không những là một nghệ nhân mà còn là một người thầy đã góp phần rất lớn trong việc hun đúc, nuôi dưỡng, thắp lửa tình yêu hát dân ca trong tôi. Mẹ đã truyền lại cho tôi nhiều làn điệu dân ca cổ. Tôi rất tự hào về mẹ, không những tôi mà thế hệ con, cháu, chắt trong nhà của mẹ bây giờ đều đam mê ca hát, đặc biệt là các làn điệu dân ca.
Còn với anh Trần Danh Tuyết - giáo viên âm nhạc trường THCS Đồng Thành thì không giấu được tự hào: Bà nội là người sống rất giản dị và hết mực yêu thương con cháu, luôn phát huy vai trò tuổi cao gương sáng. Bà luôn bảo ban con cháu phải sống đoàn kết, hoà thuận và gìn giữ gia phong nếp nhà. Không những thế mà bà nội còn là người thổi hồn vào những làn điệu dân ca, khơi dậy tình yêu hát dân ca cho con cháu, giáo dục chúng tôi là thế hệ trẻ phải biết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc. Đã gần 100 tuổi rồi mà bà vẫn thuộc hàng chục lời dân ca cổ. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào về bà nội của mình.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng Nghệ nhân dân gian Trần Thị Như vẫn nhớ rất nhiều làn điệu dân ca cổ, là kho tư liệu quý báu cho nhiều nhà biên soạn kịch lời mới, diễn xướng, góp phần tạo thêm sự phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, hiện tại cụ đang được làm hồ sơ đề nghị xét phong tặng danh hiệu “ Nghệ nhân ưu tú”.
Một mùa Xuân mới lại về, với nghệ nhân dân gian Trần Thị Như, niềm hạnh phúc lớn nhất là được vui vầy bên con cháu, được đóng góp một phần sức mình để bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca xứ Nghệ, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cho mạch nguồn dân ca ví giặm mãi mãi trường tồn với những mùa Xuân./.
Thái Dương - Hồng Nhung