Ngày xuân nghe hát ca trù Kẻ Lứ
(Baonghean) - Ngày đầu xuân, được nghe một làn điệu ca trù, tâm hồn con người như lắng lại, hướng về tổ tiên cội nguồn...
(Baonghean) - Ngày đầu xuân, được nghe một làn điệu ca trù, tâm hồn con người như lắng lại, hướng về tổ tiên cội nguồn dân tộc. Với sức sống bền bỉ và trên hết là tình cảm gắn bó với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc nên ngày nay trên đất Kẻ Lứ Yên Lý (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An), ca trù vẫn vang lên trong niềm đam mê của mỗi người, trong không khí rộn ràng, thấm đậm bản sắc dân tộc.
Từ gần chục năm nay, từ khi ca trù được phục hồi,tết ở xã Diễn Yên ngày một tươi mới. Từ ngày mồng 2 tết, các đào nương, kép đàn đã xúng xính trong trang phục truyền thống tập trung tại đình làng ca hát. Tiếng nhịp phách, trống chầu, những bài hát ca trù có sức cuốn hút thật kỳ lạ. Mọi người không ai bảo ai, đến chật cả đình, không gian lặng đi chỉ còn lời ca lúc trầm, lúc bổng. Chị Lê Thị Phùng (một ca nương lâu năm) cho biết: mỗi dịp tết đến xuân về các chị đều được mời đi biểu diễn mừng Đảng, mừng Xuân. Đặc biệt các dòng họ rất quan tâm, đi đến đâu cũng được mến mộ.
Sở dĩ Diễn Yên có phong trào ca trù như vậy bởi đây được xác định là cái nôi ca trù không của chỉ Diễn Châu mà cả Nghệ An. Theo một số tài liệu nghiên cứu và 12 đạo sắc từ đời vua Lê Trung Hưng hiện vẫn còn lưu giữ được thì năm 1690 giáo phường nhà tơ đại hàng Kẻ Lứ - Yên lý (nay là xã Diễn Yên) được dòng họ Trần thành lập, đứng đầu là Ông Trần Mập (một quản giáp nổi tiếng ngự giáo phường, tức là phường ca trù hát ở cung đình).
Từ ông này sinh một dòng họ cầm ca lừng lẫy, sắc vua ban tới tước Hầu. Hiện nay nhà thờ họ Trần vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc vua phong cho các quản giáp tài ba của dòng họ. Theo phả của giáo phường, năm Bính Dần, niên hiệu Tự Đức 33 (1866) ở đình Cháy đã tổ chức một đợt hát ca trù kéo dài 8 ngày đêm để các làng trong xã ngoài du xuân. Tại đình còn lại 3 chữ: chiêu kỳ văn (nghĩa là họp lại để sinh hoạt văn hoá).
Cùng với dòng chảy thăng trầm của lịch sử, từ giữa đến cuối thế kỷ XX ca trù hầu như không còn chỗ đứng trong đời sống xã hội ở Diễn Châu bởi nhiều quan niệm không đúng. Từ khi có Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương khoá 8 về "xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", ca trù lại được quan tâm khôi phục hơn bao gìơ hết. Tại cái nôi ca trù, Đại hàng kẻ Lứ - Yên lý đã đi vào dĩ vãng thì nay trên quê hương Diễn Yên đã thành lập được một câu lạc bộ ca trù. Tuy ra đời muộn nhưng câu lạc bộ nhanh chóng thu hút được nhiều người say mê ca trù, lứa tuổi từ 20 đến 60.
Có gia đình ông Phạm Tài Khoản có 04 người (gồm cả vợ, con trai, con dâu) cùng tham gia câu lạc bộ, đồng thời ông cũng là chủ nhiệm CLB ca trù Diễn Yên. Ông Khoản cho biết: Chúng tôi là những người đam mê ca trù mà đất Diễn Yên là đất ca trù Kẻ Lứ trải qua gần 400 năm. Lớp hậu sinh muốn nối gót, giữ vững được ca trù nên chúng tôi sưu tầm học hỏi các cụ già truyền dạy lại đồng thời tham gia các lớp tập huấn ca trù ở huyện.
Đình Cháy là một trong những di sản vật thể còn lại của giáo phường Kẻ Lứ Yên Lý. Ở đây đã từng vang lên tiếng đàn, tiếng hát của các đào kép trong các dịp tế thần, thánh, thăng quan tiến chức, giao lưu giữa các giáo phường đại hàng Cổ Đạm (Hà Tĩnh), đại hàng Cát Ngạn (Thanh Chương),... Vì vậy, ngoài sự quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho câu lạc bộ hoạt động thì Diễn Yên đã cho tôn tạo lại Đình và xem đây là nơi sinh hoạt văn hóa ca trù. Nói về công tác phục hồi nghệ thuật ca trù, ông Dương Đăng Hoàng (Phó chủ tịch UBND xã Diễn Yên) cho biết: Đảng ủy, ủy ban đã chỉ đạo thành lập CLB ca trù gồm 08 ông bà, khuyến khích con em có giọng hát ca trù tập luyện để giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc.
Qúa trình phát triển của ca trù được biểu hiện trong các không gian ở đình làng, đền thần.. gắn liền với lễ hội, phong tục tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, mang tư tưởng và triết lý sống sâu sắc của người Việt. Vì vậy, nhịp sống hiện đại với bao loại hình âm nhạc trẻ trung, sôi động cũng không thể khiến người ta lãng quên môn nghệ thuật độc đáo, tinh diệu vào bậc nhất của dân tộc. Chính điều cốt lõi này mà ca trù Kẻ Lứ - Yên Lý sẽ sống mãi với thời gian và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân quê, góp thêm sắc xuân đậm đà bản sắc dân tộc mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Mai Giang