Nghệ An: 1 ngày 33 bệnh nhân đột quỵ não

(Baonghean.vn) – Trong những ngày thời tiết giá rét, ở Nghệ An đã có hàng trăm người bị đột quỵ não, tim mạch.

Trong ngày 25/12, có tới 33 người bị đột quỵ não nhập vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để điều trị. Ảnh: Thanh Sơn
Trong ngày 25/12, có tới 33 người bị đột quỵ não vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thanh Sơn

Trong những ngày thời tiết giá rét, số lượng người bệnh bị đột quỵ não vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh tăng lên đột ngột. Tại khoa Thần kinh, thời điểm này, số lượng bệnh nhân đột quỵ não là trên 80 người, chiếm tới hơn ½ số lượng bệnh nhân điều trị tại đây. Phần lớn người bệnh là người cao tuổi.

Người nhà bà Võ Thị Thanh (70 tuổi, ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc) - bệnh nhân đang điều trị tại khoa Thần kinh cho biết: Bà đang ngồi trong nhà thì đột ngột đau đầu dữ dội, nôn mửa, giảm ý thức. Đưa đến bệnh viện cấp cứu mới biết bị huyết áp tăng, đột quỵ não và chảy máu dưới nhện.

Cá biệt, cũng có một số người đang ở tuổi trung niên như ông Phạm Văn Đức (47 tuổi, ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc). Tương tự như bà Thanh, ông Đức cũng đang ở nhà thì bị nhồi máu não, đột ngột lú lẫn, giảm ý thức và liệt nửa người.

Phim chụp một bệnh nhân bị đột quỵ, xuất huyết não đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thanh Sơn
Phim chụp một bệnh nhân bị đột quỵ, xuất huyết não đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thanh Sơn

Theo các bác sĩ, nhiều người đến bệnh viện cấp cứu kịp thời thì có khả năng hồi phục tốt, đến muộn sau 4 tiếng rưỡi thì di chứng để lại sẽ nặng nề hơn. Đó là các thiếu sót về thần kinh như liệt nửa người, không nói được, không nuốt được.

Đỉnh điểm của bệnh trong năm diễn ra vào ngày 25/12, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa đã đón tới 33 bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhiều người ở trong tình trạng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Cũng giống như Khoa Thần kinh, trong đợt rét này, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa cũng đón rất nhiều bệnh nhân bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ tim, suy tim sung huyết... Có đêm, khoa phải thực hiện can thiệp cấp cứu 5 - 6 ca. Thời tiết lạnh là nguyên nhân chính khởi phát các bệnh này.

Tránh lạnh đột ngột để phòng bệnh

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa - Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh giải thích về cơ chế lạnh gây tăng bệnh lý tim mạch và đột quỵ não: Trời lạnh dẫn đến tăng huyết áp do tăng hoạt tính hệ thần kinh giao cảm và hệ renin-agiotensin. Ngoài ra, lạnh ảnh hưởng huyết động do giảm tưới máu da, tăng bài tiết nước tiểu, tăng mất nước, tăng cô đặc máu...

Lạnh còn ảnh hưởng đến động mạch và tim như tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, tăng sự bất ổn định mảng xơ vữa, mảng xơ vữa dễ bị vỡ... Tất cả điều này dẫn đến làm tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não (nhồi máu não, chảy máu não).

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng khoa Thần Kinh khuyến cáo: người bệnh có những triệu chứng bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế có khoa tim mạch, thần kinh để khám nhằm phát hiện sớm bệnh. Ảnh: Thanh Sơn
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa - Trưởng khoa Thần kinh khuyến cáo: Khi có những triệu chứng bất thường, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để khám nhằm phát hiện sớm bệnh. Ảnh: Thanh Sơn

Theo Tiến sĩ Hòa: Đột quỵ não, bệnh tim mạch đang là 2 bệnh nằm trong 3 bệnh lý hàng đầu dễ dẫn đến tử vong. Vào mùa lạnh, để tránh đột quỵ não và tim mạch, những người đang bị các bệnh mang yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim... cần phải uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ và tái khám đúng kỳ hẹn để kiểm soát bệnh.

Khi người bệnh có những triệu chứng bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế có khoa Tim mạch, Thần kinh để khám nhằm phát hiện sớm.

Thạc sĩ Phạm Hồng Phương - Trưởng khoa Tim mạch khuyến cáo: Trong mùa lạnh, mọi người cần kiểm soát tốt lối sống của mình để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ não. Cụ thể là tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Bên cạnh đó là phải giữ ấm cơ thể.

Với những người có thói quen dậy sớm, tập thể dục (nhất là người cao tuổi) cần tránh việc bị lạnh đột ngột. Ví dụ khi muốn tập thể dục sớm cần mở cửa để không khí lạnh lùa vào nhằm thích nghi rồi mới bước ra ngoài. Hoặc khi tắm cần tránh tắm nước lạnh, phải làm quen độ ấm của nước trước và tắm từng bộ phận cơ thể.

Thực tế ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho thấy: Có rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ não, đột quỵ tim khi đang tập thể dục buổi sáng, buổi tối, tắm... do bị lạnh đột ngột./.

Thanh Sơn

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.