Xây dựng Đảng

Nghệ An áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Mai Hoa {Ngày xuất bản

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã chứng minh: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Các cấp ủy Đảng ở Nghệ An đã chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng nhiều giải pháp cụ thể và hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp vững mạnh.

 Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao đổi với người dân xã Xuân Tường về chủ trương sắp nhập xã. Ảnh Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao đổi với cán bộ xóm ở xã Xuân Tường về chủ trương sắp nhập xã. Ảnh: Mai Hoa

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thanh Chương là huyện vùng trung du miền núi, những năm gần đây đã có những chuyển mình rõ nét. Địa phương đã có 29/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Thanh Chương đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh.

Nhiều công trình, dự án được đầu tư, nhất là công trình giao thông tạo kết nối, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng trong huyện, các dự án sản xuất giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Điều dư luận ghi nhận, đánh giá cao là huyện Thanh Chương đã xây dựng được đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có năng lực, uy tín, trách nhiệm với quê hương và thật sự vì dân.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương chú trọng chỉ đạo khâu đánh giá, nhận xét cán bộ bài bản, nghiêm túc và thực chất trên cơ sở các kênh, lắng nghe đa chiều, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo, tiêu chí quan trọng nhất.

Quan tâm đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, viên chức, với nhiều người tham gia việc đánh giá, gồm cấp trên trực tiếp, đồng nghiệp cùng một chức vụ, nhân viên dưới quyền, đơn vị cơ sở, nhân dân và bản thân người được đánh giá.

 Cán bộ, công chức thị trấn hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo Sở Nội vụ kiểm tra thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại thị trấn Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức hàng tháng trên cơ sở phân công, giao việc để đảm bảo chặt chẽ và kịp thời, làm cơ sở tổng hợp kết quả cả năm. Đánh giá, xếp loại tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện nghiêm túc theo tỷ lệ 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; điều này đặt ra việc đánh giá, xếp loại đòi hỏi phải có tính thực chất, phải thực sự “bó đũa chọn cột cờ”.

“Từ việc đánh giá, xếp loại thực chất cán bộ, công chức và kết quả đánh giá, xếp loại làm căn cứ cho quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, kể cả tinh giản biên chế; vừa tạo sự răn đe và động lực để cán bộ, công chức nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ”,

Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương

Cùng với đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức; công tác rà soát, bổ sung quy hoạch gắn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Huyện ủy Thanh Chương quan tâm chỉ đạo. Hiện trình độ chuyên môn của Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 44,4% thạc sĩ và 55,6% đại học; trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp chiếm 83,3% và trung cấp chính trị là 16,7%.

Đội ngũ cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp cấp huyện có trình độ chuyên môn thạc sĩ chiếm 53,3% và 46,7% đại học; trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp 86,7% và trung cấp 12,3%.

Ở cấp xã, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức có 1,4% thạc sĩ (11 người); đại học là 91,6% (698 người) và cao đẳng, trung cấp chiếm 7% (53 người). Về trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân và trung cấp chiếm gần 90%.

 Công chức xã Thanh Nho (Thanh Chương) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh- Mai Hoa
Công chức xã Thanh Nho (Thanh Chương) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Ở huyện Quỳ Hợp, một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức chính là đẩy mạnh nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ. Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

“Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng đồng bộ, toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp có chất lượng, năng lực và uy tín thông qua các khâu tuyển dụng, đến quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, bổ nhiệm cán bộ”, đồng chí Cao Đức Trung – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp cũng cho biết: Từ xác định rõ khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ lấy kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao làm tiêu chí “cứng”; ý thức học tập, rèn luyện, hoàn thiện mình trong cán bộ, công chức các cấp trên địa bàn huyện được nâng lên.

 Lãnh đạo HĐND tỉnh và lãnh đạo huyện Quỳ Hợp lắng nghe trao đổi của cán bộ xã Bắc Sơn về hoạt động của hệ thống chính trị tại địa phương. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo HĐND tỉnh và lãnh đạo huyện Quỳ Hợp lắng nghe trao đổi của cán bộ xã Bắc Sơn về hoạt động của hệ thống chính trị tại địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Đối với cán bộ đang đảm nhận các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp quản lý, khi đến thời gian bổ nhiệm lại, nếu không hoàn thiện đầy đủ các tiêu chuẩn thì tự nguyện xin nghỉ hoặc điều chuyển vị trí công tác khác. Hiện nay, ở huyện Quỳ Hợp đã có 7 cán bộ cấp xã thuộc diện này và kể cả một số cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Từ xác định rõ khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ lấy kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao làm tiêu chí “cứng”; ý thức học tập, rèn luyện, hoàn thiện mình trong cán bộ, công chức các cấp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp được nâng lên.

Đồng chí Cao Đức Trung – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp

Huyện ủy Quỳ Hợp cũng quan tâm công tác luân chuyển cán bộ vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ, vừa kiện toàn cho những đơn vị yếu, khó khăn, đồng thời, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra. Luân chuyển gắn với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không là người địa phương; trong đó, ở cấp xã hiện có 17/21 đơn vị có lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, lấy sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp để lan tỏa.

Huyện cũng quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, nhất là tác phong làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, người lao động, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ.

 Thường trực HĐND huyện Quỳ Hợp giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công cầu bản Hi, xã Châu Hồng. Ảnh- Mai Hoa
Thường trực HĐND huyện Quỳ Hợp giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công tại xã Châu Hồng. Ảnh: Mai Hoa

Nhận thức rõ hạn chế để có giải pháp quyết liệt

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã chứng minh: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Bởi thế, thời gian qua, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã chăm lo triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp vững mạnh.

Riêng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 61 kế hoạch, thông tri, kết luận, quy định, quy chế, quyết định, hướng dẫn và công văn để cụ thể hóa các quy định của Trung ương mang tính đồng bộ, toàn diện về công tác cán bộ để triển thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Bao gồm, công tác đánh giá cán bộ; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác luân chuyển; công tác tuyển chọn, bố trí, phân cấp quản lý, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ; công tác chính sách cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai và chỉ đạo các cấp ủy triển khai thực hiện 2 nhóm trọng tâm và 5 đột phá trong công tác cán bộ bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đáng quan tâm là thực hiện rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ; điều chỉnh phân cấp, xác định rõ trách nhiệm về công tác cán bộ của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc và người đứng đầu; đặc biệt là tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chúc Tết gia đình ông Lương Văn Duyệt, thương binh 1:4, ở bản Thái Sơn 2. Ảnh- Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc Tết gia đình ông Lương Văn Duyệt, thương binh 1/4 ở bản Thái Sơn 2, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Mai Hoa

Đồng thời với đó là sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Trong đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc gắn đánh giá trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể; từ đó, phát huy được trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ, khắc phục một bước tình trạng nể nang, xuề xòa, né tránh, ngại va chạm... trong đánh giá cán bộ.

Việc bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhất là từ cấp tỉnh về cấp huyện. Hiện nay, Nghệ An đang có 18/21 bí thư cấp ủy cấp huyện và 12/21 chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương.

Dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, song trình độ, năng lực của một số cán bộ, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức ý thức tu dưỡng, rèn luyện chưa cao, dẫn đến vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.

Trình độ, năng lực công tác của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém, nhất là tư duy, năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, năng lực quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Không ít cán bộ vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, làm việc theo kinh nghiệm, ngại học hỏi, tiếp thu kiến thức mới; lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… Đây là những vấn đề đã được các cấp ủy trong tỉnh nhìn nhận rõ để tiếp tục trăn trở, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới.

Nghệ An áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO