Xây dựng Đảng

Nghệ An ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc bảo đảm thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội

P.V 21/08/2024 10:44

Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc bảo đảm thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội và quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Quy định gồm 3 chương, 13 điều.

Theo đó, Quy định này quy định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, tổ chức liên quan và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện quy chế về giám sát, phản biện xã hội và quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện, góp ý).

Về đối tượng áp dụng:

  1. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cấp ủy, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp; đảng ủy, chi ủy cơ sở, các tổ chức Đảng cơ sở trực thuộc Đảng bộ tỉnh (gọi chung là tổ chức Đảng).
  1. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các cơ quan, đơn vị thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (gọi chung là chính quyền).
  1. Cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động và công dân (gọi chung là cá nhân).

Về nguyên tắc thực hiện:

Người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quy định này. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời gửi văn bản dự thảo, thông báo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan, cần thiết trước và trong quá trình giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước).

bna_can-bo-mttq-huyen-thanh-chuong-giam-sat-viec-niem-yet-danh-sach-cu-tri-lay-y-kien-sap-nhap-xa-tai-thanh-nho.-anh-mai-hoa.jpg
Cán bộ MTTQ huyện Thanh Chương giám sát việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến sáp nhập xã tại Thanh Nho. Ảnh minh họa: Mai Hoa

Ý kiến giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải phù hợp với quy định, hướng dẫn, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng.

Quá trình tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến phải được thực hiện theo nguyên tắc đúng thời gian, đúng quy định pháp luật. Có sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc tiếp thu, kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước)...

Theo Quy định này, hằng năm Ban Thường vụ cấp ủy tiến hành phê duyệt chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, hoàn thành trong tháng 1 hàng năm; cho ý kiến về nội dung giám sát ngoài kế hoạch khi cần thiết.

Thường xuyên và định kỳ cung cấp, thông báo đầy đủ các thông tin về các chủ trương, chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng; chỉ đạo các cơ quan giúp việc gửi các văn bản dự thảo nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, tổ chức Đảng (không thuộc bảo vệ bí mật Nhà nước) cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức phản biện xã hội.

Tiếp thu, giải quyết, phản hồi hoặc lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xem xét tiếp thu, giải quyết, phản hồi các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Chỉ đạo chính quyền, cơ quan chức năng, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối thoại trực tiếp khi cần thiết để làm rõ những nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bố trí thời gian trong các kỳ họp 6 tháng và cuối năm để nghe Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp báo cáo kết quả giám sát, phản biện và góp ý đối với các cơ quan, đơn vị; kết quả việc phản hồi các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong thời gian chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, phản ánh, kiến nghị của chủ thể giám sát, phản biện, góp ý tổ chức Đảng, chính quyền thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết đến chủ thể giám sát, phản biện, góp ý và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với những ý kiến, kiến nghị cần có thời gian thẩm tra, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị, góp ý.

Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả tiếp thu góp ý, giám sát, phản biện lên cấp trên trực tiếp và gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; xem xét, kiểm tra, xử lý tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm theo quy định hiện hành…

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy định số 5701- QĐ/TU, ngày 13/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Nghệ An ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc bảo đảm thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO