Nghệ An: Báo động ô nhiễm nhiều kênh mương do rác, chất thải
(Baonghean) - Tình trạng vứt rác thải bừa bãi nơi đầu nguồn các dòng kênh đào, khai thác khoáng sản xả thải lòng kênh khiến nhiều địa phương đang phải hứng chịu nguồn nước ô nhiễm.
Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng do khai thác chế biến khoáng sản xả thải vô tội vạ. Khu vực hợp lưu của 2 dòng Nậm Tôn và Nậm Huống, thuộc xã Châu Quang là một trong những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.
Ông Vi Văn Mai ở bản Còn, xã Châu Quang cho biết: Gia đình có 8 sào ruộng, nhưng nguồn nước ô nhiễm từ khai thác quặng thiếc chảy tràn vào tận ruộng, nên tôi đã phải chuyển sang để trồng lúa.
Rác thải tràn ngập các cống xi phông ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu). Ảnh: Văn Trường |
Ở thượng nguồn sông Dinh, các xưởng chế biến đá trắng, khai thác quặng đang xả thải bùn đất, bột đá trực tiếp ra sông, suối. Người dân ở hai bên bờ sông cũng thẳng tay xả rác thải, xác động vật chết xuống dòng sông gây nên tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước cấp cho các xã Tâm Hợp, Yên Hợp, Châu Lộc…
Ở các huyện đồng bằng, dọc dòng kênh đào chảy qua huyện Quỳnh Lưu, các cống ngầm, cống xi phông đều tràn ngập rác. Chị Hồ Thị Huyền ở xóm 7, xã Quỳnh Đôi phản ánh: “Cống ngầm ở gần xóm ngày nào cũng có người vớt rác mà không xuể, rác đủ loại gồm cả xác chết động vật như chó, gà, lợn… ruồi nhặng xú uế bốc lên bay vào làng không thể chịu được. Bà con lo nhất là ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt, bởi bao nhiêu rác thải cũng đều dồn về sát Nhà máy nước Quỳnh Đôi”.
Đáng báo động là hàng chục xã ở huyện Quỳnh Lưu đều sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ dòng kênh đào này. Ngay như Nhà máy nước Quỳnh Lưu với công suất 3.000m3/ngày/đêm phục vụ nước sinh hoạt cho thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, An Hoà, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thuận cũng lấy nguồn nước từ hệ thống sông đào này.
Nhiều tuyến kênh thủy lợi cũng nằm trong tình trạng ô nhiễm ở các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Tân Kỳ… ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.
Rác ở cống xi phông N8 qua xã Tăng Thành. Ảnh Lê Cường |
Trước thực tế có nhiều hành vi xâm hại đến hệ thống thủy lợi, ông Lê Cường - Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Nghệ An phản ánh: Hệ thống thuỷ lợi Bắc Nghệ An phục vụ nước sản xuất cho 70.000 ha và cung cấp nước dân sinh cho hơn 1 triệu người dân trên địa bàn 5 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Tình trạng vứt phế liệu, rác, xác động vật xuống lòng kênh tồn tại phổ biến trên hệ thống này gây ra nhiều hệ luỵ.
Những điểm thường xuyên bị đổ rác thải lớn xuống lòng kênh gồm: kênh chính Đô Lương đi qua xã Văn Sơn, kênh N2 hệ Trạm bơm Văn Tràng đi qua thị trấn Đô Lương; kênh N4B đi qua xã Trung Thành, kênh N10 đi qua xã Hoa Thành, Văn Thành, huyện Yên Thành; kênh N13 đi qua xã Quỳnh Giang, kênh chính Đô Lương đi qua các xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu); kênh chính, kênh Nam hồ Vực Mấu đi qua phường Mai Hùng, Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai)...
Thu dọn rác ở xi phông sông Thái kênh chính Đô Lương đi qua xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu- Ảnh Lê Cường |
Trước tình hình đó, Công ty TNHH Thuỷ lợi Bắc đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn, thu dọn nhằm thông thoáng lòng kênh, bảo vệ môi trường nhưng tình trạng vi phạm công trình thủy lợi xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là nạn đổ rác thải, phế liệu, xác động vật xuống dòng sông làm ảnh hưởng đến công tác cấp nước, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần vào cuộc một cách quyết liệt để ngăn chặn ngay những vấn nạn này./.
Lê Cường- Văn Trường