Người nuôi tôm ở Quỳnh Lưu gặp khó vì ô nhiễm nguồn nước
Bước vào vụ nuôi chính, người nuôi tôm một số xã của huyện Quỳnh Lưu lo lắng vì nguồn nước lấy từ sông Mơ bị ô nhiễm.
Thời điểm này có mặt tại cánh đồng tôm xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu thấy đìu hiu, vắng vẻ, máy móc phục vụ nuôi tôm lâu ngày không sử dụng nay đã tét rỉ.
Ông Trần Gương xóm 12, xã Quỳnh Thanh cho biết: Nghề nuôi tôm ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) trước đây thu lãi tiền tỷ mỗi năm. Nhiều người đổ tiền đầu tư vào đầm tôm mong đổi đời, tuy nhiên mấy năm gần đây nhiều người đã bỏ nghề này đi làm thuê lấy tiền trả nợ. Ngay như gia đình tôi có 1,5 ha ao nuôi tôm, nhưng vụ này không dám xuống giống vì ô nhiễm nguồn nước, tôm thả xuống sẽ chết do dịch bệnh lại "tiền mất, tật mang".
Sát đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Trần Thuyên xóm 12, xã Quỳnh Thanh đầu tư trên 3 tỷ đồng với hệ thống nhà lưới, phủ bạt cùng hệ thống máy móc nhưng giờ đều đã bỏ hoang nhiều năm qua. Theo quan sát một số đầm tôm được người dân chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính, do nguồn nước ô nhiễm cá bị chết nổi trên mặt nước.
Ông Hồ Trần Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết: Địa bàn xã Quỳnh Thanh có trên 70 ha tôm, trong đó có khoảng trên 20 ha là nuôi quảng canh, một số diện tích chuyển sang nuôi cua, cá rô phi nhưng không hiệu quả, số diện tích trên 50 ha còn lại là bỏ hoang. Nguyên nhân là do nguồn nước sông Mơ bị ô nhiễm nặng, nên tôm hay bị dịch bệnh nên nông dân không mặn mà nuôi vì sợ thua lỗ.
Ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 130 ha tôm, có khoảng trên 10 ha nuôi công nghệ cao, còn lại nuôi theo kiểu quãng canh không đầu tư, trong đó có nhiều diện tích bỏ hoang. Để nuôi tôm hiệu quả về lâu dài cần phải đầu tư hạ tầng, đặc biệt là cải tạo nguồn nước, cũng như đầu tư công nghệ cao, giúp chủ động thời vụ, hạn chế dịch bệnh, từ đó nâng cao chất lượng, sản lượng tôm, tối ưu thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người nuôi.