Nghệ An: Báo động về an toàn cháy nổ trên tàu, thuyền
(Baonghean)- Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống cháy nổ ở các tàu thuyền chưa thực sự được các chủ tàu thuyền quan tâm, nguy cơ về cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào...
Cảng cá Cửa Hội vào những ngày cao điểm có từ 150 - 200 thuyền về neo đậu. Hơn 50% trong số này là tàu của các tỉnh từ Nam Định -Bình Định. Với hành trình đi biển kéo dài từ 10 - 15 ngày/chuyến, mỗi chiếc tàu được ví như một ngôi nhà thu nhỏ. Trên tàu, được trang bị đồ dùng, vật dụng giống như một gia đình. Vậy nhưng việc bố trí đường dây điện, hệ thống ánh sáng, bếp và các phương tiện khác rất sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao...
Tàu QNG 97064 của ông Đỗ Hồng Quang (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) được đóng mới và đưa vào sử dụng hơn 1 năm với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Vậy nhưng tàu không có các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa và các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định. Bên cạnh đó, khu vực hệ thống điện, thiết bị điện; khu vực hầm máy; khu vực chứa nhiên liệu bố trí khá gần nhau. Chủ tàu thường xuyên thắp hương vào những ngày Rằm, ngày Tết hoặc những khi tàu chuẩn bị khởi hành… mối tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đó cũng chính là thực trạng chung của các tàu khác.
Chiếc tàu cá bị cháy tại bến cá thôn Phong Thắng (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) |
.
Ông Võ Duy Nhẫn (quê ở Quảng Ngãi) cho biết: “Thực tế, chúng tôi cũng rất lo lắng về cháy nổ. Tuy nhiên, việc phòng, chống chủ yếu là do kinh nghiệm chứ chưa có phương án cụ thể”. . |
Còn tại Cảng Cửa Lò, có gần 200 chiếc thuyền neo đậu thường xuyên nhưng hầu hết các chủ phương tiện chưa có ý thức về việc phòng, chống cháy nổ. Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Cảng Cửa Lò lo ngại: Chúng tôi đã cảnh báo về nguy cơ cháy nổ cho người dân nhưng họ cố tình lơ là. Có những thời điểm như ngày Rằm, ngày Tết… người dân vô tư thắp hương, để hương cháy mà không có người theo dõi… Điều này ảnh hưởng đến uy tín của Cảng Cửa Lò, bởi nơi đây thường xuyên có tàu nước ngoài cập cảng. Trong trường hợp sự cố xảy ra thì thiệt hại về hàng hóa, tàu thuyền là rất lớn.
Theo chân lực lượng biên phòng và các cảnh sát thuộc Phòng Phòng cháy, chữa cháy số 4 - Cảnh sát PCCC tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ ở các tàu cho thấy công tác này còn nhiều hạn chế. Đơn cử như tàu NA-90505, dù trang bị khá đầy đủ các phương tiện cứu hỏa nhưng việc trang bị chủ yếu chỉ để đối phó, bởi chủ tàu và cũng là thuyền trưởng lại không biết sử dụng phương tiện PCCC.
Cảnh Sát PCCC Số 2 (thị xã Cửa Lò) tuyên truyền về PCCC cho ngư dân ở cảng Cửa Hội |
Rất nhiều trường hợp, trong quá trình sử dụng do rò rỉ dầu máy, dầu nhiên liệu, khí LPG nên khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, ngọn lửa trần hay tia lửa điện do chạm chập các thiết bị dẫn đến cháy, nổ. Vụ cháy tàu BKS NA-99899 tại xóm Phong Thắng, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) vừa xảy ra vào giữa tháng 3 là một ví dụ. Trước đó, 2 vụ cháy khác cũng đã xảy ra tại tàu cá NA-90437 của ông Hồ Hữu Đa (Quỳnh Tiến, Quỳnh Lưu) và tàu NA-95726 của ông Trần Bình (xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai). Năm 2014, một vụ cháy nguy hiểm cũng đã xảy ra ở phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) làm 3 người chết và mất tích.
Thượng tá Hoàng Thanh Quyền - Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết: Theo quy định, tất cả các tàu thuyền ra vào cảng cần phải được trang bị đầy đủ các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy, nhưng số tàu, thuyền có đầy đủ các trang thiết bị về PCCN như bình chữa cháy, thùng cát, găng tay cắt điện… rất ít. Ngay cả một số tàu lớn, tuy hệ thống máy bơm nước, đèn chiếu sáng rất công phu và phải sử dụng dòng điện mạnh nhưng rất nhiều chủ tàu lại chủ quan và không mấy chú ý đến vấn đề cháy nổ trên tàu thuyền.. |
Tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) bị cháy trên biển, ngày 8/3/2016 |
Để công tác PCCC ở các tàu thuyền có hiệu quả thì đang cần rất nhiều vấn đề cần phải bàn. Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được nguy cơ và mối nguy hại, thiệt hại về cháy nổ. Bên cạnh đó, cần nâng cao cảnh giác, chuẩn bị các điều kiện để có thể phòng, chống cháy nổ theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng như Cảnh sát Giao thông đường thủy, Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý các cảng cá, khu neo đậu, chính quyền địa phương... cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, tập huấn về PCCN cũng như tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các tàu thuyền không thực hiện nghiêm túc việc trang bị các thiết bị PCCN. Mặt khác, chính các ngư dân cũng cần tự giác chấp hành các quy định về PCCN trong quá trình sử dụng các nhiên liệu dễ gây cháy, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời khắc phục những thiết bị đã hư hỏng để có những chuyến ra khơi an toàn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 4: Hiện chỉ mới khoảng 30% ngư dân đi biển ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai được tập huấn, trang bị các kiến thức cần thiết về phòng, chống cháy nổ… Trong khi đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ trên tàu hiện nay là do sự chủ quan, bất cẩn của chủ tàu và những người làm công trên tàu vi phạm các quy định về PCCC. Ngoài ra, các tàu đánh bắt xa bờ thường đi dài ngày (từ một đến vài tháng) nên trữ một lượng lớn các chất dễ cháy như xăng, dầu, bình khí LPG, ngư lưới cụ, thùng xốp... Tuy nhiên, các khu vực dễ tạo nên cháy nổ như khu vực hầm máy, khu vực bếp, khu vực để ngư cụ lại chưa được quan tâm, bảo vệ và cách ly. . |
Bài, ảnh: Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN