Kinh tế

Nghệ An chỉ đạo siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi

Quang An 16/05/2025 18:33

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Thông báo số 355/TB-UBND về kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, thời gian qua, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Từ đầu năm 2025 đến nay đã xảy ra một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi (xảy ra 70 ổ DTLCP tại 13 huyện, thành, thị; tổng số lợn buộc tiêu hủy 1.700 con, trọng lượng hơn 99.000 kg), Lở mồm long móng (xảy ra 1 ổ dịch tại huyện Tân Kỳ), Cúm gia cầm (xảy ra 2 ổ dịch CGC A/H5N1 tại huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu; số gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy là 2.503 con vịt.); Bệnh dại (xảy ra 6 ổ dịch trên động vật tại 4 huyện, có 2 người tử vong do bệnh dại tại 2 huyện Nghĩa Đàn và Kỳ Sơn). Dự báo thời gian tới, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

bna_4(1).jpg
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Q.A

Để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ngành cấp tỉnh tập trung triển một số nhiệm vụ sau:

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm người chăn nuôi và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nhất là đối với các bệnh DTLCP, bệnh dại trên người và động vật.

Tập trung chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới phát sinh; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như một số địa phương báo cáo dịch chậm, công tác tiêu hủy không đảm bảo quy trình, kỹ thuật; khắc phục trình trạng chủ quan, lơ là trong chỉ đạo, triển khai chống dịch tại một số địa phương. Đối với các địa phương bệnh DTLCP đang diễn biến khá phức tạp như Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc; 2 ổ dịch tại xã Nậm Giải (Quế Phong) và Đôn Phục (Con Cuông) cần đặc biệt quan tâm lưu ý tập trung nguồn lực để xử lý dứt điểm, khống chế dịch.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển, giết mổ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, vứt xác động vật ra môi trường, kênh mương làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường.

bna_2(1).jpg
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An

Tiếp tục chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn. Đặc biệt, quan tâm tiêm phòng vắc - xin DTLCP theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và của UBND tỉnh.

Đối với các địa phương nuôi tôm nước lợ (Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh): Tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm, lấy mẫu gửi cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân gây bệnh kịp thời; hướng dẫn người nuôi tuân thủ các biện pháp xử lý ao, đầm; thực hiện nghiêm túc lịch mùa vụ của Sở Nông nghiệp và Môi trường, mua con giống tại các cơ sở an toàn dịch bệnh, đảm bảo chất lượng.

Khi dịch bệnh xảy ra, cần chủ động triển khai thực hiện tổng hợp, trình chính sách hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi; kiên quyết không thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho đàn vật nuôi theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh đến thời điểm 30/6/2025 nộp về Sở Nông nghiệp và Môi trường (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh).

phun hóa chất_ảnh QA
Phun tiêu độc, khử trùng để bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: Q.A

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước hoạt động chăn nuôi, hướng dẫn các quy định, điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ giống vật nuôi, chương trình xóa đói, giảm nghèo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chủ động công tác phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, lưu ý các đợt nắng nóng cao điểm trong thời gian tới.

Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND cấp huyện phụ trách các cụm xã, phường theo định hướng bố trí sắp xếp khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp để phụ trách, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý; đặc biệt, tại các địa phương để dịch bệnh dại, CGC xảy ra có người tử vong do bị lây truyền từ gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng vắc - xin.

Sở Nông nghiệp và Môi trường: Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh.

Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra các địa phương để chỉ đạo; tham mưu khen thưởng kịp thời các địa phương làm tốt, chấn chỉnh, phê bình các địa phương chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng, chống dịch để dịch bệnh kéo dài, lây lan ra diện rộng.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện giám sát, xử lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, hóa chất, vật tư,... để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

tiêm phòng_ảnh qa
Tiêm phòng vắc- xin bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: Q.A

Sở Tài chính: Kịp thời tham mưu bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh theo đúng quy định hiện hành.

Sở y tế: Triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh lây 10/4/2025 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2025.

Các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; buôn lâu, gian lận thương mại.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An chỉ đạo siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO