Kinh tế

Nông dân vùng cao chế biến thức ăn chống giá rét, ngăn dịch bệnh cho trâu bò

Hoài Thu 16/12/2024 16:58

Bước vào mùa đông lạnh, đàn vật nuôi ở các địa bàn vùng cao đối mặt với dịch bệnh và giá rét đe dọa. Nhằm ngăn chặn thiệt hại xảy ra với “tài sản sống”, nông dân vùng cao đã chủ động chuẩn bị nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn gia súc, vừa chống rét, vừa ngăn ngừa các loại dịch bệnh.

Tăng chất lượng thức ăn xanh

Bước vào mùa Đông, ở các địa bàn vùng cao, khí hậu giá rét kèm sương mù gây ảnh hưởng lớn đến trồng trọt và chăn nuôi của người dân. Vì vậy, để chủ động ứng phó, giúp đàn vật nuôi có sức khoẻ vượt qua giá rét, người chăn nuôi đã chủ động tạo nguồn thức ăn xanh, giàu dinh dưỡng.

Anh Vi Văn Hải ủ thức ăn hữu cơ cho đàn vật nuôi
Nông dân bản Thái Hoà, xã Môn Sơn (Con Cuông) ủ thức ăn hữu cơ cho đàn đàn bò, lợn của gia đình từ cây chuối trồng trong vườn nhà. Ảnh: HT

Tại nhiều xã ở huyện Con Cuông như Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Chi Khê… một trong những nguồn thu chính của người dân nơi đây là chăn nuôi lợn đen bản địa và trâu, bò. Tại bản Thái Hoà, xã Môn Sơn, cách người dân tăng sức khoẻ cho trâu, bò, lợn, gà là bổ sung thức ăn được chế biến sẵn.

Anh Vi Văn Hải ở bản Thái Hoà thường xuyên duy trì đàn lợn trên 10 con, đàn gà trên 200 con cho biết, nhiều năm nay, dù mùa đông khắc nghiệt nhưng đàn vật nuôi của gia đình ít khi bị dịch bệnh, giá rét ảnh hưởng, nhờ chủ động nguồn thức ăn đầy đủ và giàu dinh dưỡng.

Xung quanh nhà của anh Hải trồng nhiều cỏ voi, chuối, sắn và ngô để ủ thức ăn cho vật nuôi. Thân cây chuối, cỏ voi được anh dùng máy xay nhỏ, rồi bỏ vào thùng bổ sung thêm cám gạo, hoặc tinh bột ngô xay ủ lên men để dành khi ngày mưa gió, giá rét, trâu bò không chăn thả ngoài trời. Còn đàn gà ngoài tiêm phòng dịch đầy đủ, anh dùng lúa, ngô và các phụ phẩm rau xanh để làm thức ăn gia cầm theo lứa tuổi. Các lứa gà đẻ thì được bổ sung thêm cám, các loại cá, ốc bắt được ở đồng ruộng.

Anh Vi văn Hải tiên phong thử nghiệm mô hình nuôi gà ri
Anh Vi Văn Hải sử dụng đệm lót sinh học từ vỏ lúa và quây kín chuồng trại để chống rét cho đàn gà con. Ảnh: HT

“Vật nuôi được ăn no, đủ chất nên sức đề kháng cũng tăng cao. Kết hợp với che chắn, không thả rông ngoài trời khi mưa rét sẽ giúp vật nuôi không bị chết, hạn chế nhiễm bệnh” – anh Vi Văn Hải cho hay.

Ở bản Mét, xã Lục Dạ, cũng nhờ áp dụng cách ủ chua các loại thức ăn xanh để dự trữ thức ăn cho trâu bò đã giúp nhiều hộ chăn nuôi quy mô khá lớn hạn chế được thiệt hại cho đàn vật nuôi trong thời gian mùa đông giá rét. Ví như hộ ông Vi Văn Sơn có gia trại chăn nuôi trên chục con bò 3B.

bna_6248.jpg
Hộ ông Vi Văn Sơn ủ chua cỏ voi khối lượng lớn làm thức ăn dự trữ cho đàn bò 3B. Ảnh: HT

“Với sức ăn của bò 3B nhiều hơn bò thường 2-3 lần, tôi phải trồng cỏ voi và ủ chua, dự trữ thêm rơm rạ mới có thể giúp đàn bò vượt qua được giá rét” – ông Sơn cho biết. Quan sát cho thấy, hộ ông Sơn ủ cỏ voi theo hai cách, đó là ủ trong bể ni-lông với dung tích lớn hàng chục mét khối và ủ trong các thùng nhựa.

Theo đó, khi mưa xuống, gió rét thì sẽ sử dụng thức ăn trong các thùng nhựa trước tiên, sau đó mới dùng đến lượng ủ trong bể ni-lông. Lượng cỏ voi được trồng theo cách cuốn chiếu và lần lượt ủ chua xoay vòng các bể, bình chứa để vật nuôi có thức ăn quanh năm.

bna_6256.jpg
Người dân dùng thùng nhựa để ủ thức ăn dự trữ cho trâu bò. Ảnh: HT

Tại bản Cành Khỉn, xã Yên Hoà, huyện Tương Dương, cách người dân chống rét cho gia súc, gia cầm ngoài chủ động nguồn thức ăn, thì chính quyền khuyến cáo bà con hạn chế chăn thả tự do. Các vùng gia trại của người dân thường ở các vùng núi cao, cách xa khu dân cư nên việc thả rông trâu bò trong thời tiết lạnh sẽ dễ dẫn đến chết rét, nhiễm dịch bệnh.

Ông Mộng Văn Viện – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoà cho biết, nhiều năm nay, xã triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo vừa để hạn chế chăn thả rông, vừa để tăng chất lượng gia súc, duy trì ổn định sản lượng thịt xuất chuồng với khoảng 250 tấn/năm. Xã Yên Hoà có tổng đàn trâu bò khoảng 3.500 con, trong đó đàn bò hơn 2.000 con. Để phục vụ nuôi bò vỗ béo, người dân Yên Hoà đã trồng 25 ha cỏ voi, kết hợp trồng thêm chuối, ngô và sắn theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường, chăn nuôi theo vùng và di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung.

bna_6264(1).jpg
Nhờ chủ động nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng nên đàn bò 3B của hộ ông Vi Văn Sơn phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Ảnh: HT

Chủ động phòng chống dịch

Ngoài tạo nguồn thức ăn xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao cho gia súc, gia cầm, người dân các địa phương vùng cao dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành cũng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang âm ỉ diễn biến phức tạp, đã có hàng nghìn con lợn ở các địa phương bị nhiễm bệnh và phải tiêu huỷ.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung phục vụ tết, nguồn thu nhập của hàng nghìn hộ nông dân. Bởi vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, kết hợp các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin, kiểm tra kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh trên vật nuôi.

bna_3486.jpg
Người dân bản Cành Khỉn, xã Yên Hoà, huyện Tương Dương nuôi nhốt trâu bò vỗ béo, xây dựng chuồng trại cách xa khu dân cư. Ảnh: HT

Tại huyện Tương Dương, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại trên nhiều xã với tổng số lợn phải tiêu huỷ hơn 1.500 con. Trong đó, cao điểm là các tháng 9-11/2024, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại một số xã vùng xa như Nga My, Yên Na, Yên Tĩnh, Nhôn Mai… Tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2024, nhiều xã đã công bố bãi dịch, chỉ còn rải rác một số bản vẫn cần cách ly.

Theo ông Kha Văn Thứ - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My: Cùng với những hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, xã sớm triển khai cho các hộ dân biện pháp cách ly, ngăn chặn nguồn lây, tiêu huỷ lợn bị dịch đúng quy định và tăng cường tiêm vắc xin, nên hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Nga My đã qua 21 ngày, được công bố hết dịch.

Theo tổng hợp của UBND tỉnh, hiện nay tổng số đàn trâu, bò cả của tỉnh ước đạt hơn 796 nghìn con, tăng 0,82% so với năm 2023. Trong đó, đàn trâu ước đạt trên 248 nghìn con, đàn bò ước đạt trên 544 nghìn con. Tổng đàn lợn ước đạt trên 1 triệu con, tăng 3,38%; đàn gia cầm ước đạt 36,5 triệu con, tăng 5,36%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 285 nghìn tấn, tăng 4,28% so với năm 2023.

bna_ban-vang-mon-nga-my7.png
Người dân bản Văng Môn, xã Nga My tăng cường thức ăn xanh cho trâu bò. Ảnh: HT

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, nhiều đợt không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá, có thể tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của đàn vật nuôi.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, triển khai Công văn số 5243/SNN-CNTY ngày 26/11/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành, địa phương đang tập trung các biện pháp phòng, chống đói, rét giảm thiểu thiệt hại cho đàn vật nuôi.

Trong đó hướng dẫn người dân chú trọng sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê...) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể vật nuôi; bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo... (khoảng 0.5-1 kg/con/ngày). Cung cấp đủ nước uống cho trâu bò hàng ngày khi nuôi nhốt trong chuồng những ngày rét đậm, rét hại; có thể bổ sung cho trâu bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100 kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng.

bna_6285.jpg
Người dân huyện Con Cuông dự trữ thức ăn cho trâu bò. Ảnh: HT

Đồng thời, thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch. Khi phát hiện bệnh trên vật nuôi, cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mới nhất

x
Nông dân vùng cao chế biến thức ăn chống giá rét, ngăn dịch bệnh cho trâu bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO