Nghệ An: Chính sách thiết thực tạo “cú hích” cho sản phẩm OCOP

Nhóm PV 14/12/2020 09:10

(Baonghean.vn) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được Chính phủ và các địa phương triển khai 2 năm qua. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Nhu cầu hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị

Là người bao tiêu sản phẩm lạc lớn nhất ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) và cũng là người sản xuất ra sản phẩm lạc OCOP trên địa bàn, đã đạt 3 sao năm 2020, ông Phạm Ngọc Thắng - Công ty XNK Nông lâm sản Sỹ Thắng cho biết: Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản phẩm lạc ngày càng phải đảm bảo chất lượng.

Năm nay, lần đầu tiên, doanh nghiệp chúng tôi đã xuất khẩu được hơn 1.200 tấn lạc nhân theo đường chính ngạch, mở ra hướng phát triển mới cho mặt hàng lạc Diễn Châu. Sau khi sản phẩm được công nhận 3 sao, chúng tôi được UBND tỉnh, huyện hỗ trợ 55 triệu đồng về nhãn mác, tem, bao bì và quảng bá thị trường.

Lạc qua sơ chế đúng tiêu chuẩn xuất khẩu được đóng gói theo quy cách. Ảnh: Cảnh Yên

“Chúng tôi đang phấn đấu năm 2021 đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Muốn đạt được mục tiêu đó thì cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, chúng tôi cần sự hỗ trợ về phía từ nhà nước về chính sách hơn nữa. Chúng tôi mong muốn xây dựng được những mô hình sản xuất sạch trên đồng ruộng, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc thiết bị như dây chuyền đóng gói, chế biến dầu hiện đại, máy bóc tách lạc để đáp ứng tiêu chí sản xuất an toàn thực phẩm và yêu cầu xuất khẩu”, ông Phạm Ngọc Thắng cho biết thêm.
Trao đổi về tính thiết thực của chính sách hỗ trợ các sản phẩm nông thôn tiêu biểu, ông Phan Văn Diện - Giám đốc Công ty CP dược liệu Pù Mát trăn trở: “Sản phẩm OCOP là sản phẩm do nông dân, HTX ở các làng quê sản xuất ra, đó là bộ phận có tiềm năng về nguyên liệu, đất… nhưng yếu về năng lực vốn, kinh nghiệm và nhất là thiếu về tính pháp lý khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Các sản phẩm khi đã đóng gói xuất bán phải đảm bảo các tiêu chí về nhãn mác, chất lượng, thương hiệu và các yêu cầu khác nên nông dân, HTX càng cần phải được hỗ trợ thời gian khởi nghiệp ban đầu, chưa kể việc đầu tư khoa học công nghệ cho sản phẩm rất tốn kém. Có một chính sách rất thiết thực nữa theo tôi là hỗ trợ các điểm giới thiệu bán hàng sản phẩm OCOP tại thành phố để người dân thành phố biết tới và sử dụng tiêu thụ sản phẩm OCOP. Một hỗ trợ quan trọng khác là công tác truyền thông cho sản phẩm”.

Các sản phẩm đạt sao là sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao như cà gai leo Pù Mát, tảo xoắn Quỳnh Lưu... Ảnh: Xuân Hoàng

Chính sách thiết thực

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng phê duyệt Quyết định số 490/QĐ-TTg về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, tại điểm c khoản 6 Điều 1 quy định: “Tùy điều kiện thực tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực (cho đội ngũ giám đốc, nhân viên kinh doanh, kế toán trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ hộ sản xuất có phương án kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Nghệ An hơn lúc nào hết cần một chính sách đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hỗ trợ chương trình OCOP là cần thiết.

Theo Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp ngày 13/12/2020 về chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025: Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh) tham gia thực hiện chương trình OCOP.

Sản xuất tôm nõn ở Diễn Châu. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Sản xuất tôm nõn ở Diễn Châu. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Nguyên tắc hỗ trợ là tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ; mua bao bì, nhãn mác hàng hóa đóng gói sản phẩm; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt từ 03 sao trở lên theo Nghị quyết này là hỗ trợ sau đầu tư: Các cơ sở sản xuất kinh doanh tự huy động nguồn vốn để thực hiện, ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định đảm bảo các điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Chính sách cũng chỉ hỗ trợ kinh phí một lần cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt 3 sao trở lên, được công nhận theo quy định; riêng nội dung hỗ trợ bao bì nhãn mác và tiền thưởng được hỗ trợ thêm đối với mỗi lần nâng hạng.
Mỗi sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên ngoài được hưởng các chính sách quy định tại Nghị quyết này còn được hưởng các chính sách khác của Nhà nước; trong trường hợp trong cùng một nội dung hỗ trợ có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hỗ trợ theo một chính sách và được phép lựa chọn mức hỗ trợ đầu tư có lợi nhất…

Chính sách thực sự là động lực để nông thôn Nghệ An sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của nông thôn Nghệ An trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Gian hàng trưng bày của 48 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Để giúp các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP là các hộ nông dân, các HTX mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì chính sách hỗ trợ là cần thiết. Qua đó làm đòn bẩy, khuyến khích, kích cầu để sản xuất phát triển nhằm để tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại và gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp vừa thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT Nghệ An cho biết

Mới nhất

x
Nghệ An: Chính sách thiết thực tạo “cú hích” cho sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO