Nghệ An: Cứu hạn bằng "máy bơm tre"
(Baonghean.vn) - Không cần phải vận hành, không tiêu tốn nhiên liệu, hàng trăm "máy bơm" bằng tre nứa đang ngày đêm cứu những cánh đồng lúa của bà con vùng cao Nghệ An khỏi hạn hán.
Xã Tiền Phong (Quế Phong) người dân tự làm hàng trăm guồng nước để chống hạn cho cây lúa. |
Theo dự báo, trong năm 2016 địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ xảy ra tình trạng hạn hán khó lường, nhất là khu vực miền núi. Tuy còn 1 - 2 tháng nữa mới bước vào cao điểm nắng nóng, nhưng một số địa phương đã xảy ra hạn hán. Chính quyền các địa phương đang tích cực vào cuộc, tìm mọi cách hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.
Tại xã Tiền Phong (Quế Phong), ông Nguyễn Đình Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong vụ xuân năm 2016 toàn xã có gieo cấy 259 ha lúa nước. Do hồ đập cạn nên có đến 170 ha bị thiếu nước. Trước tình hình đó, chính quyền đã vận động người dân tích cực nạo vét kênh mương nhưng vì nhiều hồ đập cạn nên khó khắc phục. Chính quyền huyện cũng đã huy động máy bơm, hỗ trợ tiền mua dầu để giúp người dân chống hạn.
Ngoài những chiếc máy bơm nước chạy bằng diezen thì biện pháp truyền thống của nhiều cụm dân cư miền núi là dùng guồng đưa nước về đồng ruộng. Toàn xã Tiền Phong có 103 guồng nước do người dân tự làm, tự đầu tư. Những chiếc “máy bơm nước tre nứa” này đã thành văn hóa nông nghiệp của người vùng cao, đang phát huy hiệu quả tích cực.
Trên vùng đất cao cưỡng, việc tận dụng các guồng nước tỏ ra khá hiệu quả trong tưới cho diện tích lúa Xuân. |
Tại bản Đan, nơi xảy ra hạn hán nặng nhất xã Tiền Phong trong vụ Xuân vừa qua, bà con đã lắp đặt guồng nước khắc phục, hiện chỉ còn một số diện tích bị thiếu nước cục bộ. Ông Lương Văn Chung, người dân ở bản Đan cho biết: Mỗi chiếc guồng thường do 3 - 4 nhà có ruộng liền kề chung nhau.
Nếu 4 người làm mất khoảng 2 tuần mới xong được một chiếc guồng. Sau một năm sử dụng, hoặc khi gặp mưa lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại, bà con lại phải làm lại từ đầu nên rất tốn công sức.
Ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) có 288 chiếc guồng nước hoạt động ngày đêm nên cánh đồng lúa nơi đây luôn đảm bảo nước tưới. Ông Sầm Văn Kính, Bí thư Đảng uỷ xã Châu Tiến cho biết: Nhờ người dân chủ động sắm máy bơm nước, đặc biệt là những chiếc guồng nước đã giúp cho việc phòng hạn rất thuận lợi. Hiện toàn xã gần như không có diện tích lúa nước bị thiếu nước tưới.
Theo dự báo, trên địa bàn miền Tây Nghê An, hạn hán năm nay đến sớm, lượng mưa ít nên ảnh hưởng rất lớn đến mùa màng. Để chủ động đối phó với tính chất phức tạp của khí hậu, thời tiết nhiều địa phương cũng tập trung giải pháp chuyển đổi cây trồng.
Năm 2015 người trồng mía ở huyện Con Cuông phải chịu một mùa mía "đắng" do nắng hạn. |
Hiện tại một số địa phương như Con Cuông, Quỳ Châu đang có phương án liên kết với Nhà máy sữa TH bao tiêu cây ngô cho bà con. Trên cơ sở đó chuyển đổi khoảng đất lúa khô hạn sang trồng ngô ngắn ngày. Còn tại huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Biện pháp trước mắt là hạn chế tưới để tiết kiệm nước, đồng thời điều chỉnh thời vụ để phù hợp với tình hình thời tiết.
Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN