Pháp luật

Nghệ An đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Đặng Cường 05/11/2024 09:00

Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các cấp, các ngành triển khai với nhiều cách làm đa dạng, phù hợp với thực tiễn.

Những cách làm hiệu quả, thiết thực

Quế Phong là huyện miền núi cao còn nhiều khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số; nhận thức và chấp hành chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế.

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), ngoài các hình thức tuyên truyền khác, từ đầu năm đến nay, phòng tư pháp huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức 6 phiên tòa lưu động, 2 phiên tòa giả định.

6. ảnh pv
Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Duy Hưng và Lương Ngọc Văn. Ảnh: CSCC

Đơn cử, đã đưa 4 vụ án về “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tổ chức xét xử lưu động tại UBND xã Mường Nọc - một trong những xã trọng điểm, phức tạp về ma túy. Gần đây nhất, phiên tòa xét xử 2 vụ án với 2 đối tượng là Lê Duy Hưng (SN 1989, trú tại phường Hải Thanh, TX. Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và Lương Ngọc Văn (SN 1989, trú tại bản Thanh Phong 2, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) thu hút khá đông người dân.

Ông Quang Văn Thủy ở bản Cỏ Nong, xã Mường Nọc bày tỏ: Dù bận việc nhà, nhưng nghe thông báo có xét xử lưu động, tôi cũng như các thành viên trong gia đình đều đến xem. Tôi thấy việc đưa ra xét xử lưu động thật sự cần thiết. Bởi qua phiên tòa, bản án được tuyên đối với từng bị cáo vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính chất răn đe, giáo dục, cảnh báo người dân, nhất là với thanh, thiếu niên.

Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Ngược lại, những phiên tòa lưu động thì rất đông.

Phiên tòa lưu động là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan nhất, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Mức án mà bị cáo phải nhận để trả giá cho sai lầm của mình cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai dám coi thường luật pháp, góp phần răn đe, ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm…

Bà Lang Thị Hằng – Trưởng phòng Tư pháp huyện Quế Phong

Thị xã Hoàng Mai cũng là địa phương được đánh giá làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ông Nguyễn Anh Văn - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đã tổ chức được 141 cuộc hội nghị tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp cho hơn 66.900 lượt người tham dự; tổ chức 1 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu văn bản pháp luật thu hút hơn 10.000 lượt người; triển khai 2 phiên tòa “xét xử lưu động”; 1 “phiên tòa giả định”...

0. ảnh pv
Thị đoàn Hoàng Mai phối hợp với Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã tổ chức Hội thi Rung chuông vàng tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng, chống bạo lực học đường cho đoàn viên, học sinh năm 2024 tại xã Quỳnh Liên. Ảnh: CSCC

Đặc biệt, thị xã đã chỉ đạo xây dựng và ra mắt mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống” tại 100% trường học trên địa bàn. Tăng cường các hoạt động giáo dục pháp luật, ngoài giờ lên lớp, là các đợt sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức 11 cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu kiến thức pháp luật về an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, hôn nhân và gia đình, mại dâm, ma túy; quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm bị cấm, phòng, chống đuối nước... cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

1. ảnh pv
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn. Ảnh: P.V

Hay như tại các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng biên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong 10 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức gần 700 cuộc tuyên truyền dưới nhiều hình thức thu hút 80.000 lượt người tham gia.

Đơn cử, Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) đã hỗ trợ địa phương thành lập và duy trì hiệu quả các mô hình Câu lạc bộ "Phòng, chống bạo lực gia đình"; “Phụ nữ với pháp luật”…

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú - Chính trị viên Đồn Biên phòng Keng Đu: Riêng Câu lạc bộ "Phòng chống bạo lực gia đình" đến nay được triển khai trong toàn xã, gồm có 10 bản. Trên cơ sở biên soạn tài liệu định hướng tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa mới, về bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn… Cán bộ biên phòng đã hướng dẫn Chủ nhiệm câu lạc bộ của các bản tuyên truyền cho các hội viên thông qua hình thức nói chuyện chuyên đề, xem phóng sự, hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ.

Chị Cụt Thị Hà - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Phòng chống bạo lực gia đình" bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu cho biết: Câu lạc bộ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã thực sự trở thành “điểm tựa” cho chị em. Theo đó, nhiều mâu thuẫn tại các gia đình đã được câu lạc bộ tư vấn , hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ. Song song với việc vận dụng triệt để mạng xã hội để làm công cụ truyền thông, câu lạc bộ thường xuyên rà soát số hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ ngày công phát triển kinh tế… Chính với cách làm đó, đến nay, bản Huồi Phuôn 1 không xảy ra tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, cũng như giảm hẳn các tệ nạn xã hội khác.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm của từng sở, ban, ngành, đoàn thể; nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 11.198 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 1.265.350 lượt người tham gia (tăng 1.018 cuộc so với cùng kỳ năm 2023); tổ chức 284 cuộc thi với 3.218.578 lượt người dự thi (giảm 197 cuộc so với cùng kỳ năm 2023).

Nhiều đơn vị, địa phương đã chú trọng triển khai hình thức PBGDPL hiệu quả, sáng tạo, đáp ứng với nhu cầu thiết thực của người dân như: Tổ chức cuộc thi sân khấu hóa “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc” (Sở Văn hóa và Thể thao); Tổ chức hội thi sân khấu hóa “Ban giám sát đầu tư cộng đồng giỏi năm 2024” (Quỳnh Lưu); cuộc thi xây dựng video tuyên truyền về Luật Trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; huyện Nam Đàn); tổ chức các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Căn cước” (Công an tỉnh); cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các văn bản pháp luật mới” (Sở Tư pháp, TX. Hoàng Mai)…

2 (2)
Đại diện nhà trường, hội phụ huynh, học sinh tham gia ký kết việc chấp hành Luật Giao thông tại Lễ phát động an toàn giao thông cho học sinh đến trường do Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, diễn ra vào sáng 16/9, tại Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Đ.C

Điểm nổi bật trong năm 2024 là thể hiện rõ nét việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến để tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được ban hành trong năm 2023, 2024. Tiêu biểu là cuộc thi “Tìm hiểu văn bản pháp luật mới”. Sau 4 tuần diễn ra cuộc thi, toàn tỉnh đã có 2.483.059 lượt thi, trong đó, có 546.994 lượt thi đạt điểm tối đa (15/15 điểm), chiếm tỷ lệ 22,03%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác PBGDPL hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ngoài công tác phối hợp chưa được đồng bộ, kinh phí để bố trí cho công tác PBGDPL còn hạn hẹp thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL tuy đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật đa dạng và ngày càng cao của người dân.

5. ảnh pv
Lễ ra mắt Câu lạc bộ "Tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông" tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc. Ảnh: CSCC

Ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật mới ban hành hoặc có hiệu lực năm 2024 và 2025; các quy định pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn, tình hình thực tế. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở… trong PBGDPL.

Là cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật, trước mắt, Sở Tư pháp sẽ hướng dẫn các cấp, ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc thù đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL nói chung, cũng như trong quá trình tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật nói riêng... với mục tiêu đưa tinh thần của Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng lan tỏa, khẳng định vị trí thượng tôn của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý Nhà nước cũng như đời sống xã hội.

Mới nhất
x
Nghệ An đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO