Nghệ An dành hơn 4,8 tỷ đồng hỗ trợ người trông coi di tích

Minh Quân 16/12/2023 10:52

(Baonghean.vn) - Đầu tháng 12/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định về việc giải quyết kinh phí hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Kim Phượng – Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh về nội dung trên.

PV: Nghệ An có hệ thống di sản rất phong phú, đa dạng, gắn liền với những danh lam thắng cảnh, di tích tâm linh nổi tiếng. Đa số các di tích đều có người trông coi, bảo vệ. Bà có thể cho biết vai trò của lực lượng này đối với việc gìn giữ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Bảo vệ, phát huy giá trị của di tích là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và của cả cộng đồng, trong đó vai trò của những người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích là rất quan trọng. Đó là những người hằng ngày làm các công việc như bảo vệ, quét dọn, lau chùi đồ tế khí, thắp hương vào các ngày tuần, ngày lễ,... góp phần giữ sự tôn nghiêm của di tích.

bna_Bà Trần Thị Kim Phượng - Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Nghệ An (2).jpg
Bà Trần Thị Kim Phượng – Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Ngoài ra, do hằng ngày gắn bó với di tích nên những người trông coi di tích nắm bắt được tình trạng xuống cấp của di tích để báo cáo với chính quyền và các ngành chức năng để có phương án xử lý kịp thời.

Nghệ An hiện có 2.602 di tích, trong đó, có 485 di tích đã được xếp hạng, gồm: 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 145 di tích cấp quốc gia, 334 di tích cấp tỉnh

Thực tế cho thấy, tại những di tích có người trông coi, dọn dẹp chu đáo thì tình trạng mất cắp hiện vật, xâm hại di tích được hạn chế, cảnh quan di tích sạch đẹp, một số di tích thiếu sự trông coi, bảo vệ thì có tình trạng nhếch nhác, xuống cấp.

Bên cạnh đó, ở nhiều di tích, những người trông coi, bảo vệ còn rất am hiểu về lịch sử, văn hóa, về những phong tục, lễ hội gắn với di tích, sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho khách tham quan.

PV: Tại Kỳ họp thứ 11 diễn ra vào cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2027, trong đó có nội dung hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng. Vậy, trước khi có Nghị quyết này của HĐND tỉnh, việc hỗ trợ cho những người trông coi di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưabà?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Trước khi có Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND, từ năm 2016, những người trông coi di tích được hỗ trợ chi trả theo Quyết định 5542/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh và phân cấp trả phụ cấp bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh. Theo đó, định mức ngân sách tỉnh hỗ trợ chi trả phụ cấp bảo vệ di tích là 200.000 đồng/tháng đối với di tích cấp quốc gia, 150.000 đồng/tháng đối với di tích cấp tỉnh. Mức chi trả này được coi là quá ít ỏi so với công sức, trách nhiệm người trông coi di tích.

Ngoài mức chi trả theo Quyết định 5542/QĐ-UBND, việc hỗ trợ cho lực lượng trông coi di tích do các xã, phường, thị trấn tự cân đối và tùy vào khả năng tài chính mà mỗi nơi áp dụng khác nhau, nhưng thường lấy từ nguồn công đức hoặc ngân sách địa phương. Do đó, ngoài các di tích có nguồn thu, còn lại di tích nào nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương thì chế độ cho lực lượng trông coi, bảo vệ mới cao hơn chút nhưng số di tích như vậy cũng rất ít.

bna_Đình Hoành Sơn.jpg
Đình Hoành Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ảnh: Minh Quân

Qua tìm hiểu thực tế ở một số di tích trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy dù mức hỗ trợ rất ít ỏi, nhưng những người trông coi di tích đã rất trách nhiệm, tâm huyết trong nhiệm vụ của mình. Như ở đình Hoành Sơn – Di tích Quốc gia đặc biệt ở trên địa bàn xã Khánh Sơn (Nam Đàn), có 2 cụ ông dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn thường xuyên túc trực tại di tích, quét dọn, đèn hương, dành thời gian trò chuyện, giới thiệu với khách tham quan về giá trị công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh của ngôi đình.

Tại đền Làng Rậm ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), tổ trông coi gồm 5 người đều đã trên 70 tuổi. Các cụ rất đoàn kết làm công việc chung là trông coi, quét dọn, chăm sóc các loại cây trong khuôn viên đền, hướng dẫn người dân đến thắp hương, đồng thời thường xuyên kiến nghị với chính quyền địa phương về những hư hỏng, xuống cấp của ngôi đền...

Tuy vậy, thực tế ở nhiều di tích cũng cho thấy, do kinh phí hỗ trợ cho những người trông coi di tích thấp nên rất khó có thể đòi hỏi những điều kiện cơ bản từ người trông coi di tích như: Có sức khỏe tốt, hiểu biết về di tích cũng như kiến thức bảo quản hiện vật…; đồng thời cũng khó có thể ràng buộc trách nhiệm nếu nếu xảy ra hư hỏng, mất mát ở di tích.

PV: Bà có thể cho biết cụ thể các quy định của Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND về nội dung hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND, đối tượng áp dụng là các di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng (cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt); không bao gồm các di tích: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Về nội dung hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng, Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho người trực tiếp trông coi tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban/tổ quản lý di tích hoặc thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý các di tích có văn bản phân công nhiệm vụ: Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt 1.000.000 đồng/người/tháng (mỗi di tích tối đa không quá 3 người). Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia 700.000 đồng/di tích/tháng. Đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh 500.000 đồng/di tích/tháng. Đối với các cụm di tích (có từ 2 đơn vị di tích trở lên) thì mỗi đơn vị di tích được hưởng chế độ như các di tích nêu trên.

So với nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước, Nghệ An là một trong những địa phương sớm ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Bà Trần Thị Kim Phượng - Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An

PV: Được biết, tại các cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh gần đây, một số địa phương phản ánh việc thẩm định, phê duyệt nguồn hỗ trợ các đối tượng trông coi tại các di tích theo Nghị quyết số 28 thực hiện chậm. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Sau khi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn quy định về thủ tục, quy trình chi trả cho người trông coi di tích theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhằm đảm bảo nghị quyết được triển khai đến tận cơ sở một cách hiệu quả, chính xác, đảm bảo sự công bằng ở các địa phương.

bna_Một thành viên trong tổ trông coi ở Đền Rậm, xã Châu Nhân dọn dẹp đồ thờ ở di tích.jpg
Một thành viên trong tổ trông coi đền Rậm ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) dọn dẹp đồ thờ ở di tích. Ảnh: Minh Quân

Mức hỗ trợ cho người trông coi di tích được quy định Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND có sự cải thiện rất lớn so với Quyết định 5542/QĐ-UBND, dẫn đến mức chi ngân sách của tỉnh cho hoạt động này cũng tăng mạnh. Điều này đòi hỏi việc rà soát đối tượng để chi trả phải được tiến hành thận trọng, nghiêm túc. Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, Ban quản lý di tích tỉnh đã yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, kiện toàn các tổ trông coi, bảo vệ ở các di tích, từ đó có tờ trình về việc đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ cho người trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn.

Qua rà soát, tổng hợp của các địa phương, toàn tỉnh có 596 người trông coi các di tích đã được xếp hạng thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND, trong đó có 6 người ở các di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 197 ở các di tích cấp Quốc gia và 393 người ở các di tích cấp tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã có tờ trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên.

Ngày 1/12 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 3961/QĐ-UBND về việc giải quyết kinh phí hỗ trợ đối với người trông coi di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023, theo đó trích ngân sách tỉnh năm 2023 số tiền 4 tỷ 876,5 triệu đồng cấp bổ sung cho ngân sách các huyện, thành phố, thị xã để thực hiện chính sách hỗ trợ trông coi tại các di tích đã được xếp hạng theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

PV: Theo bà, thời gian tới, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 28/2022/NQ-HĐND, chúng ta cần làm gì để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh?

Bà Trần Thị Kim Phượng: Thời gian tới hy vọng Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã sẽ đẩy nhanh tiến độ chi trả cho các những người trông coi di tích, góp phần động viên kịp thời những người hiện nay đang làm công tác bảo vệ, giữ gìn giá trị di sản quý báu của cha ông.

Đồng thời, hy vọng việc nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ tác động rõ nét tới tinh thần, trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ di tích, từ đó cũng góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, danh thắng ngày một tốt hơn.

bna_Ông Lê Hồng Thái - người trông coi di tích Đình Trung giới thiệu tư liệu về di tích.jpg
Ông Lê Hồng Thái - Người trông coi di tích đình Trung ở phường Hưng Dũng (thành phố Vinh) giới thiệu tư liệu về di tích. Ảnh: Minh Quân

Bên cạnh chế độ hỗ trợ, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao và các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp tập huấn, trang bị kiến thức bảo vệ, giữ gìn di sản cho lực lượng trông coi di tích cũng như thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Mới nhất
x
Nghệ An dành hơn 4,8 tỷ đồng hỗ trợ người trông coi di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO