Nghệ An: Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng trong năm 2023

Thu Huyền 31/12/2022 06:55

(Baonghean.vn) - Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,27% so với năm trước; và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới khi đầu năm 2023, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.

Cục thống kê tỉnh Nghệ An cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2022 giảm 0,30% so với tháng trước, CPI bình quân quý IV năm 2022 tăng 3,13% so với bình quân quý IV năm 2021, tăng 3,34%, so với tháng 12 năm trước.

Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 9 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước đó là: giáo dục tăng 10,82%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,39%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,02%; may mặc, mũ, nón và giày, dép tăng 4,11%; nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng 2,99%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,35%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,89%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%.

Hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Theo Cục Thống kê, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 12 do học phí trong các cơ sở giáo dục công lập tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CPvà các loại sách giáo khoa và văn phòng phẩm phục vụ cho nhu cầu năm học mới 2022-2023 tăng (tại Nghệ An, thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND tỉnh Nghệ An ngày 14/7/2022 quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023), làm cho chỉ số nhóm giáo dục tăng; Nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng, đặc biệt là trong các ngày lễ, tết. Giá quần áo may mặc sẵn và giày, dép tăng do thời tiết chuyển lạnh. Giá các loại đồ uống và các đồ dùng gia đình tăng do ảnh hưởng của giá các nguyên liệu đầu vào.

Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng cả Nghệ An tăng 2,27%; trong đó, có 10 nhóm hàng hoá tăng, 1 nhóm giảm. Đồ hoạ: Hữu Quân

Bên cạnh đó, có 2 nhóm hàng giảm: giao thông giảm 1,84%; bưu chính viễn thông giảm 0,31%.

Bình quân năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 10 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với năm trước đó là: giao thông tăng 7,46%; nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng 4,99%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,23%; giáo dục tăng 2,39%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,91%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,95%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Có 01 nhóm hàng hóa giảm là: bưu chính viễn thông giảm 0,63%.

Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 0,56%, so với tháng 12/2021 tăng 1,24%, bình quân cùng kỳ tăng 1,52%.

Chỉ số Đô la Mỹ giảm 2,32% so với tháng trước, so với tháng 12/2022 giảm 0,57%, bình quân cùng kỳ tăng 2,84%.

Hàng hoá tết phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Theo đánh giá, thời gian qua, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP (giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ 01/02/2022) là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng chi tiêu, kìm được giá hàng hóa, vừa giúp doanh nghiệp sản xuất bán được hàng, kích cầu tiêu dùng.

Đại diện Cục Thống kê Nghệ An cho biết, nhờ Nghị định này, năm vừa qua, nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được hỗ trợ. Mức giảm thuế này đã tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả hàng hóa, giúp kìm được giá thành và kéo theo giá bán hàng hóa không tăng sốc. Tuy nhiên, tới đây doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc giá nguyên, vật liệu tăng lên.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2023 là thời điểm Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Vì thế, chỉ số giá tiêu dùng được dự báo sẽ tăng nếu không có các giải pháp, chính sách điều hành phù hợp, kịp thời.

Được biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị tiếp tục gia hạn việc giảm thuế VAT đến hết năm 2023 để tiếp tục giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Mới nhất

x
Nghệ An: Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO