Nghệ An duy trì 'mạch chảy' tín dụng chính sách sau sắp xếp địa giới hành chính
Sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã triển khai nghiêm túc hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách luôn thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Kiên định bám cơ sở, tận tâm phục vụ
Huyện Quỳ Hợp (cũ) có 20 xã và 1 thị trấn, nay sáp nhập còn 7 xã: Quỳ Hợp, Mường Ham, Mường Chọng, Châu Hồng, Châu Lộc, Minh Hợp, Tam Hợp. Sau sáp nhập, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Phòng Giao dịch Quỳ Hợp vẫn duy trì 21 điểm giao dịch cố định vào các ngày giao dịch như trước đây để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn, thông suốt.
Ngay từ những ngày đầu, lãnh đạo phòng giao dịch đã trực tiếp làm việc với các Chủ tịch UBND cấp xã và gửi văn bản đề nghị UBND xã bố trí các điểm giao dịch thuận lợi cho khách hàng và tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã đến giao dịch.

Ông Cao Thế Hồng - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, xã Châu Hồng được hợp nhất trên cơ sở 3 xã thuộc huyện Quỳ Hợp (cũ). Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của xã là 128 tỷ đồng, với 1.633 hộ vay. Để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi tạo điều kiện, bố trí địa điểm cho phòng giao dịch đặt lịch giao dịch cố định tại trụ sở các xã Châu Thành, Châu Tiến (cũ) và xã Châu Hồng (mới). Tại điểm giao dịch, chúng tôi bố trí không gian để làm việc và niêm yết các biển hiệu công khai tuyên truyền về tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, UBND xã cũng phối hợp chặt chẽ với Công an xã thực hiện phương án bảo vệ tại điểm giao dịch nhằm đảm bảo an toàn về con người, tài sản.
Hiện nay, mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn tiếp tục được duy trì ổn định 331 tổ đang hoạt động có hiệu quả; không có sự xáo trộn ban quản lý tổ sau khi sáp nhập. Các tổ trưởng thông thạo công việc nên rất thuận lợi trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội sau sát nhập, giữ dòng vốn không gián đoạn.
Thời gian đầu tháng 7/2025, các tổ chức hội, đoàn thể chưa có con dấu để ký hợp đồng ủy thác mới với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Quỳ Hợp. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của mình, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã bắt tay vào công việc, phân công giám sát đầy đủ tại các phiên giao dịch xã, thường xuyên trao đổi thông tin, đồng thời, tiếp nhận hồ sơ bàn giao từ hội cấp xã, chỉ đạo các tổ tổ chức bình xét đối tượng, từng bước hoàn thiện hồ sơ cho vay...

Tại Phòng Giao dịch Nam Đàn, một số điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã mới, lãnh đạo phòng giao dịch đã trực tiếp tham gia buổi họp giao ban với cấp xã, hội đoàn thể và các tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, lắng nghe chia sẻ khó khăn vướng mắc và đặc biệt là tăng cường phối hợp trong triển khai các hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó là phối hợp với các xã mới, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn, thủ tục ủy quyền, đảm bảo không phát sinh vướng mắc về thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Sỹ Hải - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Đàn cho biết, sau sáp nhập, chúng tôi kiên định bám cơ sở, tận tâm phục vụ, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện trong việc bố trí các điểm giao dịch tại các địa điểm thuận tiện, an toàn. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách không bị gián đoạn, người dân đến giao dịch thuận lợi, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian.

Phòng giao dịch tiếp tục duy trì 17/17 điểm giao dịch tại các xã cũ như trước đây, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 610 tỷ đồng, với hơn 12.000 khách hàng còn dư nợ. Mọi hoạt động giao dịch diễn ra bình thường, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực mà chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã có gắng để duy trì, đảm bảo cho dòng chảy tín dụng chính sách xã hội được đảm bảo thông suốt, liên tục, thực tế hoạt động bước đầu còn gặp một số khó khăn, đó là: Phần lớn cán bộ lãnh đạo các hội, đoàn thể cấp xã đều mới, chưa quen việc trong phối hợp nhận ủy thác nên có những lúng túng nhất định. Thời điểm ngay sau sáp nhập, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp xã đang tập trung cho ổn định nơi làm việc, ổn định tổ chức, do đó, các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa thực sự kịp thời như trước...
Đảm bảo tín dụng chính sách hiệu quả, thông suốt
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng CSXH Nghệ An đã chủ động bám sát cơ sở, tổ chức các phiên giao dịch ở xã một cách kịp thời. Chi nhánh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Tổng giám đốc, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương…, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau sáp nhập thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Toàn chi nhánh đã tích cực tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với các phòng giao dịch. Tích cực tham mưu các cấp trích chuyển ngân sách ủy thác, đến ngày 10/7/2025 mức ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh tăng thêm 223 tỷ đồng, đạt 223% kế hoạch được giao năm 2025, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 1678 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, sau khi sắp xếp, Nghệ An có 130 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 282 đơn vị cấp xã so với trước sắp xếp), gồm 119 xã và 11 phường.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng CSXH về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy, chi nhánh vẫn duy trì mạng lưới hoạt động 19 phòng giao dịch và hội sở tỉnh, 412 điểm như trước đây. Để đảm bảo mọi hoạt động giao dịch được ổn định, thông suốt trong giai đoạn đầu chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp từ sớm, nhất là công tác giao dịch tại xã và đảm bảo đảm bảo an toàn giao dịch, từ đó, phục vụ tốt nhất cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Cùng với đó, chi nhánh đã thành lập các tổ công tác phụ trách chỉ đạo các đơn vị, trực tiếp khảo sát, kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH. Bên cạnh việc duy trì các hoạt động, ưu tiên hoạt động cho vay, tiếp tục đà tăng trưởng dư nợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp bình xét và hoàn thiện hồ sơ từ tháng 6 để giải ngân cho vay trong tháng 7. Do đó, trong nửa đầu tháng 7, doanh số cho vay toàn chi nhánh đạt 170 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.

Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động giao dịch tại xã theo hướng giữ nguyên 412 điểm giao dịch như trước thời điểm sáp nhập, đảm bảo an toàn, chất lượng; lãnh đạo chi nhánh tích cực kiểm tra, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các phòng giao dịch; chủ động phối hợp cùng hội, đoàn thể các cấp triển khai chỉ đạo các tổ TK&VV bình xét đối tượng, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân cho vay kịp thời, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh