Nghệ An: Giao đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp... dân xót

03/11/2016 16:54

(Baonghean) - Người dân huyện Quế Phong phản ánh tranh chấp đất lâm nghiệp giữa một số hộ dân xã Quang Phong với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; còn tại Con Cuông, là việc giao đất rừng đầu nguồn cho Công ty CP Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt.

Dân phản ứng

Khu vực xảy ra chuyện tranh chấp đất rừng ở xã Quang Phong (Quế Phong), thuộc khu vực núi Khe Ton, nằm cận kề tuyến đường Quang Phong đi huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ mới được hoàn thành. Trước đây, khu vực đồi núi Khe Ton thuộc quản lý của Lâm trường Quế Phong.

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua đã có rất nhiều hộ dân từ các bản Páo 1, Páo 2… của xã Quang Phong vào khai hoang làm kinh tế nương rẫy, chăn nuôi. Ông Sầm Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã, trao đổi có tất cả 38 hộ. “Đất thì của lâm trường nhưng người dân vào làm kinh tế thì từ lâu rồi. Như hộ ông Sầm Văn Xuyên ở bản Páo 1, ông Sầm Văn Thương ở bản Páo 2, ông Sầm Văn Dũng ở bản Páo 1, ông Lô Văn Đự ở bản Páo 2…”.

Theo anh Lương Văn Phước - cán bộ địa chính xã Quang Phong, khoảng năm 2009, Lâm trường Quế Phong giao trả khu vực núi Khe Ton về cho tỉnh; tỉnh giao lại cho huyện, huyện giao về cho xã quản lý.

Vùng đất lâm nghiệp ở xã Quang Phong (Quế Phong) nơi đang xảy ra tình trạng tranh chấp giữa người dân và Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.
Vùng đất lâm nghiệp ở xã Quang Phong (Quế Phong) nơi đang xảy ra tình trạng tranh chấp giữa người dân và Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.

Đến đầu năm 2013 thì giao cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thực hiện dự án trồng rừng. Vậy nhưng mãi đến năm 2015 mới thấy người của công ty này đến kêu với xã là có dân vào tranh chấp đất rừng…

Lán trại của ông Sầm Văn Thương nằm sát cạnh núi Khe Ton, chỉ cách đường nhựa hơn 500 m. Ở đây, đất đai màu mỡ, ông Thương chăn thả trâu, bò và nuôi gà, lợn; làm nương rẫy và trồng xoan để làm kinh tế hộ.

Ông Thương bảo, ở bản Páo 2 chỉ có nhà chứ không có vườn; thế nên vợ chồng ông đã vào khu vực núi Khe Ton (cách bản khoảng 5km) để làm ăn được khoảng 20 năm. “Chúng tôi không biết gì về Công ty Thanh Thành Đạt.

Cuối năm 2015, thấy có người vào đây rồi nói là đất của công ty, ngăn không cho chúng tôi trồng cây, làm nương rẫy...’ ông Thương kể. Còn vợ ông Thương, bà Quang Thị Nhâm bức xúc: “Năm 2015 có người vào bảo đất của họ. Năm nay nó lại vào bảo dân không được trồng cây… Không làm gì cả thì dân lấy gì để sống. Ta vẫn phải làm thôi…”.

Theo ông Lang Minh Dung - Chủ tịch MTTQ xã Quang Phong, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ huyện, ông đã báo cáo tình hình thực tế khu vực Nhà nước cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt là thuộc các tiểu khu 133, 138 và 139, là vùng dân chăn thả gia súc. Vì vậy, nhân dân đề nghị Ủy ban MTTQ huyện làm việc với các cơ quan có liên quan của huyện, của tỉnh để trả lời nếu để doanh nghiệp trồng rừng, người dân sẽ được hưởng lợi gì?

Còn theo ông Vi Thái Điệp - Chủ tịch UBND xã Quang Phong, mới đây, khi đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, nhân dân lại phản ánh sự việc Nhà nước giao đất cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt nhưng họ bỏ hoang, không trồng rừng trong khi dân thì không có đất sản xuất. Ông Điệp nói: “Nhân dân đề nghị đại biểu Quốc hội phản ánh lên tỉnh, thu hồi đất đã cấp cho dự án của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt để trả lại cho dân canh tác sản xuất…”.

Tại Ủy ban MTTQ huyện Quế Phong, khi được thông tin về những sự việc tranh chấp đất đai ở xã Quang Phong, vị đại diện tổ chức này cho hay không chỉ ở xã Quang Phong mà cả xã Nậm Nhoóng cũng xảy ra tình trạng này. “Chúng tôi đã nhận được báo cáo của hai xã gửi lên. Khoảng năm 2013, tỉnh giao đất lâm nghiệp tại 2 xã Quang Phong, Nậm Nhoóng cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu.

Ở Quang Phong có trên 500 ha, bên Nậm Nhoóng có trên 600 ha. Thế nhưng đã gần 3 năm, công ty này không làm gì. Trong khi người dân bây giờ hiểu được lợi ích của việc trồng rừng, rất mong muốn được trồng rừng nhưng lại không có đất. Vì vậy, nơi nào cũng mong tỉnh thu hồi dự án để giao lại đất cho dân...”.

Cơ sở băn khoăn

Sự việc giao đất rừng đầu nguồn cho Công ty CP Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt được một cán bộ huyện Con Cuông thông tin. Người này khẳng định: “Với những vị trí thể hiện trên hồ sơ, đều là đất rừng đầu nguồn, trước đây là rừng phòng hộ. Nếu giao cho họ để trồng rừng nguyên liệu thì rất bất cập. Phóng viên cứ về các xã Thạch Ngàn, Mậu Đức, Đôn Phục xác minh là rõ...”.

Ông Sầm Văn Thương: “Chúng tôi đã khai hoang làm kinh tế ở đây khoảng 20 năm. Giờ công ty ngăn không cho chúng tôi trồng cây,làm nương rẫy…”.
Ông Sầm Văn Thương: “Chúng tôi đã khai hoang làm kinh tế ở đây khoảng 20 năm. Giờ công ty ngăn không cho chúng tôi trồng cây,làm nương rẫy…”.

Đến xã Thạch Ngàn, thông tin giao đất có rừng cho doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu là chính xác. Phó Chủ tịch UBND xã, anh Lô Thanh Hiếu dẫn chúng tôi đi đến tiểu khu 751, thuộc khu vực Piêng Cóc, nơi đã cắm mốc giao đất cho Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt.

Tại đây, theo anh Hiếu thì những khu vực núi cao, nơi dày đặc cây rừng, tre nứa và thảm thực vật, trước đây đều là rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Con Cuông quản lý. Khoảng năm 2012, xã thấy có cán bộ của Đoàn điều tra Quy hoạch lâm nghiệp đến kiểm tra nhưng không hiểu làm gì. Mới đây thì nghe nói là đã giao cho doanh nghiệp quản lý, trồng rừng nguyên liệu.

Anh Hiếu trao đổi: “Nghe vậy thì xã rất băn khoăn. Những khu vực này, là rừng đầu nguồn, vừa điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và giữ nguồn nước. Ở xã Thạch Ngàn, phong trào trồng rừng nguyên liệu phát triển mạnh nhưng những nơi đất lâm nghiệp có rừng xã đều không cho thực hiện chuyển đổi. Nay để doanh nghiệp vào, nếu người dân làm theo sẽ xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng, rất đáng lo…”.

Tương tự Thạch Ngàn, ở các xã Mậu Đức, Đôn Phục…, những người có trách nhiệm đều bày tỏ sự băn khoăn. Vì như họ nói, đều là đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Nếu giao cho doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu, tức là họ sẽ triệt hạ rừng để… trồng mới lại rừng. Mất rừng, sẽ mất nguồn nước, dân làm sao sản xuất.

Ông Lô Văn Thật - Chủ tịch xã Mậu Đức cho biết, toàn xã chỉ có hơn 300 ha đất nông nghiệp, và đều phụ thuộc vào nguồn nước duy nhất khe Bỏi. Đầu nguồn khe Bỏi, là khoảng 200 ha rừng thì Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp. “Nếu mất rừng, mất nước, dân không thể sản xuất được…” Ông Lô Văn Thật lo lắng.

Còn theo anh Vi Văn Đức - Phó Chủ tịch xã Đôn Phục bày tỏ sự bức xúc vấn nạn cháy rừng luôn là nỗi lo canh cánh của chính quyền cấp xã, cấp huyện. Vùng rừng đầu nguồn trên địa bàn xã mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp phải đi bộ mất cả ngày trời. Vậy nhưng từ khi giao đến nay, doanh nghiệp bỏ bê không quản lý, để mặc chính quyền xoay xở.

Anh Đức trao đổi: “Quan điểm của xã Đôn Phục là đề nghị chính quyền các cấp không cho Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Rừng tái sinh phục hồi rồi thì nên giữ nguyên để bảo vệ môi trường, nguồn nước. Trường hợp nếu doanh nghiệp nhận bảo vệ thì có thể chấp nhận nhưng phải yêu cầu họ có cam kết phối hợp với địa phương để bảo vệ, phòng chống cháy rừng…”.

Cần có lời giải đáp

Tìm hiểu tại UBND huyện Con Cuông, được biết Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng tại Quyết định số1291/QĐ-UBND ngày 20/4/2012. Theo quyết định này, Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt được giao diện tích cắm mốc là 1.804,3 ha tại địa bàn 8 xã Thạch Ngàn, Mậu Đức, Cam Lâm, Châu Khê, Đôn Phục, Lạng Khê, Môn Sơn, Lục Dạ.

Một lãnh đạo huyện Con Cuông xác nhận và có ý kiến rằng: “Chúng tôi cùng chung những băn khoăn của chính quyền địa phương cơ sở. Quyết định về việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp là thuộc quyền của tỉnh. Tuy nhiên, huyện Con Cuông được tỉnh định hướng là khu vực sinh thái của miền Tây để phát triển kinh tế du lịch nên mong muốn được giữ toàn vẹn rừng tự nhiên…”.

Còn với UBND huyện Quế Phong, những bất cập trong giao đất lâm nghiệp cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt không chỉ xảy ra ở Quang Phong, Nậm Nhoóng mà còn cả xã Nậm Giải. Ở Nậm Giải, Nậm Nhoóng là tình trạng quy hoạch dự án cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đã chồng lấn lên đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho dân theo Nghị định 163. Khi người dân có ý kiến, huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT cùng chính quyền xã Nậm Giải, Nậm Nhoóng tiến hành rà soát, thống kê; số diện tích chồng lấn lên đến gần 300 ha.

Anh Lô Thanh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn (Con Cuông): “Khu vực đỉnh dông đều là rừng có giá trị phòng hộ, giữ nguồn nước. Nếu mất rừng thì rất đáng lo…”.
Anh Lô Thanh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn (Con Cuông): “Khu vực đỉnh dông đều là rừng có giá trị phòng hộ, giữ nguồn nước. Nếu mất rừng thì rất đáng lo…”.

Một lãnh đạo của huyện Quế Phong nói rằng: “Hiện tại, UBND huyện Quế Phong đã báo cáo lên cấp trên về tình trạng chồng lấn của dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo tiếp tục cho rà soát lại tất cả các dự án trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn để có đánh giá đảm bảo chính xác và đầy đủ. Sau đó, sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền có chỉ đạo xử lý…”.

Với quỹ đất lâm nghiệp lớn, nên ngay từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 147 về một số chính sách phát triển rừng (năm 2007), tỉnh Nghệ An đã xác định việc trồng rừng nguyên liệu là một trong những phương sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho các huyện miền Tây. Để thực hiện, doanh nghiệp được xác định đóng vai trò quan trọng. Vậy nhưng, theo tìm hiểu thì dù đã sớm triển khai nhưng vai trò của doanh nghiệp đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn; thậm chí còn tiềm ẩn hệ lụy như tại hai huyện Quế Phong, Con Cuông.

Những vấn đề này là phức tạp, liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngoài việc nắm bắt chính xác thực trạng, chính quyền hai huyện Quế Phong, Con Cuông cần tham vấn các sở ngành có liên quan để tìm giải pháp kiến nghị UBND tỉnh sớm có chỉ đạo xử lý./.

Nhật Lân - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Giao đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp... dân xót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO