Nghệ An: Giáo viên, nhân viên nhiều trường học 'sống mòn' với mức lương hợp đồng
(Baonghean.vn) - Dù chỉ được trả mức lương còm cõi, thấp hơn lương tối thiểu nhưng những năm qua, nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng vẫn gắng gượng bám trụ với trường lớp, với công việc chuyên môn. Mong muốn lớn nhất của họ là được tăng lương theo đúng lộ trình và sớm được vào biên chế để ổn định cuộc sống.
Mòn mỏi chờ… biên chế
Sau gần 19 năm gắn bó với ngành Giáo dục, hiện nay anh Nguyễn Văn Chiến – nhân viên y tế của Trường Mầm non thị trấn Diễn Châu (Diễn Châu) vẫn sở hữu mức lương “không tưởng” và tự anh cũng không giải thích được động lực nào để gắn bó với công việc này lâu như vậy.
Anh Chiến cho biết: “Tôi bắt đầu làm nhân viên y tế trường học từ năm 2004 và có 8 năm gắn bó với trường tiểu học thị trấn. Từ năm 2012, để được vào hợp đồng huyện, tôi chuyển sang trường mầm non và nuôi hy vọng được chuyển biên chế chính thức. Tuy nhiên, đã gần 20 năm gắn bó với nghề, tôi vẫn đang là nhân viên hợp đồng huyện, từ khi ký hợp đồng đến nay lương vẫn 2.480.000 đồng/tháng, không được tăng theo định kỳ”.
Do mức lương quá thấp nên anh Chiến (Trường mầm non thị trấn Diễn Châu) phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập. Ảnh: NVCC |
Thu nhập quá thấp, không đủ sinh sống nên mãi hơn 40 tuổi vợ chồng anh mới tính đến việc sinh con thứ 2. Hiện tại, dù là nhân viên y tế nhưng anh kiêm nhiệm nhiều công việc ở trường, kể cả sửa chữa điện, nước và nhiều việc “không tên, không tiền” khác. Nuôi hy vọng vào biên chế, nên cách đây hơn 3 năm, anh đã đăng ký một lớp trung cấp mầm non và sau này là học lên hệ cao đẳng sư phạm mầm non để xin được chuyển ngạch và sớm được tuyển dụng. Tuy mòn mỏi chờ khá lâu nhưng chỉ tiêu biên chế mầm non vẫn chưa thể thực hiện được.
Anh chia sẻ thêm: “Nhà tôi ở xã Diễn Kỷ, mỗi ngày đi đi về về thị trấn 4 lượt cũng xấp xỉ 20km. Với mức lương hiện có, tính xăng xe cũng khó chứ đừng nói làm việc gì khác. May mà vợ tôi làm giáo viên mầm non nên thông cảm và động viên tôi học thêm để gắn bó lâu dài với nghề. Ngoài ra, tôi phải xin làm thêm cho một phòng khám ở huyện mới có đủ tiền trang trải”.
Hoàn cảnh của cô giáo Hoàng Thị Hồng (Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu) cũng vất vả không kém, bởi sau 9 năm vào nghề chị vẫn đang phải sống với mức lương gần 2,8 triệu đồng, là nhân viên y tế nhưng kiêm cả công việc thủ quỹ, văn phòng và cả phục vụ để mỗi tháng được hỗ trợ thêm 300.000 đồng, bao gồm cả tiền xăng xe. Nhà chị Hồng ở xã Diễn Tân, mỗi ngày đi về cũng hơn 10km.
Rất nhiều người hỏi tại sao lương thấp thế mà không chuyển việc, chị bảo “làm cho vui chứ công việc này khó có động lực để phấn đấu, chỉ nuôi bản thân cũng không đủ”.
Nói vậy nhưng mỗi lần nhắc đến, chị lại chạnh lòng, bởi như những đồng nghiệp khác ở huyện, chị cũng đã học xong Cao đẳng Sư phạm, hy vọng sau này được chuyển ngạch sang làm giáo viên mầm non. Đó cũng là lý do chị vẫn bám trụ với nghề, chấp nhận mức lương “sống mòn”.
Toàn huyện Diễn Châu còn 29 nhân viên hợp đồng, trong đó có 27 nhân viên y tế và 2 nhân viên kế toán. Hầu hết số này đều ký hợp đồng từ năm 2013 trở về trước và người lâu nhất cũng đã gần 20 năm.
Theo đại diện của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, những năm qua, việc tuyển dụng nhân viên y tế và nhân viên kế toán gặp nhiều khó khăn vì từ năm 2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2378/VPCP-KGVX về công tác y tế, tài chính kế toán trong các cơ sở giáo dục, các địa phương đều tạm dừng tuyển viên chức làm công tác y tế, kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong bối cảnh trên, thời gian qua, các nhân viên y tế, kế toán hợp đồng huyện đã chuyển sang học trung cấp, cao đẳng mầm non để được chuyển vị trí công tác nhưng do chỉ tiêu biên chế có hạn nên chưa có cơ hội tuyển dụng.
Mặc dù là nhân viên y tế nhưng chị Hồng (Trường tiểu học thị trấn Diễn Châu) và nhiều đồng nghiệp khác vẫn kiêm nhiệm thêm nhiều công việc ở trường với khoản phụ cấp ít ỏi. Ảnh: NVCC |
Quá lo lắng cho tương lai của mình, mới đây các nhân viên ở huyện Diễn Châu đã kiến nghị các cơ quan chức năng để được tăng phụ cấp hoặc tăng lương. Một số người cho rằng, nếu chưa được vào biên chế, cũng cần sớm được quan tâm hỗ trợ phụ cấp và giải quyết đúng chế độ về chi trả lương theo thâm niên công tác.
Cần sớm được quan tâm, giải quyết đúng chế độ
Không riêng huyện Diễn Châu, tình trạng giáo viên, nhân viên hợp đồng mòn mỏi chờ biên chế diễn ra tại nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Phương Minh - kế toán của Trường THCS Hồ Tông Thốc (Yên Thành) công tác trong ngành Giáo dục từ năm 2015. Trước đó, do đã tốt nghiệp ngành kế toán Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nên chị xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc ở trường. Tuy vậy, sau 6 năm, chị vẫn chỉ được hưởng 85% mức lương 2,34 và không được tăng lương theo định kỳ khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
“Tôi theo dõi bảng lương của cơ quan nhưng nhìn vào mức lương của giáo viên và nhân viên hợp đồng thấy rất buồn. Thậm chí có người làm văn thư 10 năm rồi nhưng lương chưa được 1,5 triệu/tháng (mức lương dành cho hệ trung cấp). Mong muốn của chúng tôi là sớm được tuyển dụng vào biên chế hoặc ít nhất là được tăng lương theo năm công tác để mọi người yên tâm, gắn bó với công việc”.
Hiện theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, toàn huyện còn 24 giáo viên hợp đồng huyện (chủ yếu là giáo viên tiểu học các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật) và 26 nhân viên hợp đồng (chủ yếu là nhân viên y tế, kế toán, nhân viên thiết bị). Nhiều người đã công tác gần 20 năm nhưng vẫn chưa được vào biên chế. Những năm qua, huyện có chỉ tiêu cho ngành Giáo dục nhưng chủ yếu ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học (môn văn hóa), giáo viên Tin học, tiếng Anh và chỉ tiêu dành cho các môn đặc thù như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật rất ít nên cơ hội để vào biên chế với các giáo viên hợp đồng huyện rất mong manh.
Nhiều giáo viên ở Trường mầm non Cửa Nam đã đi làm nhiều năm nhưng vẫn đang là giáo viên mầm non thuộc diện 06 - 09. Ảnh: Mỹ Hà |
Trên toàn tỉnh, tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 1.682 giáo viên và 268 nhân viên hợp đồng. Trong số này, khối mầm non chiếm đông đảo với 1.521 giáo viên hợp đồng và 76 nhân viên hợp đồng; khối tiểu học có 48 giáo viên hợp đồng và 109 nhân viên hợp đồng; khối THCS có 113 giáo viên hợp đồng và 83 nhân viên hợp đồng.
Điểm chung của các giáo viên và nhân viên hợp đồng đều lương thấp, không được tăng lương và không có các khoản phụ cấp theo quy định. Riêng giáo viên mầm non thuộc diện 06 – 09 được hưởng lương và các phụ cấp tương đương như giáo viên biên chế, tuy nhiên, các quyền lợi khác để phát triển nghề nghiệp gần như không có.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi Chính phủ cắt chế độ hỗ trợ cho giáo viên thuộc diện 06 – 09, nhiều người bị gián đoạn lương trong nhiều tháng. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung – Trường Mầm non Cửa Nam (TP. Vinh) cho biết: “Tôi vào hợp đồng từ tháng 11/2006 theo diện giáo viên 06. Hiện mức lương của tôi là hơn 4 triệu đồng nhưng từ tháng 7 đến nay chưa được nhận lương bởi nguồn kinh phí trích từ học phí của nhà trường đang hết và chúng tôi được thông báo là chờ được chi trả sau khi có ngân sách của trên cấp về”.
Giờ học của học sinh mầm non. Ảnh: Mỹ Hà |
Hiện các giáo viên cũng đang mong chờ số lượng hơn 2.800 biên chế do Bộ Nội vụ mới bổ sung cho ngành Giáo dục Nghệ An, trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164 biên chế, tiểu học 498 biên chế, THCS 142 biên chế và THPT 16 biên chế; ngoài ra, còn có nhân viên trong các trường học.
Về phương án tuyển dụng, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương trong hơn 2.800 biên chế được giao, tập trung giải quyết cho hơn 1.500 giáo viên mầm non hợp đồng, sau đó ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn mới, môn tích hợp đảm bảo triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến những giáo viên đã hợpđồng lâu năm và có nhiều cống hiến cho ngành.