Nghệ An: Hiệu quả tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc

Thu Huyền 09/09/2022 08:46

(Baonghean.vn) -  Sau 20 năm hình thành và phát triển, tín dụng chính sách vùng đồng bào dân tộc, miền núi thực sự là cầu nối, cần câu cho bà con vươn lên, ổn định cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Cũng nhờ đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền Tây xứ Nghệ phát triển toàn diện, góp phần ổn định an ninh biên giới và thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trao "chiếc cần câu"

Nhìn cảnh những người con đồng bào Kỳ Sơn kéo nhau ra thành phố, khu công nghiệp làm công nhân, ông Vừ Tồng Pó (sinh năm 1979) ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống trăn trở: “Vì sao đồng bào ta siêng năng mà không thoát nghèo, không tìm cách làm giàu ngay trên quê hương của mình? Tại sao những sản phẩm thế mạnh xứng tầm đặc sản như gà đen, lợn đen, bò địa phương, mận, đào… lại không trở thành hàng hóa để bán?”

Từ những nỗi niềm đau đáu đó, ông Pó bắt đầu làm kinh tế với con gà đen bản địa, đăng ký vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội số vốn 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông cùng vợ trồng thêm rẫy ngô làm thức ăn cho gà, vừa hỗ trợ tiền thức ăn, vừa để thịt gà chắc, ngọt hơn.

Ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống chọn gà đen bản địa để phát triển kinh tế. Ảnh ngân hàng cung cấp

Được Hội Nông dân hướng dẫn, năm 2019, ông Pó vay thêm vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội 70 triệu đồng để mở rộng quy mô đàn gà, mở rộng dịch vụ vừa bán gà thịt, vừa bán giống gà đen bản địa, đồng thời vận động thành lập Tổ hội Nông dân chăn nuôi gà đen, rồi Chi hội Nông dân chăn nuôi gà đen với 15 hộ (36 thành viên) tham gia.

Hiện nay, ngoài đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò, gà đen địa phương, gia đình còn kết hợp làm mô hình du lịch cộng đồng homestay - trở thành một trong những gia đình đầu tiên đăng ký xây dựng nhà trọ cộng đồng phục vụ khách du lịch đến Mường Lống. Việc phát triển du lịch, tôn tạo cảnh quan, tham gia phục vụ du lịch tại xã Mường Lống tạo mô hình kinh tế khép kín, qua đó, phát triển các mặt hàng thế mạnh, đặc sản như gà đen, bò địa phương, trồng rau sạch; cải tạo và trồng thêm vườn mận, vườn đào.

Nhiều hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi bò, phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Huyền

Gia đình ông Vừ Tồng Pó là tấm gương điển hình ở huyện Kỳ Sơn sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách để vươn lên thoát nghèo. Kinh tế gia đình phát triển, lại am hiểu về các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông, ông tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

Ông Hoàng Sơn Lam – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, kiêm Giám đốc Phòng Giao dịch huyện cho biết: “Việc ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới đã giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm dần”.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn, đã có 5.751 hộ nghèo được vay vốn thoát nghèo. Các hộ vay đã đầu tư mua hơn 80 ngàn con trâu, bò, tạo ra hơn 60 ngàn việc làm cho nhân dân lao động. Tín dụng chính sách cũng đã giúp 415 người được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; 655 em học sinh, sinh viên yên tâm học tập; giúp hộ nghèo xây dựng 2.615 ngôi nhà; cùng với nhân dân xây dựng, tu sửa hơn 3 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch, sử dụng công trình vệ sinh đạt chuẩn so với trước đây.

Là cửa ngõ của miền Tây Nghệ An, thời gian quan, kinh tế của huyện Con Cuông tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng sinh thái, du lịch, trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nam Nghệ An. Những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Gia đình chị Lang Thị Luyên ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) bên ngôi nhà khang trang của mình. Ảnh: Thu Huyền

Cách đây 10 năm, gia đình chị Lang Thị Luyên, anh Lô Văn Thấm ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) phải sinh hoạt trong căn nhà xuống cấp, lụp xụp, rách nát; mỗi khi mưa bão, gia đình lại nơm nớp lo sợ. Cuộc sống đổi thay kể từ năm 2019, khi họ được vay 25 triệu đồng vốn hộ nghèo, bán keo, trâu, bò để đầu tư thêm làm nhà ở.

Sau khi xây được nhà ở khang trang, năm 2021, anh chị vay thêm 50 triệu đồng vốn thoát nghèo mua trâu, bò phát triển kinh tế. “Được tạo điều kiện vay vốn xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, giờ vợ chồng tôi chỉ tập trung làm kinh tế. Để có tiền trả nợ ngân hàng, gia đình tôi mở tài khoản để tiết kiệm trả nợ” - anh Lô Văn Thấm cho biết.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thăm gia đình chị Lang Thị Luyên ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Ảnh: Thu Huyền

Ngoài giúp đỡ nhà ở, quan trọng nhất là đồng bào được tạo sinh kế, tập huấn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật để thoát nghèo bền vững.

Chẳng hạn, chị Vi Thị Liên bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn năm 2009 vay vốn Ngân hàng Chính sách chương trình hộ nghèo để mua trâu, bò. Với 2 con lợn mạ, chị tự nhân giống lợn; hiện đã phát triển lên 14 con lợn thịt; nuôi thêm 11 con bò. Mới đây, chị vay thêm vốn trồng 2 ha keo, trồng sắn, đào ao thả cá. Ngày nông nhàn, chị tranh thủ làm công để kiếm thêm thu nhập trang trải chi tiêu hàng ngày.

Chị Vi Thị Liên ở bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đầu tư chăn nuôi trâu, bò từ vốn vay Ngân hàng chính sách. Ảnh: Thu Huyền

“Vốn vay chính sách đã giúp đỡ mẹ con tôi rất nhiều. Cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng khi đã được tổ tư vấn hỗ trợ, tôi phải cố gắng để nay mai thoát được nghèo khó”

Chị Vi Thị Liên bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn, Con Cuông

Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền

Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình tín dụng, với doanh số cho vay lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện Con Cuông hướng dẫn người dân vay vốn chính sách. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, ngoài tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm…, có nhiều chương trình phục vụ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đó là chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg - chương trình cho vay phục vụ đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi bằng 50% so với lãi suất chương trình hộ nghèo, được phòng giao dịch triển khai từ năm 2018; Chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007, Quyết định số 54/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Cho vay hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Miền Tây Nghệ An chiếm gần 84% diện tích toàn tỉnh, bao gồm 11 huyện, thị; trong đó có 5 huyện vùng cao; là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Thổ, Mông, Ơ đu, Khơ mú…

Nguồn vốn chính sách đã giúp đồng bào miền Tây Nghệ An có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống. Ông Lương Văn Khánh – Phó ban Dân tộc tỉnh đánh giá, nhiều hộ dân, từ sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và mở rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng bào được tiếp cận nguồn vốn của tín dụng chính sách xã hội để làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số...

Cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện Quỳ Hợp kiểm tra mô hình sản xuất hộ vay vốn trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền

Tuy vậy, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An có 76 xã đặc biệt khó khăn; đến cuối năm 2021 vẫn còn gần 8,18% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), cao hơn mức bình quân cả nước; riêng các huyện miền núi còn 17,24%. Năm 2022, Nghệ An được cấp 150 tỷ đồng để thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên, đến nay các huyện chưa công bố kết quả phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, các địa phương cần sớm phối hợp rà soát, xác định nhu cầu vốn để hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn của chương trình này trong năm 2022.

Mới nhất

x
Nghệ An: Hiệu quả tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO