Nghệ An: Hơn 166 tỷ đồng cho nông dân vay mua máy sản xuất

09/07/2016 08:46

(Baonghean.vn) - Thực hiện Quyết định 68 ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đến nay, sau 2 năm thực hiện, trên địa bàn Nghệ An đã có 845 nông dân được vay vốn mua máy phục vụ sản xuất.

ông Hoàng Đình Hùng ở khối 12, thị trấn Hưng Nguyên
Sau thời vụ thu hoạch, ông Hoàng Đình Hùng ở khối 12, thị trấn Hưng Nguyên bảo dưỡng máy gặt đập liên hợp chuẩn bị cho mùa vụ thu hoạch tới.

Ở Hưng Nguyên, ông Hoàng Đình Hùng ở khối 12, thị trấn Hưng Nguyên là người đầu tiên đầu tư máy gặt đập liên hoàn. Ngoài phục vụ cho 1,5 mẫu ruộng của gia đình, còn làm dịch vụ gặt thuê cho các hộ có nhu cầu. Sau nhiều lần bỏ vốn sắm máy, năm 2015, từ chương trình vay vốn theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, ông tiếp tục vay 610 triệu đồng của Ngân hàng nông nghiệp chi nhánh Hưng Nguyên mua máy gặt đập liên hoàn.

Ông Hùng cho biết, không chỉ đảm bảo việc thu hoạch cho ruộng của nhà, ông đưa máy đi làm dịch vụ cho các xã trong huyện và các huyện Yên Thành, Đô Lương, thậm chí ra các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… Mỗi vụ thu hoạch như vậy, sau khi trừ chi phí, còn lãi 100 triệu đồng, 2 vụ vừa rồi (hè thu 2015 và đông xuân 2016) thu lãi 200 triệu đồng. Theo tính toán, sau 3 năm ông sẽ hoàn vốn.

1
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên).

Cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập; giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ.

Ông Trần Văn Đức – Phó GĐ ngân hàng nông nghiệp và PTNT chi nhánh Nghệ An cho biết: Đến nay, dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 166,7 tỷ đồng, tăng 45,7 tỷ đồng (38%) so với đầu năm; số khách hàng còn dư nợ là 845 khách hàng, tăng 180 khách hàng.

Hiện nay, Đô Lương là địa phương có dư nợ cho vay theo quyết định 68 lớn nhất trên địa bàn tỉnh với 33 tỷ đồng, 261 khác hàng vay. Tiếp đó là Tân Kỳ 25 tỷ đồng, 88 khách hàng, Hưng Nguyên 22 tỷ đồng, 91 khách hàng, Quỳnh Lưu 18 tỷ đồng, 50 khách còn dư nợ; Thanh Chương 14 tỷ đồng, 100 khách hàng. Tuy nhiên, một số địa bàn miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, hay một số huyện, thành diện tích đất nông nghiệp ít như Thái Hoà, Hoàng Mai, Tp. Vinh không có khách nào vay.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Hơn 166 tỷ đồng cho nông dân vay mua máy sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO