Nghệ An: Khó khăn trong xử lý đất và trụ sở các cơ quan sau sáp nhập

Nguyễn Hải 09/07/2020 06:45

(Baonghean.vn) - Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, một số đơn vị hành chính sự nghiệp và phường, xã đã được sáp nhập dẫn tới một số cơ sở vật chất và đất lúng túng trong cách sử dụng. Vậy giải pháp nào để quản lý và nhất là khai thác hiệu quả tài sản công?

Trên cơ sở thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và tinh giản bộ máy, Nghệ An đã tiến hành sắp xếp lại một số đầu mối cơ quan hành chính sự nghiệp theo hướng tập trung và gọn nhẹ hơn.

Đầu tiên là việc sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện với trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề.

Theo chủ trương này, hàng loạt các huyện, thị có các trung tâm giáo dục thường xuyên đã được sáp nhập về với trung tâm hướng nghiệp dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề đóng trên địa bàn.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn được đem ra đấu giá nhưng chưa thành.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn được đem ra đấu giá nhưng chưa thành. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp đó, là sáp nhập các trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao với các đài truyền thanh - truyền hình huyện; sáp nhập các ban quản lý rừng phòng hộ về với công ty lâm nghiệp ở các huyện đồng bằng; gần đây là sáp nhập các hạt kiểm lâm theo hướng cụm huyện; sáp nhập các trạm khuyến nông, trạm chăn nuôi thú y, trạm bảo vệ thực vật và trạm giống trên địa bàn 1 huyện về 1 đầu mối thành trung tâm ứng dụng dịch vụ, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện...

Trong khi đó, hầu hết các cơ quan bị sáp nhập, giải thể như trung tâm giáo dục thường xuyên, trạm chăn nuôi, trạm bảo vệ thực vật đều ở vị trí rất đẹp và rộng rãi nên có khả năng sinh lợi cao; một số cơ sở vật chất như ban quản lý rừng phòng hộ và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm văn hóa - thông tin… vừa mới xây xong nhưng một số phải đóng cửa, xuống cấp rất nhanh.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, một số cử tri các huyện Nam Đàn, Quỳnh Lưu đã phản ánh thực tế này và nếu tình trạng này kéo dài thì đây là sự lãng phí đất và tài sản công.

Theo quy định cũng như nguyên tắc, các đơn vị hành chính sự nghiệp, sau khi bị sáp nhập hoặc giải thể thì tài sản công, bao gồm trụ sở, trang thiết bị và quyền sử dụng đất phải được Nhà nước thu hồi về để quản lý. Đối với tài sản, thiết bị trên cơ sở đánh giá lại tài sản để sử dụng tiếp; nếu là quyền sử dụng đất thì phải đánh giá từng trường hợp cụ thể, nếu tài sản trên đất còn sử dụng được thì tính toán để bàn giao lại cho cơ quan khác sử dụng; nếu trụ sở đã xuống cấp và nhu cầu không còn thì chuyển sang đấu giá QSD để thu về ngân sách.

Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính

Mặc dù nguyên tắc tài sản công của cơ quan, đoàn thể sau khi sáp nhập phải được thu hồi về để Nhà nước quản lý, định đoạt, nhưng trong thực tế việc giải quyết không hề đơn giản và vướng nhiều quy định. Các cơ quan, đơn vị sắp bị sáp nhập mới chỉ quan tâm sắp xếp con người, còn tài sản, trụ sở thì chưa có phương án rõ ràng.

Trên thực tế, việc triển khai bằng cách đấu giá quyền sử dụng đất đối với trụ sở các cơ quan hành chính sự nghiệp bị sáp nhập, giải thể cũng không hề đơn giản vì vướng các quy định pháp lý.

Vì những rào cản nói trên, nên thời gian qua, tỉnh đã tổ chức một số cuộc đấu giá QSD đất của các đơn vị sự nghiệp công lập bị sáp nhập nhưng khá vất vả và vướng mắc.

Nguyên nhân là nếu đấu giá QSD đất, giá các khu đất có giá cao và phải nộp tiền 1 lần nên rất ít doanh nghiệp đủ năng lực tham gia; đó là chưa nói đến sau khi đấu giá xong, đơn vị mới phải tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch, không được chia lô, chuyển sang mục đích đất ở nên không có nhiều đơn vị mặn mà. Vì vậy, từ khởi điểm là đấu giá QSD đất, tỉnh phải chuyển sang đấu giá thuê đất và doanh nghiệp được chọn 2 giải pháp là thanh toán tiền thuê đất 1 lần hoặc hàng năm.

Bến xe Vinh theo quy định sau khi di dời ra vị trí mới thì phải trả lại cho tỉnh để đấu giá nhưng DN không chịu bàn giao
Bến xe Vinh theo quy định sau khi di dời ra vị trí mới thì phải trả lại cho tỉnh để đấu giá nhưng DN không chịu bàn giao. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản: Với giải pháp này, khu đất là trụ sở Đài Truyền thanh - Truyền hình TP. Vinh sau 3 lần đấu mới bán thành công. Một số đơn vị như Bến xe thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn… mặc dù tổ chức đấu giá thuê đất một số lần nhưng chưa thành công.

Nguyên nhân chưa đấu giá thuê đất thành công, theo tìm hiểu tại các doanh nghiệp tham gia đấu giá là do mức tiền nộp 1 lần quá cao. Ví dụ, Bến xe Mường Xén (Kỳ Sơn) do vị trí đẹp và quỹ đất ít nên giá khởi điểm xấp xỉ 20 tỷ đồng; để sử dụng thì doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất thêm khoảng 5 - 7 tỷ đồng nên không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được.

Hay như Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nam Đàn, việc một đơn vị bỏ gần 15 tỷ đồng (theo giá khởi điểm) để tiếp quản khu đất mà chưa có phương án kinh doanh nào cũng là một dấu hỏi. Vì vậy, thay vì nộp tiền 1 lần, các doanh nghiệp đấu giá quyền thuê đất xong thì nộp tiền hàng năm và chấp nhận 5 năm thay đổi giá 1 lần; số vốn còn lại đưa vào kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.

Bất cập còn ở chỗ, trong khi bán đấu giá quyền thuê đất các trụ sở cơ quan, đơn vị thì khó khăn, nhưng nếu là bán đấu giá quyền sử dụng đất, sau đó đưa vào mục đích xây dựng nhà ở thì rất nhanh. Điển hình là khu đất Trường nghiệp vụ Phát thanh - Truyền hình VTC sau khi đấu giá xong, nhà thầu giải phóng mặt bằng và thi công nhà ở.

Kinh nghiệm từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công sau khi sáp nhập, giải thể được UBND tỉnh, thành thu hồi về giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất dùng nguồn kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng sạch, sau đó mới đem ra đấu giá nên nguồn lợi thu về ngân sách tỉnh khá cao.

Trong khi đó, khu đất Trường nghiệp vụ PTTH VTC (đối diện Sở Giao thông) do chuyển mục đích đất ở nên bán đấu giá và đưa vào sử dụng rất nhanh
Khu đất Trường nghiệp vụ PT-TH VTC (đối diện Sở Giao thông) do chuyển mục đích đất ở nên bán đấu giá và đưa vào sử dụng rất nhanh. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Hồ Phan Long - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Nghệ An cho biết: Trong khi các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng như các địa phương tổ chức khai thác quỹ đất khá hiệu quả bằng đấu giá QSD đất thì cấp tỉnh, do không có nguồn ngân sách riêng nên trung tâm không thể tiếp quản các quỹ đất công của cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, giải thể cũng như quỹ đất khác để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đem ra đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách. Hiện tại, trung tâm cũng mới chỉ tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn của tỉnh.

Những vướng mắc cần giải quyết trong vụ bỏ tiền tỷ mua đất đấu giá rồi 5 năm... 'chờ tí' ở TP Vinh

Những vướng mắc cần giải quyết trong vụ bỏ tiền tỷ mua đất đấu giá rồi 5 năm... 'chờ tí' ở TP Vinh

(Baonghean.vn) - Sau khi Báo Nghệ An đăng tải bài viết “Bỏ tiền tỷ mua đất đấu giá ở thành phố Vinh: 5 năm ròng... “chờ tí”!”, Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng thành phố Vinh (Ban QLDA) kiến nghị UBND TP. Vinh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng khu quy hoạch chia lô đất ở khối 9, P. Quán Bàu...

Mới nhất

x
Nghệ An: Khó khăn trong xử lý đất và trụ sở các cơ quan sau sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO