Nghệ An: Khoanh vùng khống chế ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò
(Baonghean) - Vừa qua, trên địa bàn huyện Diễn Châu xảy ra ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò. Ngay sau đó, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn thú y đã kịp thời khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tiêu hủy con bê bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn xã Diễn Kỷ. Ảnh: XH |
Ngày 8/8, trong đàn bò của hộ gia đình ông Đặng Xuân Sơn ở thôn 5, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), 1 con bê có triệu chứng ốm, bỏ ăn, nổi u, cục khắp cơ thể, không đi lại được. Chỉ sau 01 ngày, con bê bị chết. Cơ quan thú y đã tiến hành lấy mẫu, tiêu hủy, xác định là nhiễm bệnh viêm da nổi cục.
Nguyên nhân xảy ra ổ dịch này, theo nhận định của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu, thì xã Diễn Kỷ thuộc ổ dịch viêm da nổi cục cũ từ năm 2021, trong khi đó 3 con bò, bê của hộ ông Đặng Xuân Sơn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Do vậy đây là điểm tái dịch từ ổ dịch cũ trước đó. Diễn Kỷ là địa phương có đàn trâu, bò nhiều với tổng đàn toàn xã hiện có 177 con; trong khi đó, trên địa bàn huyện Diễn Châu có nhiều hộ kinh doanh, vận chuyển, tập kết, giết mổ trâu bò và năm 2021 có 31/37 xã có trâu, bò bị viêm da nổi cục, 614 con bị bệnh, 104 con bị chết.
Cùng đó, tỷ lệ tiêm phòng vụ xuân đối với đàn trâu, bò của huyện Diễn Châu đạt thấp. Vì vậy, chính quyền địa phương đã sớm đề xuất với Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ 125 liều vắc-xin từ nguồn tỉnh cấp không thu tiền để tiêm phòng bao vây ổ dịch tại xã Diễn Kỷ, triển khai tiêm từ ngày 19/8.
Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho hay, hiện tại ổ dịch ở xã Diễn Kỷ đã được khống chế, trên địa bàn huyện không có ổ dịch nào khác. Với số lượng vắc-xin tỉnh vừa cấp đó, huyện chỉ đạo địa phương tổ chức tiêm cho số trâu, bò thuộc diện phải tiêm của thôn 5 và một số thôn lân cận. Ngoài nguồn vắc-xin được cấp cần tuyên truyền vận động người chăn nuôi mua thêm vắc-xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% diện phải tiêm. Cùng đó là thực hiện các giải pháp phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò trên địa bàn xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu ngay sau khi xuất hiện ổ dịch. Ảnh: XH |
Đồng thời, huyện chỉ đạo xã Diễn Kỷ thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã về công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục, thực hiện “5 không”: không giấu dịch, không mua gia súc bệnh, không bán chạy gia súc bệnh, không vận chuyển gia súc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia súc bệnh ra môi trường. Tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm gia súc mắc bệnh và xử lý kịp thời. Ký cam kết với các hộ có gia súc bị bệnh, nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch viêm da nổi cục, không chăn thả, khống chế, điều trị gia súc bị bệnh tại chuồng, cách ly gia súc bị bệnh với gia súc khỏe mạnh.
Vận động người dân mua vôi, hóa chất Benkocid, Hantox và các loại hóa chất khác… phun khử trùng tiêu độc đường làng, ngõ xóm, chuồng trại chăn nuôi, khu vực công cộng, diệt ruồi, muỗi, ve, mòng, sát trùng dụng cụ, phương tiện vận chuyển, xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trước mắt, ổ dịch viêm da nổi cục tại xã Diễn Kỷ đã được khống chế trong diện hẹp, bệnh dịch chỉ xẩy ra trên 1 con bê. Tình hình chung trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đang lắng xuống.
Người chăn nuôi cần chăm sóc đàn bò tốt để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: XH |
"Giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục nói riêng, các loại bệnh nói chung đối với đàn vật nuôi hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin. Vì vậy các địa phương cần có giải pháp và tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện đạt tỷ lệ tiêm phòng cao nhất" - ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú Y nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người chăn nuôi không được chủ quan, bởi nguy cơ cao sẽ bùng phát sau mùa mưa lũ. Do các loại côn trùng: ruồi, muỗi, ve, mòng… phát triển, cùng đó xác chết động vật và chất thải động vật trôi dạt theo dòng nước, dẫn đến không những bệnh viêm da nổi cục mà các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác bùng phát. Vì vậy, giải pháp phòng trừ các loại dịch bệnh nói chung cho đàn vật nuôi là đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin; cùng đó, tiêu độc khử trùng thường xuyên bằng việc rắc vôi bột xung quanh chuồng trại; bà con cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh mầm bệnh xâm nhiễm. Khi tăng đàn, bà con cần tìm mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh. Nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm hàng ngày cần xử lý nấu chín, nhất là một số vùng bà con thường sử dụng nước rác tại các hàng quán làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, những vùng thấp trũng, bà con nên chủ động làm chuồng trên cao, hoặc sử dụng các loại vật liệu dễ nổi như thùng phi kết lại thành bè nổi, để làm chỗ ở cho gia súc khi bị ngập nước, cùng đó là chuẩn bị lượng thức ăn khô cho gia súc. Khi trâu bò có những triệu chứng nói trên, người chăn nuôi cần báo với chính quyền địa phương để sớm có giải pháp phòng trừ, bảo vệ đàn vật nuôi.
Triệu chứng trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục thường có những dấu hiệu như sau: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú… trong vòng 48 giờ bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu… có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.