Nghệ An: Linh hoạt trong công tác truyền thông dân số

(Baonghean.vn) - Giảm sinh và cải thiện chất lượng dân số là nhiệm vụ quan trọng của ngành Dân số Nghệ An. Chính vì đó, việc đổi mới cách làm, cách tuyên truyền và triển khai các mô hình là để phù hợp với từng địa phương, vùng, miền cần được chú trọng.

Những mô hình hiệu quả

Đã thành thông lệ, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Gia đình trẻ” của chị em bản Làng Yên, xã Môn Sơn (Con Cuông) luôn thu hút rất đông chị em trong bản tham gia. Đây cũng là một trong những hoạt động được duy trì ổn định, dù năm qua việc triển khai các nội dung liên quan đến công tác dân số gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến với buổi sinh hoạt này, chị em trong bản lại cùng nhau chia sẻ nhiều nội dung về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp nhau phát triển kinh tế.

Trên đường đi tuyên truyền của những viên chức và CTV dân số của xã Môn Sơn - Con Cuông. Ảnh: MH
Trên đường đi tuyên truyền của những viên chức và CTV dân số của xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: M.H

Thời gian còn lại, chủ nhiệm câu lạc bộ đã giới thiệu cho các thành viên về một số biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vận động chị em sử dụng các hình thức tránh thai hiện đại. Mặc dù đây là vấn đề được nói đến khá nhiều, nhưng việc tham gia câu lạc bộ, được trò chuyện, gặp gỡ khiến mọi người thêm phấn chấn. Sau buổi sinh hoạt là việc làng, việc nước, ai gặp khó khăn lại được hỏi han, giúp đỡ nên tình chị em trong bản lại thêm gắn kết.

Chị Vi Thùy Dung - cộng tác viên Dân số - Y tế bản Làng Yên, xã Môn Sơn kể: “Để giảm sinh ở vùng biên này khó lắm. Vì quan niệm sinh con trai nối dõi, sinh nhiều để có lao động đã ngấm vào tiềm thức người dân. Khó nhưng chúng tôi luôn có cách để người dân hiểu”. Đó cũng là lý do mà ở bản Làng Yên, ngoài mô hình Câu lạc bộ “Gia đình trẻ”, bản còn có Câu lạc bộ “Gia đình không sinh con thứ 3”… Ngoài ra, câu lạc bộ còn kết hợp với hội nông dân, phụ nữ… để lồng ghép các buổi nói chuyện về dân số, triển khai nhiều chương trình để từng bước thay đổi nhận thức của người dân.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân tìm hiểu các kiến thức về SKSS vị thành niên, thanh niên. Ảnh: MH
Học sinh Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân tìm hiểu các kiến thức về SKSS vị thành niên, thanh niên. Ảnh: M.H

Là một trong những viên chức dân số kỳ cựu, có nhiều năm gắn bó với ngành, chị Vi Thị Loan - viên chức dân số Trạm Y tế xã Môn Sơn, cũng là người rất trăn trở với công việc của mình. Điều này xuất phát một phần bởi đặc thù Môn Sơn là xã biên giới, địa bàn rộng nên công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách Dân số - KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, riêng 2 bản Cò Phạt, Khe Búng với tộc người Đan Lai sinh sống ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra.

 “Lúc đầu tiếp cận người dân ở đây khó lắm và giải pháp duy nhất đó là phải kiên trì. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng vào bản, đến từng hộ gia đình “cầm tay chỉ việc”, tuyên truyền hướng dẫn để người dân từng bước xóa bỏ các hủ tục. Nhờ vậy, giờ đây chị em ở đây không còn chuyện sinh con ra là nhúng xuống nước nữa. Sản phụ đã biết đi thăm khám thai nhi theo định kỳ. Đến ngày gần sinh đã chủ động đến trạm y tế. Không chỉ người Đan Lai, mà người Thái, người Mông ở các bản, làng khác của xã vùng biên này cũng được các cộng tác viên dân số tuyên truyền các chính sách dân số trong thời kỳ mới.

Chị Vi Thị Loan - viên chức dân số Trạm Y tế xã Môn Sơn

Không chỉ ở vùng núi cao, vùng trung du, vùng biển cũng có những mô hình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ví như ở thị xã Cửa Lò có mô hình “Gia đình biển”; ở huyện Thanh Chương có mô hình “Truyền thông sông nước” cho đồng bào vạn đò ở huyện Thanh Chương.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh có các mô hình Câu lạc bộ “Giáo dục kỹ năng sống và sức khỏe sinh sản vị thành niên” tại các trường THPT, THCS; Câu lạc bộ “Nam nông dân với chăm sóc SKSS/KHHGĐ” ở 40 xã, thị trấn; mô hình truyền thông mới CLB “Gia đình với chăm sóc SKSS”, CLB “Gia đình hạnh phúc”; CLB “ Cựu chiến binh với chăm sóc SKSS”...

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Từ 2 năm trở lại đây, dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp khiến cho việc triển khai các hoạt động của ngành Dân số gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên những trở ngại, ngành đã linh hoạt tổ chức các hoạt động dân số phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Đặc biệt, ở các địa phương luôn có cách làm mới, các mô hình phù hợp với thực tiễn, từng bước đưa chính sách dân số ngấm sâu vào người dân.

Hơn nữa, sự nhiệt tình, tâm huyết của các viên chức, cộng tác viên dân số thôn, bản “đi từng ngõ, ngõ từng nhà” tuyên truyền về chính sách dân số khiến mọi người dân ở từng bản, từng ngõ hiểu rõ hơn về mọi khía cạnh của chính sách dân số.

Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: MH
Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: M.H

Theo chân những người làm công tác dân số của thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) đến từng hộ gia đình mới thấy được sự kiên trì của đội ngũ dân số thôn, bản. Địa bàn của thị trấn Thạch Giám rộng, lại mới sáp nhập từ thị trấn Hòa Bình (cũ) và xã Thạch Giám nên để làm quen với địa bàn và công việc mới gặp rất nhiều khó khăn. Để đi từng hộ gia đình, mỗi cộng tác viên không đếm được bao nhiêu quãng đường, phải mất bao nhiêu thời gian mới có thể vận động được hết các đối tượng, phần lớn họ phải làm ngoài giờ, tranh thủ vào các ngày nghỉ mới gặp được bà con.

“Hằng năm huyện xây dựng kế hoạch và giao cho các xã, thị trấn triển khai và trực tiếp là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách từng địa bàn. Nếu địa bàn nào tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Việc gắn trách nhiệm đến từng cán bộ đã giúp cho công tác dân số có nhiều chuyển biến rõ rệt, có những thời kỳ liên tục 2 năm không có người sinh con thứ 3, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên toàn huyện giảm”.

Ông Vi Văn Cầm - Trưởng phòng Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương

 

Để thích ứng với hoàn cảnh mới, những người làm công tác dân số cũng phải tự đổi mới và không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn. Chị Nguyễn Thị Thuận - chuyên trách dân số xã Thuận Sơn (Đô Lương) cho biết: Khi dịch bệnh bùng phát, việc tập trung đông người gặp nhiều khó khăn. Do đó, dù đã lớn tuổi nhưng chúng tôi cũng bắt đầu làm quen với mạng xã hội, xem đây là kênh truyền thông chính. Với những trường hợp có nguy cơ sinh con thứ 3, thay vì đến từng nhà, chúng tôi lại dùng các kênh khác như zalo, facebook để tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, công tác tuyên truyền đã không bị gián đoạn.

Cung cấp dịch vụ y tế cho người dân trên địa bàn huyện Con Cuông. Ảnh: CK
Cung cấp dịch vụ y tế cho người dân trên địa bàn huyện Con Cuông. Ảnh: C.K

Xác định công tác truyền thông, vận động là một yếu tố rất quan trọng để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nhân dân trong việc chấp hành chính sách dân số và phát triển nên thời gian qua, ngành Dân số Nghệ An cũng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Đó là hàng năm phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác dân số các huyện để tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho người dân, hưởng ứng tham gia cuộc thi cùng làm tuyên truyền viên dân số trên nền tảng Tiktok và mạng xã hội do Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổ chức và đạt giải Khuyến khích tập thể…

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động, mô hình truyền thông thường xuyên, truyền thông trọng điểm có hiệu quả như: Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho phụ nữ vùng đặc thù có mức sinh cao, các đối tượng khó tiếp cận; truyền thông về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trong các trường THPT, THCS dưới hình thức ngoại khóa, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp; truyền thông về chăm sóc SKSS cho công nhân tại các khu công nghiệp; truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh...

Năm 2021, mức sinh trên toàn tỉnh đã giảm từ 2,75 con/phụ nữ xuống còn 2,68 con/phụ nữ và đây là một thành công của ngành trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Điều đáng mừng là dù khó khăn về kinh phí, dịch bệnh nhưng tại cơ sở, hoạt động truyền thông về Dân số - CSSKSS/KHHGĐ diễn ra sôi nổi với nội dung và hình thức được đổi mới phong phú, đa dạng, phù hợp đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, đơn vị như nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn hộ gia đình...

Nghệ An cũng là một địa phương được Tổng cục Dân số - KHHGĐ đánh giá cao trong công tác tuyên truyền, vận động và điều đó đã góp phần đưa công tác dân số tỉnh nhà có những chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KKHGĐ tỉnh

 

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.