Nghệ An: Nhiều cách làm hiệu quả trong việc đón công dân từ miền Nam về cách ly tại địa phương

Tiến Đông 15/08/2021 11:02

(Baonghean.vn) - Với mục tiêu đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh khi đón tiếp công dân từ miền Nam trở về, nhiều địa phương ở Nghệ An đã triển khai các biện pháp hiệu quả, tiết kiệm.

Nhường nhà làm điểm cách ly

Có mặt tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), một ngày gần đây, chúng tôi được ông Nguyễn Thế Hải – Phó Chủ tịch UBND xã dẫn đi thực tế một vòng và cho biết, toàn xã Nghi Văn hiện có 150 công dân trở về từ miền Nam đã được cách ly, tập trung ở các xóm 2, 3, 11, 12, 14, 15. Trước thực tế các nhà trường sẽ phải quay trở lại chuẩn bị cho năm học mới trong ít ngày nữa và không thể trưng dụng để làm nơi cách ly tập trung cho người dân trở về từ miền Nam được nên chính quyền địa phương đã đề xuất với huyện cho sử dụng các nhà dân bỏ trống với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt để tổ chức cách ly cho từng nhóm nhỏ từ 3-5 người. Sau khi được huyện đồng ý, xã đã tiến hành khảo sát, lên danh sách những nhà bỏ trống, những nhà được người dân nhường lại ở các xóm phục vụ cho việc cách ly.

Lãnh đạo UBND xã Nghi Văn chỉ đạo lực lượng xung kích cộng đồng kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ các điểm cách ly. Ảnh: Tiến Đông
Lãnh đạo UBND xã Nghi Văn chỉ đạo lực lượng xung kích cộng đồng kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ các điểm cách ly. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi công dân về địa phương, UBND xã Nghi Văn đã bố trí lực lượng, phối hợp với 2 tổ giám sát cộng đồng và phản ứng nhanh tại các xóm để kiểm soát chặt chẽ các địa điểm cách ly. Theo đó, trước khi người dân có nhu cầu từ miền Nam trở về thì phải báo cho gia đình làm đơn đưa ra UBND xã xác nhận và lên danh sách, sau đó chuyển về các xóm để nắm và có phương án sắp xếp, bố trí. Khi đặt chân về quê, công dân sẽ được hướng dẫn đi thẳng về điểm cách ly chứ không dừng lại ở bất cứ nơi nào khác.

Tại nhà ông Phan Văn Quỳnh xóm 14 (Nghi Văn), hiện đang là địa điểm cách ly của 3 người, trong đó có con của ông Quỳnh. Theo ông Nguyễn Văn Xuân – Xóm trưởng xóm 14 thì qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, đây là ngôi nhà độc lập, có tường rào cao bao quanh, có cổng khóa kín và hệ thống thiết yếu đầy đủ nên đã báo cáo xã cho làm địa điểm cách ly. Hàng ngày cổng nhà sẽ được khóa kín do lực lượng xung kích của xóm giữ chìa khóa, chỉ khi nào gia đình tiếp tế thức ăn thì mới mở cổng. Thức ăn tiếp tế được đặt trước cổng, sau khi người cách ly ra nhận thì cổng sẽ tiếp tục được khóa lại.

Sau khi công dân vào cách ly, cổng nhà sẽ được khóa lại và dán bảng cảnh báo giúp người dân biết để tránh lại gần. Ảnh: Tiến Đông
Sau khi công dân vào cách ly, cổng nhà sẽ được khóa lại và dán bảng cảnh báo. Ảnh: Tiến Đông

Tại Nghi Văn, còn có những ngôi nhà có vườn rộng, trong vườn có rau xanh, người dân cách ly có thể tự túc nấu ăn sau khi đã được gia đình tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết. Cụ thể như nhà của anh Trương Văn Mạnh trú tại xóm 11 có 5 người cách ly (bao gồm trẻ con). Anh Mạnh đi làm thuê tại miền Nam, vợ con ở nhà, khi dịch bệnh bùng phát, anh cùng một số người trong xóm thuê xe riêng về quê, trước khi về đã báo với gia đình làm đơn ra chính quyền địa phương xác nhận. Sau đó vợ con anh chuyển sang nhà ông bà ở, nhường nhà lại cho tốp người trở về cách ly.

Nhiều người lo ngại rằng việc cách ly tại nhà sẽ rất khó kiểm soát, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, việc bố trí cách ly tại các nhà bỏ trống góp phần chia nhỏ công dân ra mà không phải tập trung một lượng lớn về một chỗ, tránh nguy cơ lây chéo. Chưa kể người dân khi về quê thường đi theo nhóm nhỏ từ 3-5 người trên một xe và không về cùng một lần, nên cứ nhóm nào về là đưa đến thẳng điểm cách ly cũng rất thuận lợi. Bên cạnh đó, việc cách ly thành từng nhóm cũng giúp cho người dân tiết kiệm được chi phí, ngoài việc ăn uống đã có gia đình tiếp tế thì các nhóm có thể định kỳ xét nghiệm theo mẫu gộp theo quy định.

Một danh sách dài những ngôi nhà bỏ trống đã được chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng cho trường hợp cấp bách khi có nhiều công dân trở về quê. Ảnh: Tiến Đông
Hiện tại, ngoài danh sách công dân trở về địa phương, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 xã Nghi Văn cũng đã có sẵn danh sách những ngôi nhà bỏ trống sẵn sàng đáp ứng cho trường hợp cấp bách khi có nhiều công dân trở về quê. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại, qua theo dõi tại huyện Nghi Lộc, ngoài 212 công dân trở về bằng máy bay và được cách ly tập trung tại TX. Cửa Lò thì tính đến ngày 9/8/2021 còn có 855 người từ vùng dịch trở về đang được cách ly tại 29 xã, thị trấn và các địa điểm khác trên địa bàn huyện.

Theo bà Trần Thị Ánh Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, sau khi nắm bắt tình hình nhu cầu về quê của bà con nhân dân, huyện đã giao cho chính quyền các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, lên phương án để tiếp nhận công dân, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Bà Tuyết cho biết, tùy tình hình thực tế ở một số địa phương, huyện cũng đã giao cho một số xã thí điểm bố trí các ngôi nhà trống để tổ chức cách ly cho công dân và bước đầu cũng đã cho thấy sự hiệu quả trong bối cảnh các trường học đã sắp sửa hoạt động trở lại.

Những mái nhà tranh nghĩa tình

Thời điểm dịch bệnh đang bùng phát tại các tỉnh phía Nam, khi người dân đồng loạt trở về quê, một vấn đề đặt ra cho các địa phương là làm sao phải bố trí được một lúc cho rất nhiều người cách ly tập trung. Ở một số huyện như Yên Thành, Con Cuông, Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu… chính quyền và người dân địa phương đã tổ chức nấu ăn miễn phí để chu cấp cho những người cách ly.

Tại huyện Diễn Châu theo rà soát, hiện có 24.458 công dân đang sinh sống, làm việc trong cả nước. Trong đó đã có 1.766 người đăng ký về quê qua kênh của tỉnh, 2.375 người tự về tại 37 xã, thị trấn bằng các phương tiện cá nhân.

Đón công nhân từ miền Nam về quê bằng đường hàng không. Ảnh: Quang An

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: sau khi nắm bắt nhu cầu trở về quê của người dân, huyện đã chỉ đạo các xã lên kế hoạch đón và thực hiện cách ly theo quy định. Ngoài việc cách ly tại các trường mầm non vì các cơ sở giáo dục này đã được ngành Giáo dục thống nhất tập trung muộn hơn so với các cấp học khác, huyện cũng chỉ đạo các xã sử dụng các nhà văn hóa bỏ trống để làm điểm cách ly, đảm bảo công tác phòng dịch theo quy định. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn, hội tại các địa phương cũng đã tổ chức nấu ăn hỗ trợ những người làm nhiệm vụ tại các khu cách ly và bà con trong khu cách ly, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Không chỉ dừng lại ở việc nấu ăn, hỗ trợ người dân cách ly, nhiều địa phương như Con Cuông, Thanh Chương còn dựng nên những mái nhà tranh để làm điểm cách ly tập trung. Nhà tranh hầu hết được dựng tại sân vận động của các xã, các công trình vệ sinh đi kèm cũng được xây dựng tại góc sân vận động để sau này có thể chuyển thành nhà vệ sinh công cộng phục vụ các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương.

Điểm cách ly được xây dựng mới bằng tranh tre tại xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: PV
Điểm cách ly được xây dựng mới bằng tranh tre tại xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: PV

Tại xã Thanh Phong (Thanh Chương), chính quyền và nhân dân đã vừa hoàn thiện ngôi nhà tranh trị giá hơn 60 triệu đồng với 8 phòng cách ly, mỗi phòng đáp ứng nhu cầu cho khoảng 4-5 người.

Ông Trịnh Xuân Thị - Chủ tịch UBND Xã Thanh Phong chia sẻ: Sau khi rà soát nhu cầu về quê của con em ở miền Nam, từ thực tế của địa phương dù có 10 nhà văn hóa bỏ trống, nhưng có 4 cái nằm trong lòng dân cư và hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng, hơn nữa các trường học thì đến ngày 16/8 phải trả lại để cho các nhà trường chuẩn bị bước vào năm học mới, không thể sử dụng lâu dài. Chính vì thế, xã đã quyết định mua sắm bạt, vận động nhân dân ủng hộ cây tre, lá cọ và ngày công để dựng nhà cho người dân cách ly.

Điểm cách ly được xây dựng bằng tranh tre tại sân vận động xã Thanh Phong (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Đông
Điểm cách ly được xây dựng bằng tranh tre tại sân vận động xã Thanh Phong (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Thị, khi biết xã dựng nhà để đón con em về cách ly, người dân xung quanh đều tham gia ủng hộ, có người ủng hộ vật chất, người thì ủng hộ ngày công để hoàn thiện công trình. Hiện tại, ở xã Thanh Phong, qua rà soát có khoảng 100 người có nhu cầu trở về từ miền Nam. Hiện tại có 47 người đang cách ly tại trường mầm non và Trạm Y tế xã.

Bên cạnh đó, thông qua 21 tổ truy vết và 23 tổ xung kích cộng đồng tại 7 xóm, chính quyền xã Thanh Phong cũng đã nắm bắt được tâm tư con em của 370 hộ đang đi làm ở khu vực miền Nam, đồng thời cam kết với chính quyền về việc nếu không cần thiết thì không về quê, nếu về thì phải báo cho chính quyền được biết.

Bên trong khu cách ly tại xã Thanh Phong đủ đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho người dân khi về quê tránh dịch. Ảnh: Tiến Đông
Bên trong khu cách ly tại xã Thanh Phong đủ đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho người dân khi về quê tránh dịch. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Thanh Chương đã có hơn 750 người từ các tỉnh miền Nam trở về quê, sau đó đã được cách ly tại 38 xã, thị trấn. Hầu hết các trường hợp này đều được cách ly tại các xã, chưa phải sử dụng điểm cách ly tập trung của huyện. Ngoài một số xã như Cát Văn, Thanh Phong xây dựng nhà tranh làm điểm cách ly, hầu hết các xã khác đang cách ly công dân tại Trường Mầm non, sau khi các trường quay trở lại tập trung thì huyện sẽ tiếp tục lên các phương án cách ly mới.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều cách làm hiệu quả trong việc đón công dân từ miền Nam về cách ly tại địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO