Nghệ An nỗ lực ứng phó với hạn hán, nắng gắt

Phú Hương (thực hiện) 13/06/2020 10:05

(Baonghean.vn) - Nắng nóng gay gắt, nguồn nước thiếu hụt là những khó khăn mà sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt. Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về những giải pháp của ngành trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều diện tích chưa được gieo trồng do nắng hạn

PV: Thưa ông, sản xuất nông nghiệp của Nghệ An đang phải đối mặt với những khó khăn như thế nào trong tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Lập: Đến nay, ngoài cây lúa hiện đã gieo cấy được hơn một nửa diện tích, thì các loại cây trồng khác như ngô, lạc, vừng, rau đều mới chỉ gieo trồng được một phần nhỏ so với kế hoạch sản xuất hè thu - mùa.

Nhiều diện tích lúa ở Hưng Nguyên bị khô hạn. Ảnh: Việt Phương
Huyện Hưng Nguyên là địa phương thường xuyên bị khô hạn. Ảnh:Thu Huyền

Hiện tại, đang là thời kỳ cao điểm cấp nước tưới cho sản xuất vụ hè thu - mùa để phục vụ gieo trồng cũng như tưới dưỡng. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay đã gây những tác động tiêu cực. Trên địa bàn toàn tỉnh, nắng nóng kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh đã làm nhiều loại cây trồng bị hạn. Nhiều vùng do khô hạn, thiếu nước nên không thể sản xuất.

Tại các địa phương như Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Con Cuông một số diện tích lúa đã gieo cấy đang bị hạn, một số vùng do hạn hán thiếu nước nên chưa thể tiến hành gieo cấy.

Tổng diện tích lúa đã gieo cấy đang bị hạn là 4.460 ha, trong đó: Yên Thành 500 ha, Nghi Lộc 1.660 ha, Hưng Nguyên 800 ha, Đô Lương 1.500 ha. Tổng diện tích bị hạn chưa thể gieo cấy là 2.433 ha, trong đó: Yên Thành 500 ha, Nghi Lộc 1.500 ha, Hưng Nguyên 160 ha, Đô Lương 243 ha và Diễn Châu 30 ha.

PV: Trong tình hình nắng nóng như vậy, khả năng đáp ứng nhu cầu tưới của hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lập: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ thời tiết nắng nóng vẫn còn tiếp tục duy trì trên địa bàn Nghệ An với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 - 40oC, nơi cao trên 40oC. Trong khi đó, hiện nay nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi do doanh nghiệp quản lý chỉ có 2 hồ đầy nước, còn lại chỉ đạt 50 – 70 % dung tích thiết kế; các hồ chứa do xã, HTX quản lý lượng nước còn lại chỉ ở mức khoảng 30 - 55%. Trong khi nhu cầu nước tưới hiện rất cao, nguồn nước khả năng lớn khó đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới.

Một số diện tích chanh ở Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên bị khô cháy. Ảnh Thu Huyền
Một số diện tích chanh ở Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên bị khô cháy. Ảnh: Thu Huyền

Tăng cường giải pháp chống hạn

PV: Vậy để đảm bảo kế hoạch sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng hạn trong điều kiện khó khăn hiện nay, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp và khuyến cáo gì với các địa phương và bà con nông dân?

Ông Nguyễn Văn Lập: Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng gây ra, bảo vệ tốt những diện tích cây trồng đã gieo trồng cũng như khép kín diện tích theo kế hoạch, đề nghị UBND các huyện, thành, thị phối hợp với các công ty thủy lợi, tập trung nạo vét kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp yêu cầu của cây trồng.

Đồng thời chuẩn bị các thiết bị, máy bơm dầu, bơm dã chiến tận dụng mọi nguồn nước để bơm tưới phục vụ sản xuất, ưu tiên nước tưới dưỡng cho những diện tích đã gieo trồng. Có kế hoạch chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.

Nhiều diện tích ruộng ở Đô Lương chưa gieo cấy được do chưa có nước. Ảnh Phú Hương
Nhiều diện tích ruộng ở Đô Lương chưa gieo cấy được do chưa có nước. Ảnh Phú Hương

Đối với cây lúa, trên những diện tích đã được gieo cấy, căn cứ vào đặc điểm sinh lý, nhu cầu về nước của cây lúa ở từng giai đoạn sinh trưởng, hướng dẫn nông dân thực hiện kỹ thuật tưới nước tiết kiệm theo “Nông - Lộ - Phơi”, không để lúa khô chết do thiếu nước. Thời vụ hè thu hiện chỉ còn 1 tuần nữa, đến ngày 20/6 là kết thúc. Vì vậy những vùng chưa cấy phải khẩn trương tận dụng nước tận thu để tập trung cấy kịp thời vụ, tuyệt đối không gieo trồng trên những diện tích nước tưới chưa đảm bảo.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Isarel ở Hội Sơn, Anh Sơn. Ảnh Thu Huyền
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Lập kiểm tra mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Isarel ở Hội Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Với gần 2.500 ha chưa thể gieo cấy do thiếu nước, thì phân ra từng vùng cụ thể để có phương án phù hợp: Trên vùng hè thu chạy lụt, những diện tích cuối kênh, hóc chọ, đất sét… hiện khô nước nhưng nếu mưa xuống sẽ bị ngập, không thể chuyển đổi sang cây màu, phải chuẩn bị sẵn nguồn mạ già để cấy ngay sau khi có mưa, hoặc sử dụng giống cực ngắn để gieo sạ.

Ở vùng vàn cao hơn, chuyển sang sản xuất lúa mùa, nếu mạ quá già thì hủy và dùng giống có thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày để gieo cấy. Riêng những vùng hồ đập khả năng không đủ nước thì không gieo cấy lúa mà chuyển sang trồng cây màu khác như ngô sinh khối, đậu các loại nhằm đảm bảo gieo trồng hết diện tích và sản xuất an toàn.

Lưu ý là các địa phương cần chủ động liên hệ với các công ty để chuẩn bị giống lúa ngắn ngày dự phòng.

Thiếu nước tưới dưỡng, nhiều diện tích lúa ở Nghi Phương, Nghi Lộc khô héo. Ảnh Thu Huyền
Thiếu nước tưới dưỡng, nhiều diện tích lúa ở Nghi Phương, Nghi Lộc khô héo. Ảnh: Thu Huyền

PV: Với các loại cây trồng khác thì cần giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lập: Hiện diện tích ngô đã gieo trồng mới đạt chưa đầy 30% kế hoạch, nên những nơi đất đủ ẩm như ở vùng bãi, cần tập trung gieo để khi ngô lên gặp mưa sẽ phát triển. Nếu đất không đủ ẩm thì phải chờ vì hoàn toàn phụ thuộc nước trời, tuy nhiên phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đất, giống, vật tư phân bón để ngay khi có mưa mà thời vụ vẫn còn thì khẩn trương gieo trồng; nếu không còn thời vụ thì chuyển từ ngô hè sang ngô thu nhằm đảm bảo diện tích theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra cần lựa chọn các giống ngắn ngày, trồng ngô làm thức ăn cho bò và sử dụng các giống có khả năng chống chịu với sâu keo mùa thu hoặc luân canh sang các cây trồng khác có thời gian sinh trưởng ngắn hơn như đậu các loại.

Lãnh đạo tỉnh, sở Nông nghiệp kiểm tra tình hình sản xuất ở cơ sở. Ảnh Phú Hương
Lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp kiểm tra tình hình chống hạn cho cây ăn quả để kịp thời có giải pháp ứng cứu. Ảnh: Phú Hương

Với diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả, bà con cần tủ gốc để giữ ẩm, khoan giếng ở những nơi có mạch nước ngầm, phát triển mạng lưới bơm nhỏ hoặc đắp các bể chứa nhỏ để tưới. Riêng đối với cây chè, ngoài các biện pháp nêu trên thì trong thời gian nắng hạn không hái chè bằng máy và phải dừng hái chè khi nắng hạn kéo dài, chấp nhận mất lứa thu hoạch để giúp chè chống chịu tốt hơn với tình hình hạn hán khốc liệt hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất

x
Nghệ An nỗ lực ứng phó với hạn hán, nắng gắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO