Xã hội

Nghệ An nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Chi 26/09/2024 08:54

Thiệt thòi lớn của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là việc tiếp cận các thông tin, kiến thức mọi mặt hạn chế, cùng với tư tưởng, tâm lý về giới, làm cản trở sự phát triển của họ. Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp ở Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

 Chị em phụ nữ huyện Tương Dương
Phụ nữ huyện xã Tam Đình (huyện Tương Dương) lưu giữ nghề dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Ảnh: Mai Hoa

Tạo điều kiện để phụ nữ tự tin vươn lên

Ở bản Cà, xã Châu Quang (Quỳ Hợp), chị Lương Thị Lý có hoàn cảnh khá khó khăn, vốn là hộ nghèo của bản. Xây dựng gia đình từ “hai bàn tay trắng”, khi có thêm 2 đứa con, đặc biệt con trai đầu của chị bị bệnh thiếu máu, hàng tháng phải đi viện tuyến tỉnh để điều trị, cuộc sống gia đình lại càng khó khăn.

Chị Lương Thị Lý chia sẻ: Cuộc sống gia đình cứ “cầm cự” như vậy; đến năm 2019, được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi và hỗ trợ vay vốn ngân hàng do Hội Phụ nữ quản lý, gia đình chị mua 2 con bò sinh sản và làm chuồng trại. Quá trình nuôi đó, cán bộ Hội Phụ nữ thường xuyên lui tới động viên, hướng dẫn thêm kiến thức chăn nuôi. Dịp lễ, Tết, hay có nguồn hỗ trợ nào, Hội Phụ nữ và cả hệ thống chính trị ở địa phương đều ưu tiên dành cho gia đình, tạo động lực để gia đình chị vươn lên.

Từ 2 con bò, sau 5 năm, gia đình chị Lý có tổng 12 con bò; trong đó đã bán 6 con có giá trị hơn 120 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng và sửa chữa nhà ở, mua sắm các vật dụng ti vi, tủ lạnh... Hiện nay, ngoài tài sản cùng 6 con bò, vợ chồng chị Lý làm ruộng vườn, cùng nguồn thu nhập của đứa con thứ 2 đã đi làm, tạo cuộc sống gia đình ổn định và thoát khỏi hộ nghèo.

 Cán bộ Hội Phụ nữ xã
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) gặp gỡ, trao đổi với vợ chồng chị Lương Thị Lý về phát triển kinh tế; Hiện gia đình chị Lý đang duy trì nuôi 6 con bò. Ảnh: Mai Hoa

Còn đối với chị Lương Thị Hồng, ở bản Na Tỳ, xã Châu Thôn (Quế Phong), từ được tham gia các cuộc truyền thông, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, về nuôi dạy con, về xây dựng gia đình hạnh phúc và những tấm gương phụ nữ vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, chị đã dần thay đổi về nhận thức, tư duy. Bắt đầu từ năm 2020, chị Hồng tham gia tổ hợp tác xã chăn nuôi vịt bầu do Hội Phụ nữ xã triển khai và được hỗ trợ 50 con vịt giống cùng thức ăn. Từ lứa vịt đầu tiên có lãi, các lứa sau, chị tăng đàn dần và sau 1 năm, chị nuôi mỗi lứa hơn 300 con vịt bầu và mỗi năm nuôi 4 lứa, với tổng mỗi năm xuất bán hơn 1.200 con, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng. Khi có kiến thức và có tiền chăn nuôi vịt, gia đình chị Hồng còn mở bán hàng tạp hóa, kết hợp với cải tạo vườn trồng rau, đào ao thả cá để cải thiện cuộc sống.

Mô hình nuôi vịt bầu của phụ nữ xã Châu Thôn, huyện Quế Phong.
Mô hình nuôi vịt bầu của gia đình chị Lương Thị Hồng, xã Châu Thôn (huyện Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa

Điều đáng quý ở chị Lương Thị Hồng, theo chia sẻ của bà Lương Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Thôn: “Không chỉ có ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình, mà từ sự thấu hiểu những khó khăn của chính mình trước đây do thiếu kiến thức, thiếu vốn, nên chị Hồng đã rất tích cực cùng với tổ chức Hội tham gia tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm và vận động chị em làm kinh tế, vận động chị em gửi tiền tiết kiệm định kỳ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo làm kinh tế, thoát nghèo".

 Phụ nữ xã
Phụ nữ xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào phục vụ khách du lịch: Sản phẩm dệt thổ cẩm và đan lát của chị em xã Yên Khê (huyện Con Cuông). Ảnh: Mai Hoa

Những nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ

Thiệt thòi của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là việc tiếp cận các thông tin, kiến thức mọi mặt hạn chế, cùng với tư tưởng, tâm lý về giới, làm cản trở sự phát triển của họ. Từ sự thấu hiểu đó, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp ở Nghệ An đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành, tạo ra sự thay đổi về nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Ở huyện Quế Phong, hoạt động tập trung của các cấp Hội Phụ nữ là truyền thông, nâng cao kiến thức mọi mặt cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; gắn với tổ chức các câu lạc bộ, mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tập hợp, thu hút cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, như câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo; mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch”; mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh-sạch-đẹp ”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống…

 Thông qua tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, nhiều bản, làng biên giới Quế Phong đang đổi thay. Ảnh- Mai Hoa
Thông qua tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, nhiều bản, làng biên giới Quế Phong đang đổi thay. Ảnh: Mai Hoa

Bà Lang Thị Nhân - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện Quế Phong khẳng định: Thông qua các hoạt động đã góp phần tạo bước thay đổi lớn về nhận thức, tư duy và hành động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã biết sắp xếp cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo (trong vòng hơn 2 năm gần đây đã có 82 gia đình do phụ nữ làm chủ thoát nghèo); đồng thời tích cực tham gia các phong trào xã hội, nổi bật là tham gia vệ sinh môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào, bảo vệ an ninh biên giới…

Ở huyện Quỳ Hợp, theo chia sẻ của bà Trương Thị Bích Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, để tạo thay đổi về cách nghĩ, cách làm, trước hết phải cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức mọi mặt cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cho nên, công tác phổ biến các chủ trương, chính sách và các kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình cách thức tổ chức cuộc sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan... được các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Quỳ Hợp coi trọng.

_ Hoạt động truyền thông về định kiến giới tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp. Ảnh- Mai Hoa
Hoạt động truyền thông về định kiến giới tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài tổ chức các hoạt động truyền thông quy mô cấp huyện, cấp xã; các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Quỳ Hợp phối hợp với các cấp, ngành đưa các hội nghị về tận các thôn, bản; gắn với tổ chức thành lập 72 “Tổ truyền thông cộng đồng” nhằm phát huy vai trò những người ở thôn, bản vào cuộc tuyên truyền, vận động theo hình thức thường xuyên, liên tục “mưa dầm, thấm lâu” để tạo ra sự thay đổi về nhận thức, từ đó tạo ra hành động trong hội viên, phụ nữ.

 Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội LHPN tỉnh Nghệ An khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Quỳ Châu.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội LHPN tỉnh Nghệ An khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: Mai Hoa

Bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, đối thoại, diễn đàn, tổ chức các hội thi, câu lạc bộ… Triển khai Dự án 8, thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; toàn tỉnh đã thành lập 257 “Tổ truyền thông cộng đồng”; 28 “địa chỉ tin cậy”; 31 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức 30 cuộc đối thoại chính sách… Thông qua các hoạt động này, vừa xây dựng mối quan hệ, tạo ra sự gắn kết giữa cán bộ Hội các cấp với hội viên, phụ nữ, đồng thời giải quyết một số vấn đề chung của phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là định kiến giới; bạo lực gia đình; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vi phạm pháp luật.

Nhiều hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được các cấp Hội chú trọng. Tính từ năm 2022 đến nay, đã thành lập 5 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Phụ nữ làm chủ; đồng thời hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ các gia đình do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, cận nghèo và hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

 Hoạt động truyền thông dành cho học sinh trung học phổ thông của Hội Phụ nữ huyện Quỳ Hợp.
Hoạt động truyền thông, nâng cao hiểu biết về pháp luật, về bình đẳng giới và chăm sóc sức khoẻ dành cho nữ học sinh trung học phổ thông do Hội Phụ nữ huyện Quỳ Hợp tổ chức. Ảnh: Mai Hoa

Để tiếp tục tạo ra sự thay đổi về nếp nghĩ, cách làm tích cực, tiến bộ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ hướng mạnh về cơ sở, chăm lo địa bàn khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ Hội các cấp tiếp tục triệt để thực hiện “3 cùng”: cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo; tập trung xây dựng, lan tỏa các giá trị cốt lõi của tổ chức Hội “Đoàn kết, nhân văn, sáng tạo, khát vọng, phát triển”.

Mới nhất
x
x
Nghệ An nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO