Nghệ An: Sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc Cam Vinh

12/04/2017 11:07

(Baonghean.vn) - Cam Vinh đã trở thành một thương hiệu mạnh của Nghệ An. Vậy làm thế nào để nâng cao chuỗi giá trị của cam Vinh trong sự cạnh tranh gay gắt của nhiều sản phẩm cam hiện nay là vấn đề được UBND tỉnh Nghệ An họp bàn vào ngày 12/4.

Còn lúng túng trong quản lý?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thị có vùng trồng cam: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, TX Thái Hòa.

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Cam là sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Nghệ An và từng được xuất khẩu đến nhiều nước trong thế kỳ XX và hiện nhiều hộ, nhiều vùng đã giàu lên nhờ trồng cam. Vậy vấn đề đặt ra là nâng cao giá trị của cam như thế nào? Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực phối hợp chặt chẽ của các sở ngành và UBND các huyện, thị cùng người trồng cam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc họp. Đề nghị các cấp ngành, doanh nghiệp HTX, người trồng cam chung sức phát huy giá trị cam Vinh. Ảnh Nguyên Sơn
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc họp. Đề nghị các cấp ngành, doanh nghiệp HTX, người trồng cam chung sức phát huy giá trị cam Vinh. Ảnh Nguyên Sơn

Báo cáo của Sở KHCN, từ năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700 ha, nhưng trên thực tế, hiện có hơn 6.400 ha với nhiều địa bàn, giống cam. Đến nay, tỉnh quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 ha. Việc quản lý quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã nêu thực tế về việc quảng bá thương hiệu, yếu tố cần thiết là mỗi vùng trồng cam, dựa trên đặc trưng khí hậu, chất đất để xây dựng nhãn hiệu (nằm trong chỉ dẫn cam Vinh chung) cũng như cách thức giới thiệu sản phẩm. Thế nhưng ai đứng ta tổ chức? Mặc dù, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam Vinh được thành lập từ năm 2010, thế nhưng lại chưa có quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ chế hoạt động và không được kiện toàn hàng năm.

Cam Vinh được thị trường trong nước ưa chuộng, có giá cao gấp đôi so với cam ở các tỉnh khác. Ảnh Nguyên Sơn
Cam Vinh được thị trường trong nước ưa chuộng, có giá cao gấp đôi so với cam ở các tỉnh khác. Ảnh Nguyên Sơn

Cùng đó, việc dán tem nhãn mác hàng hóa chưa được người dân quan tâm, chưa có những doanh nghiệp mạnh cùng người trồng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong trồng cam, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được người dân nâng cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Xung quanh vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Lập – Phó giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh cần chỉ đạo chặt chẽ trong triển khai quản lý chất lượng, có thể thành lập tổ tư vấn về cấp tem, nhãn mác sản phẩm, quản lý bộ giống đang là thế mạnh của Nghệ An.

Về cơ chế chính sách, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cam như quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và tiêu thụ cam.

Chính sự nổi tiếng của thương hiệu cam Vinh, nên những năm gần đây, hầu hết các hộ trồng cam ở Nghệ An đang “mạnh ai người ấy làm”. Nguyên do một phần vì từ trước tới nay, sản phẩm cam quả trên địa bàn có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí có những thời điểm cháy hàng. Điển hình như năm trước, thời điểm gần tết Nguyên đán, một kg cam giá lên đến từ 100.000 – 120.000 đồng tại vườn mà ít ai còn hàng để bán. Có phải vì vậy mà các hộ trồng cam còn “kiêu” không cần quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, không cần liên kết trong sản xuất và tiêu thụ? Hay do thiếu sự quan tâm, thúc đẩy của chính quyền và các HTX, doanh nghiệp?

Toàn cảnh cuộc họp bàn giải pháp nâng cao giá trị cam Vinh. Ảnh Nguyên Sơn
Toàn cảnh cuộc họp bàn giải pháp nâng cao giá trị cam Vinh. Ảnh Nguyên Sơn

Cần những giải pháp cho cam phát triển bền vững

Tham dự cuộc họp, có một số doanh nghiệp, HTX sản xuất cam trên địa bàn phát biểu đề xuất các sở ngành cần có các giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm cam để đảm bảo sự bền vững, bởi thương hiệu cam Vinh đang được thị trường trong nước ưa chuộng. Cùng đó, cần quản lý chặt và có những khuyến cáo thường xuyên đối với các hộ trồng cam trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, qua đó đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng sản phẩm an toàn.

Còn ông Nguyễn Giang Hoài – Giám đốc Cty nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ cho rằng, để quản lý chất lượng cam Vinh, cùng với dán tem, nhãn cho cam, tỉnh cần tổ chức cho các hộ đăng ký và dán tem theo công nghệ truy xuất nguồn gốc sản xuất đến từng vườn bằng điện thoại di động.

Ông Nguyễn Giang Hoài – Giám đốc Cty nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ cho rằng cần dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc sản xuất cam. Ảnh Nguyên Sơn
Ông Nguyễn Giang Hoài – Giám đốc Cty nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ cho rằng cần dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc sản xuất cam. Ảnh Nguyên Sơn

Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, mặc dù có tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích trồng cam như vậy nhưng công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, từ việc thành lập hiệp hội, đến việc quản lý quy hoạch và đưa người dân vào các hiệp hội đó để đảm bảo sự bền vững thương hiệu. Điều đáng nói là những người trồng cam chưa có sự đóng góp nào vào ngân sách nhà nước, chưa gắn kết với doanh nghiệp, cũng như chưa có trách nhiệm với chính sản phẩm của mình khi có một số hộ mua cam nơi khác về trà trộn với cam Quỳ Hợp.

Hiện có trên 6.400 ha cam với các giống chất lượng cao được trồng trên địa bàn Nghệ An. Ảnh tư liệu
Hiện có trên 6.400 ha cam với các giống chất lượng cao được trồng trên địa bàn Nghệ An. Ảnh tư liệu

Một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay, nhiều hộ đầu tư trồng cam ngoài quy hoạch, chồng lấn với quy hoạch cây trồng khác nhưng các địa phương chưa thể quản lý, điều chỉnh. Cây cam vốn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng rất khắt khe về điều kiện đất đai, khí hậu, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Chính vì vậy, cùng với xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm thì việc quản lý chặt chẽ quy hoạch cây cam cũng góp phần bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đề nghị các sở: KHCN, NN&PTNN, Công thương và các huyện cần vào cuộc tích cực với doanh nghiệp, HTX, người trồng cam để tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm cam. Bởi đây là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Cùng đó tăng cường công tác kiểm soát chất lượng từ sản xuất đến bảo quản, tiêu thụ. Quá trình đó cần chú trọng in mẫu mã tem, nhãn hàng hóa cho cam theo hướng dễ hiểu, dễ truy xuất nguồn gốc sản xuất và tuyên truyền sâu rộng về sản phẩm cam của Nghệ An. Tỉnh sẽ tổ chức một số lễ hội, hội chợ, tạo thuận lợi cho sản phẩm cam lan tỏa thương hiệu, công việc này gắn với các hoạt động của ngành du lịch, văn hóa.

Video kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường

UBND tỉnh cũng sẽ quyết định thành lập ban chỉ đạo phát triển thương hiệu cam Vinh, từ đó tích cực triển khai các giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Sở KHCN và các ngành phối hợp để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh một số chính sách khuyến khích phát triển cây cam, cùng đó chấn chỉnh, kiện toàn Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam. Ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị để khảo sát cụ thể hơn, đề xuất điều chỉnh quy hoạch trồng cam cho phù hợp với thực tế phát triển.

» Nông dân Nghệ An sản xuất thành công rượu cam thượng hạng

» Cam Vinh - Nức tiếng vùng đặc sản

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc Cam Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO