Nghệ An sẽ trình ban hành chính sách hỗ trợ công an xã bán chuyên trách không tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Sáng 26/11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung tờ trình Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Phạm Thành Chung - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì, điều hành. Cùng dự có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; cùng các cơ quan soạn thảo.
Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Đây là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo luật định, lực lượng này có 6 nhiệm vụ, gồm: hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh được thành lập 3.797 tổ bảo vệ an ninh, trật tự với tổng quân số 11.424 người trên cơ sở lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng trước đây.
Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cấp tỉnh tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh vào sáng 1/7/2024.
Theo số liệu của Công an tỉnh, số lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng dôi dư không kiện toàn được vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An ít nhất là 786 người.
Ngoài ra, một số người không còn nhu cầu tiếp tục tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự sau khi Lực Lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 như sau: Công an xã bán chuyên trách 52 người; Trưởng ban Bảo vệ dân phố, Phó trưởng ban Bảo vệ dân phố 12 người; Tổ viên Tổ bảo vệ dân phố 52 người; Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng 4.310 người.
Trong sáng nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết về ban hành chính sách hỗ trợ công an xã bán chuyên trách không tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đề xuất của UBND tỉnh, đối với công an xã bán chuyên trách có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng hỗ trợ thôi việc một lần, mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng; còn những người có thời gian công tác dưới 15 năm được hưởng hỗ trợ thôi việc một lần, mỗi năm công tác được tình bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng, tối đa không qua 10 tháng.
Cũng trong sáng nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định mức chi bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm: Chi trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; chi công tác tập huấn, diễn tập, hội thi, sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng là cần thiết, có cơ sở pháp lý.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh năm 2024, định hướng năm 2025 về các công tác: Cải cách hành chính; đảm bảo an toàn giao thông; đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời thẩm tra các báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh về công tác của ngành năm 2024.