Công an Nghệ An tìm người gửi tiền vào Doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm (huyện Yên Thành)
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang giải quyết nguồn tin về tội phạm tố giác vợ chồng chủ Doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn.
Ngày 21/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang giải quyết nguồn tin về tội phạm của ông Võ Duy Long và các công dân trú tại huyện Yên Thành, tố giác vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Tám, (54 tuổi) và bà Đậu Thị Nhâm, (52 tuổi, cùng trú tại xóm 2, xã Công Thành, huyện Yên Thành).
Cặp vợ chồng này là chủ Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Tám Nhâm, bị tố cáo có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm bằng “Sổ tiết kiệm” với lãi suất 9,6 %/năm. Tuy nhiên, sau đó đến thời hạn trả lại tiền gốc và tiền lãi mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng vợ chồng ông Tám bà Nhâm cố tình không trả nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ việc xảy ra vào năm 2015 - 2016 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thông báo cho người dân ai là người đã gửi tiền thông qua hình thức ghi “Sổ tiết kiệm” tại Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Tám Nhâm ở xóm 2 (xóm Ngã Tư cũ, xã Công Thành, Yên Thành), từ năm 2015 đến nay mà vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Tám và bà Đậu Thị Nhâm là chủ doanh nghiệp, chưa trả lại đủ số tiền gốc gửi tiết kiệm, đồng thời chưa đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để gửi đơn tố giác về tội phạm và làm việc ghi lời khai.
Chi tiết liên hệ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, địa chỉ: xóm 13A, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An để trình báo và làm việc. Mọi thông tin liên hệ qua đồng chí Nguyễn Hồng Thành - Điều tra viên Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An - SĐT: 0973.717.598.
Một nguồn tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, động thái này nhằm tìm thêm người tố giác tội phạm. "Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra chưa khởi tố vụ án mà chỉ mới phục hồi điều tra. Vẫn chưa có kết luận vụ việc này là hình sự hay dân sự", nguồn tin này nói.
Trước đó, Báo Nghệ An đã có nhiều bài phản ánh dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp vàng bạc này. Cuối năm 2023, hàng chục hộ dân thường xuyên có mặt trước cổng cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Tám để mong nhận được tiền nợ. Họ mang theo nhiều băng rôn, căng trước cửa hàng yêu cầu chủ doanh nghiệp này trả lại tiền. Chính quyền địa phương vì thế phải thường xuyên cắt cử lực lượng chức năng để đảm bảo an ninh, trật tự, tránh xô xát giữa hai bên. Đây là vụ việc kéo dài suốt nhiều năm qua ở vùng quê này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gần 10 năm trước, người dân ở các xã như Mỹ Thành, Công Thành... đổ xô mang tiền đến gửi tại Doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm do vợ chồng ông Tám làm chủ. Sau khi gửi tiền, họ được chủ doanh nghiệp này cấp cho 1 cuốn “sổ tiết kiệm” do doanh nghiệp tự in, bên trong ghi rõ số tiền gửi, thời gian gửi và lãi suất 9,6%/năm.
Tuy nhiên, đến năm 2016, gia đình ông Tám bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, khiến hàng trăm hộ dân khác điêu đứng vì trót gửi tiền nhưng không thể lấy lại. Hầu hết nạn nhân đều là nông dân, người nhiều thì mang hết tài sản hơn 1 tỷ đồng đến gửi, người ít thì vài chục triệu đồng.
Gần đây, một trong những nạn nhân phát hiện vợ chồng ông Tám dù tuyên bố vỡ nợ, nhưng vẫn còn đứng tên rất nhiều tài sản, trong đó có 4 lô đất, nên tiếp tục kéo đến để đòi, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa số tài sản này, ngăn chặn hành vi tẩu tán.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An vào đầu năm 2024, ông Nguyễn Vĩnh Tám thừa nhận, ông vẫn đang nợ tiền những hộ dân này. “Tuy nhiên, tôi cũng là nạn nhân của những người khác”, ông Tám nói. Ông Tám kể, trước đây ông kinh doanh tiệm vàng bạc, dư giả nhiều tiền nên mở dịch vụ cho vay và nhận tiền gửi. Trong quá trình này, vợ chồng ông cũng tham gia phường hụi. Tuy nhiên, năm 2015, một người đàn bà trú ở xã Liên Thành đã ôm toàn bộ gần 20 tỷ đồng tiền phường và còn vay thêm vợ chồng ông Tám gần 2 tỷ đồng rồi trốn khỏi nơi cư trú.
“Có tới 60 người đang vay nợ tiền của vợ chồng chúng tôi nhưng không trả, lên tới hàng chục tỷ đồng. Còn tiền bà con gửi ở chỗ chúng tôi, kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng khắc phục, trả được cho người dân hơn 22 tỷ đồng. Bây giờ còn nợ của họ khoảng 9 tỷ đồng nữa”, ông Tám nói.
Trong khi đó, phía người dân không đồng tình với quan điểm của ông Tám. “Ông Tám cho rằng, vợ chồng ông cũng là nạn nhân của người khác, nên muốn người dân chúng tôi chia sẻ rủi ro với ông ấy, chờ đòi được tiền mà bà Thương đã vay của ông thì sẽ lấy tiền đó trả cho chúng tôi. Nhưng đây là tiền chúng tôi gửi cho vợ chồng ông Tám để lấy lãi, chứ đâu phải đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp ông ấy đâu mà phải chia sẻ rủi ro đó. 2 vụ việc không liên quan đến nhau”, một trong những người dân đang bị vợ chồng ông Tám vay tiền nói và cho hay, vợ chồng ông Tám vẫn chưa bán hết tài sản để trả cho họ, cụ thể là vẫn còn nhiều lô đất đang đứng tên. Vì vậy, những người này đề nghị ông Tám bán đất để lấy tiền trả hết cho những người đã tin tưởng gửi tiết kiệm vào đây nhưng vẫn không được chấp nhận./.