Nghệ An: Siết chặt hoạt động mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép

K.L 19/08/2021 07:48

(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, Nghệ An được coi là điểm nóng về buôn bán, tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và trực tiếp xử lý tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã.

Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã, động vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.

Hai đối tượng trú tại Hương Sơn, Hà Tĩnh bị bắt giữ cùng số tang vật là 7 cá thể hổ. Ảnh Văn Trường.
Hai đối tượng trú tại Hương Sơn, Hà Tĩnh bị bắt giữ cùng số tang vật là 7 cá thể hổ. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Điển hình như vào 04 giờ ngày 1/8, tại Km 421+200 Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh bắt giữ 2 đối tượng: Trần Trung Hiếu (SN 1984), Nguyễn Văn Lai (SN 1967) cùng trú tại Hương Sơn, Hà Tĩnh đi xe ô tô 7 chỗ, BKS 37A - 032.58 vận chuyển trái phép 7 cá thể hổ đang sống có tổng trọng lượng khoảng 33kg.

Khi tổ công tác áp sát được xe của 2 đối tượng vận chuyển hổ thì các đối tượng đã lùi xe vào xe ô tô của tổ công tác. Ảnh Đ.C
Khi tổ công tác áp sát được xe của 2 đối tượng vận chuyển hổ thì các đối tượng đã lùi xe vào xe ô tô của tổ công tác. Ảnh tư liệu Đ.C

Số hổ con nói trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, được vận chuyển từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) về Nghệ An tiêu thụ.

Cùng ngày tại xóm 8, xã Diễn Lâm (Diễn Châu), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) đã phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép 4 cá thể tê tê có trọng lượng 21kg. Trong ngày, 4 cá thể tê tê này nhanh chóng được lực lượng chức năng bàn giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát để chăm sóc, bảo tồn.

Phòng Cảnh sát môi trường giải cứu 04 cá thể tê tê vào ngày 01.8.2021 (ảnh Xuân Bắc)
Phòng Cảnh sát môi trường giải cứu 04 cá thể tê tê vào ngày 01/8/2021. Ảnh: Xuân Bắc

Tiếp đó, vào khoảng 10 giờ ngày 29/1, đối tượng Bùi Đình Quốc (SN 1985) trú tại Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang vận chuyển 3 cá thể tê tê đến địa phận xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) thì bị lực lượng Cảnh sát Môi trường và Công an huyện Hưng Nguyên bắt giữ.

Ngoài mua bán, vận chuyển, ở một số địa bàn như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu còn nổi lên tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Điển hình rạng sáng 4/8/2021, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở nuôi nhốt hổ trong nhà dân trên địa bàn xã Đô Thành (Yên Thành), thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành.

Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

17 con hổ do người dân nuôi nhốt ở Yên Thành. Ảnh CSCC
17 con hổ do người dân nuôi nhốt ở Yên Thành. Ảnh tư liệu: CSCC

Tại các địa bàn miền núi, mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt để răn đe nhưng vẫn còn diễn ra các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn động vật hoang dã của người dân sống gần rừng, nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm và bán ra thị trường nội vùng.

Vào hồi 11 giờ 45 phút ngày 11/11/2020, Công an huyện Quế Phong phối hợp cùng Đồn Biên phòng Thông Thụ kiểm tra hành chính xe ô tô bán tải (màu xám) nhãn hiệu Ford Ranger mang BKS 37C - 234.23, qua đó phát hiện trên xe chứa nhiều động vật hoang dã, bao gồm: 8 cá thể chồn và 1 cá thể hoẵng với tổng trọng lượng là 45kg. Số động vật nói trên đều đã chết và thuộc danh mục động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm 2B.

Đối tượng Phạm Đình Dũng (X) cùng số cá thể động vật hoang dã tại cơ quan Công an. Ảnh: Quỳnh Chi
Đối tượng Phạm Đình Dũng (X) cùng số cá thể động vật hoang dã tại cơ quan Công an. Ảnh tư liệu: Quỳnh Chi

Người điều khiển chiếc ô tô khai nhận tên là Phạm Đình Dũng (SN 1966), trú tại xã Tiền Phong (Quế Phong). Số cá thể động vật hoang dã trên được Dũng mua từ một người dân ở xã Thông Thụ với giá 7,5 triệu đồng nhằm mục đích đưa về để sử dụng trong đám cưới.

Còn trên địa bàn xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) hiện có một số đối tượng sử dụng các công cụ tinh vi để săn bắt động vật trái phép, đặc biệt là loài chim. Điển hình ngày 16/7/2021, UBND và Công an xã Huồi Tụ đã xử lý hành chính, cảnh cáo, nhắc nhở đối tượng P.V.D trú ở thị trấn Mường Xén có hành vi săn bắt chim trái phép tại địa bàn Huồi Tụ.

Đối tượng này đã dùng xe máy gắn công cụ bẫy âm thanh nhử các loại chim bay đến, rồi dùng nhựa dính để bắt các cá thể chim tự nhiên. Người dân trên địa bàn phát hiện hành động này và báo với lực lượng công an.

Đối tượng dùng phương tiện
Đối tượng dùng phương tiện xe máy gắn công cụ bẫy âm thanh nhử các loại chim. Ảnh tư liệu: CSCC

Bên cạnh đó lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che giấu danh tính qua các trang mạng xã hội, nhiều người thường xuyên rao bán các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã, động vật quý hiếm trên các nhóm kín, nhóm mở trên Zalo, Facebook... sử dụng các thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2010 đến năm 2020, khoảng 23% trong tổng số gần 800 đối tượng bị kết án liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã trên cả nước là các đối tượng đến từ Nghệ An hoặc Hà Tĩnh.

7 hổ con có tổng trọng lượng khoảng 33 kg được giải cứu, bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Pù Mát.. Ảnh Văn Trường
7 hổ con có tổng trọng lượng khoảng 33 kg được giải cứu, bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Nói về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) cho biết, trong thời gian gần đây đơn vị đã khám phá 6 vụ, bắt giữ 9 đối tượng, thu giữ hơn 3.000 kg động vật, sản phẩm động vật nguy cấp, quý hiếm (24 cá thể hổ, 11 cá thể tê tê, 1 cá thể gấu ngựa, 4 chân gấu).

Đẩy mạnh tuyên truyền gắn với đấu tranh, ngăn chặn

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, ngày 8/9/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 504/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý động vật hoang dã.

Trong đó giao các sở, ngành theo chức năng, thẩm quyền được giao rà soát hệ thống văn bản pháp luật để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Bởi thực tiễn hiện nay một số văn bản chưa đồng bộ, hướng dẫn thiếu cụ thể gây khó khăn cho công tác bắt giữ, điều tra, xét xử án hình sự để xử lý người phạm tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên.

UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.

Các cá thể hổ được nuôi dưỡng, chăm sóc tại vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: Bá Hâu
Các cá thể hổ được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Bá Hậu

Chính quyền địa phương, các cơ quan ban, ngành có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để bảo vệ các loại động vật hoang dã, nhất là các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập khẩu, săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, nuôi nhốt, quảng cáo, xâm hại động vật nguy cấp, quý hiếm, động vật rừng hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật.

Hội thảo khoa học về tăng cường hợp tác liên ngành bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh tư liệu; Thành Chung
Hội thảo khoa học về tăng cường hợp tác liên ngành bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Tiếp đó, ngày 22/9/2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 6668/UBND-NN chỉ đạo UBND các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, xử lý tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.

Sau hơn 05 tháng triển khai thực hiện, nhận thấy, bên cạnh những chuyển biến và kết quả đạt được, công tác kiểm tra, xử lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép của các địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngày 24/3/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 1574/UBND-NN về việc đôn đốc triển khai công tác kiểm tra, xử lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Trong đó yêu cầu: các địa phương, đơn vị chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền pháp luật bảo vệ động vật hoang dã tại các địa bàn trọng điểm, đến tận từng xã, thôn, xóm, cá nhân, hộ gia đình.

Ký cam kết không ăn và sử dụng động vật hoang dã. Ảnh: Bảo Hân
Ký cam kết trong chương trình nói không với sử dụng động vật hoang dã. Ảnh: Bảo Hân

UBND các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tiếp tục chỉ đạo các Đoàn liên ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung hoàn thành công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là công tác tiếp cận, kiểm đếm số lượng thực tế động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép, không được giao cho cấp xã, cấp xóm thực hiện thay, không để việc thực hiện kéo dài.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương có hình thức xử lý đối với các thành viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thực hiện không nghiêm túc nhiệm vụ được phân công.

Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định, không để phát sinh phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Trao thưởng cho phòng Cảnh sát môi trường. Ảnh tư liệu
Trao thưởng cho phòng Cảnh sát môi trường. Ảnh tư liệu: CSCC

Ở các địa bàn miền núi, nhất là khu vực biên giới, bên cạnh công tác tuyên truyền, nhiều địa phương đã tổ chức cho người dân ký cam kết, đưa vào hương ước thôn bản về việc không săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm.

Tại huyện Con Cuông ngày 28/4/2021, UBND huyện đã tổ chức khởi động chuỗi chương trình “huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”. Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết chuỗi chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Con Cuông trở thành một huyện tiên phong trong việc không sử dụng động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, trở thành đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 504/KH-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An.

Huyện Con Cuông tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình ‘huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. Ảnh: Bảo Hân
Huyện Con Cuông tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình “huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”. Ảnh: Bảo Hân

Mới đây, ngày 02/8/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 20-KH/BTGTU tuyên truyền việc không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, quảng cáo, tiêu thụ, tàng trữ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Hướng đến mục tiêu đẩy lùi nguy cơ săn bắt, buôn bán góp phần ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng các loài, bảo tồn đa dạng sinh học ở Nghệ An; thực hiện hiệu quả việc xử lý các điểm đen về xâm phạm động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất, nhập khẩu, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Mới nhất

x
Nghệ An: Siết chặt hoạt động mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO