Nghề "ăn sương, ngủ đồng"

23/09/2013 18:15

Hoàng hôn dần tắt, khi những ngôi nhà trong làng lác đác lên đèn cũng là lúc đội quân làm nghề “ăn sương, ngủ đồng” lục tục kéo nhau đi. Họ dầm mình trong rét mướt, canh thâu để đánh bắt lươn. Nghề đánh lươn đêm tuy vất vả, cực nhọc nhưng đem lại thu nhập cho bao gia đình, giúp họ vượt qua khó khăn, đói nghèo.

(Baonghean) - Hoàng hôn dần tắt, khi những ngôi nhà trong làng lác đác lên đèn cũng là lúc đội quân làm nghề “ăn sương, ngủ đồng” lục tục kéo nhau đi. Họ dầm mình trong rét mướt, canh thâu để đánh bắt lươn. Nghề đánh lươn đêm tuy vất vả, cực nhọc nhưng đem lại thu nhập cho bao gia đình, giúp họ vượt qua khó khăn, đói nghèo.

Săn lươn đồng

Mới 13 giờ chiều, Trần Văn Loan - một thợ thả trúm “chuyên nghiệp” ở thôn 13, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Lưu) đã kéo chúng tôi ra thửa vườn sau nhà hì hục đào giun, bắt cua chuẩn bị mồi để chập tối đi đánh lươn đồng. Theo Loan, đây là loại thức ăn lươn đồng ưa thích, cua nướng lên thơm lừng trộn với giun băm nhuyễn tanh nồng tạo thành mồi nhử mà không con lươn nào có thể cưỡng lại được. “Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”, chúng nghe mùi là sẽ kéo nhau chui vào, có trúm đến cả chục con, bắt mãi không hết” – Loan hí hửng khoe.

Đào chừng nửa tiếng, chúng tôi đã bắt được nửa ký cua, giun, đủ mồi dùng cho một đêm. Nghề bắt lươn đêm không cần vốn, chỉ tốn công sức. Dụng cụ bắt lươn là những ống tre, mét có lóng dài khoảng một mét, rỗng ruột, đường kính từ 6 - 7cm. Một đầu được bịt kín, đầu kia được đục thông rồi gắn một chiếc tơi hình phễu để lươn chui vào dễ dàng nhưng không thể thoát ra. Bây giờ đường sá đã được nông thôn mới, tre nứa trong làng cũng hiếm dần nên một số người nảy ra sáng kiến dùng ống nhựa PVC làm trúm lươn. Nhưng theo “sát thủ” lươn đồng Trần Văn Loan thì loại này tuy nhẹ, thuận tiện trong việc di chuyển, bảo quản nhưng lại không “ăn” lươn bằng trúm làm bằng tre hoặc mét.

Cả buổi chiều chúng tôi vật lộn làm mồi, phết thức ăn quanh tơi rồi tỉ mẩn cho vào trúm. Làm được hơn chục ống trúm tôi đã mệt đứt hơi, mồ hôi chảy ra nhễ nhại. Loan mỉm cười pha trò: “Trông đơn giản vậy thôi chứ bắt được con lươn bán lấy tiền đong gạo nuôi vợ con không dễ dàng chút nào. Lươn đồng ngày một hiếm, người đi đánh lại đông nên một đêm kiếm được vài ba trăm ngàn là may mắn lắm rồi”.

Chập tối, chúng tôi leo lên chiếc xe chở đầy ống trúm tiến thẳng ra cánh đồng Cồn Sim, nơi được xem là “vựa” lươn của xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu). Loan được bố truyền nghề từ nhỏ, nên mới 10 tuổi, cậu đã biết đặt trúm bắt lươn, trở thành “sát thủ lươn” có tiếng trong làng. Ông Trần Văn Đoàn (bố Loan) cho hay: Ngày trước, khi xong mùa vụ, rảnh rỗi người ta đi đặt trúm bắt lươn để làm thức ăn, nhiều thì đem ra chợ quê bán lấy tiền đong gạo. Lươn nhiều nên chỉ bắt loại lớn hơn chân cái, còn nhỏ hơn thì thả lại xuống đồng. Thế nhưng, dăm năm trở lại đây, món lươn đồng trở thành đặc sản tại các nhà hàng, quán nhậu, có khi lươn lên đến vài ba trăm ngàn/kg mà không có bán.

Sau khi xem xét một vòng kỹ lưỡng, Loan ra hiệu cho mấy người bạn tháo bó trúm xuống. Trên cánh đồng Cồn Sim thẳng cánh cò bay, những cây lúa nặng trĩu hạt vàng đung đưa, lay mình trước gió, phía dưới tôm cá búng lách tách. Đây là cánh đồng nhiều phù sa, thức ăn dồi dào nên loài cá da trơn này sinh sống rất nhiều. Là nghề không cần vốn liếng gì nhiều nhưng công việc đặt trúm cần có kỹ thuật, phải học hỏi qua một thời gian mới rành rẽ. Nguyễn Văn Tình (28 tuổi) đi cùng chúng tôi, giải thích: “Nếu đặt trúm cạn quá, lươn sẽ không chui vào, còn sâu dưới lớp bùn thì mùi thức ăn không phát tán ra xa để dụ dỗ chúng đến. Con lươn cũng tinh khôn lắm nên cần phải có kinh nghiệm mới bắt được chúng”. Ngoài ra, để không bị thất lạc ống trúm, thợ đánh bắt lươn đêm phải có trí nhớ tuyệt vời cũng như cách bố trí “sơ đồ” chỗ đặt hợp lý.



Đánh lươn là công việc mệt nhọc nhưng mang lại thu nhập cho nông dân.

Đặt xong hơn 100 ống trúm thì trời đã tối om. Giữa cánh đồng hoang vắng, gió bắt đầu thổi mạnh, tiếng ếch nhái, côn trùng kêu rỉ rả. Trên trời có con hạc lạc đàn kêu oang oác lạc cả tiếng. Mấy người thợ đánh trúm mình mẩy lấm lem, ướt nhoẹt ngồi bó gối nhìn về phía ngôi làng có ánh điện nhập nhòe. Có lẽ giờ này mấy nhà trong làng đã xong bữa cơm tối, cùng nhau ngồi xem thời sự hay uống nước chè tán chuyện. Cuộc sống ngày càng khó khăn, để lo bao khoản chi tiêu trong gia đình, những người thợ đánh lươn lại càng phải vất vả, chăm chỉ hơn. Họ đành “hi sinh” những nhu cầu tưởng chừng giản đơn mà rất thiết yếu của đời sống thường ngày.

Đời thợ trúm

Những người thợ đánh trúm đêm nay, ở họ toát lên vẻ hiền lành, chân chất. Chất nông dân, đồng ruộng như thấm vào máu thịt, tiếng nói, tiếng cười. Nguyễn Văn Bộ năm nay mới 36 tuổi, thế nhưng chẳng ai ngờ, bố trẻ này đã có tới 6 mặt con, đủ nếp, đủ tẻ. Hỏi Bộ vì sao sinh nhiều thế, lấy gì nuôi chúng? Bộ không trả lời, trong đôi mắt Bộ ánh lên chút đượm buồn, âu lo. Đêm nào không đánh được nhiều lươn là ngày mai cả nhà phải dè sẻn một hai ống gạo, bớt bát chi tiêu.

Khác với Bộ, nhà Loan chỉ có hai đứa con. Tay vợ, tay chồng tưởng chừng cuộc sống đỡ vất vả. Thế nhưng năm vừa rồi đứa con gái út bị bệnh tim, phẫu thuật mất cả trăm triệu đồng khiến vợ chồng Loan một phen điêu đứng. Khi hết mùa lươn, Loan lại chuyển sang bốc vác, chặt cây thuê cho người ta, có khi ra tận ngoài Móng Cái làm thuê. “Bây giờ mong cho chân cứng đá mềm, con cá, con lươn nó sinh sôi nảy nở để mình kiếm tiền trả nợ nuôi con. Thời buổi khó khăn này, hễ ốm đau là sạt nghiệp như chơi”, Loan tâm sự.

Trong những câu chuyện với những người thợ đánh trúm, tâm sự của Nguyễn Văn Tình khiến đêm lạnh càng thêm se sắt. Là con nhà nghèo, lại đông anh em nên Tình phải nghỉ học sớm. Mới 13 tuổi Tình đã theo cha đặt trúm bắt lươn khắp các cánh đồng của huyện Quỳnh Lưu, thả lưới cá trên đập Vực Mấu, An Ngãi, Khe Mây. Theo các anh chị đi làm thuê, làm mướn mãi tận Đắk Lắk, Sài Gòn, Bình Dương. Tu chí làm ăn nên khi mới ngoài 20 tuổi, cậu thanh niên đã xây được nhà riêng, có số vốn kha khá để dành.

Rồi Tình lập gia đình với một thôn nữ dễ thương xóm bên, sinh được đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi cháu Nguyễn Văn Vinh (2 tuổi) liên tục bị đau ốm. Đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương mãi ngoài Hà Nội thì người ta cho hay mắc bệnh hiểm nghèo. Cả vợ lẫn chồng rụng rời chân tay nhưng vẫn cố đi hỏi cho bằng được đó là bệnh gì. Các bác sĩ cho biết cháu Vinh mắc căn bệnh có tên “Haemophilia A”, khoa học thì gọi là “rối loạn đông máu” do thiếu hụt yếu tố VIII, còn dân gian gọi đơn giản là “chứng ưa chảy máu”.

Do không biết đây là căn bệnh di truyền nên sau khi sinh đứa con trai thứ hai vào đầu năm 2013, vợ chồng Tình lại càng thêm suy sụp, túng quẫn. Ứa nước mắt, Tình cho hay: “Vừa rồi cháu Vinh bị chảy máu trong, xuất huyết não tưởng chừng mất mạng. May được anh em bạn bè cho mượn tiền đưa đi bệnh viện kịp thời nên qua khỏi. Nhưng bác sĩ bảo đây là căn bệnh nhà giàu, trên thế giới chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm mà phải điều trị lâu dài, tốn kém. Vợ chồng tui nuôi miệng ăn đã khó nói chi đến cả trăm triệu đồng điều trị cho hai đứa con. Càng nghĩ càng cảm thấy mình như đi vào ngõ cụt, không lối thoát”. Nói xong Tình thở hắt ra rồi nhìn mông lung vào đêm đen. Bầu trời những ngày cuối tháng 9 ảnh hưởng dông bão xám xịt, tối tăm. Phía xa, tiếng hạc lạc bầy lại cất tiếng kêu se sắt cả ruột gan.

Để bớt cảm giác trống trải, se lạnh, Loan lôi điếu thuốc lào trong túi ra rít một hơi dài như phá vỡ cả không gian tĩnh mịch. Chiếc lều dựng tạm che mưa gió chỉ đủ cho một người nằm, nên cứ người này thức canh giữ trúm thì người kia ngủ, thay phiên nhau cho tới sáng. “Ngày trước khi con lươn chưa có giá như bây giờ thì chẳng cần phải canh giữ làm gì, đặt trúm xong ai về nhà nấy ngủ, sáng mai ra đổ. Nhưng giờ thì khác, mình lơ đãng một chút là có kẻ đến dốc trộm mất lươn, mất gạo của vợ con” - Loan bộc bạch.

Càng về khuya sương đêm càng dày đặc, gió rít từng hồi khiến cái lạnh như thấm dần vào da thịt. Trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, sương đêm, những người thợ đánh bắt lươn ngồi xích lại gần nhau cho đỡ rét. Phải chăng cuộc đời họ cũng lầm lũi, lấm lem bùn đất như con lươn đồng mà họ đánh bắt.

Tận diệt

Thịt lươn chứa nhiều loại vitamin và chất khoáng như vitamin A, B1, B6 hay chất sắt, natri, kali, calci. So với các loại như hến, tôm đồng, cua đồng, thịt lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Vì thế, thịt lươn luôn được chọn lựa là thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Theo Đông y, lươn có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lị, đau nhức xương sống, trĩ nội, phong thấp... Đã từ lâu, nói về mảnh đất xứ Nghệ, người ta thường nhắc đến món đặc sản lươn đồng. Vì vậy nếu có dịp về Nghệ An, du khách thập phương thường ghé các nhà hàng thưởng thức các món chế biến từ lươn, đặc biệt là cháo, miến lươn và xúp lươn. Lươn không chỉ là món đặc sản của người Nghệ mà bây giờ đã “di cư” có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… Và càng vinh dự hơn khi vừa qua, món miến lươn xứ Nghệ cùng với phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng, gỏi cuốn Sài Gòn… đã vượt qua hàng trăm món ăn khác của Việt Nam để được chọn vào danh sách đề cử “15 món ngon nhận kỷ lục châu Á”.

Những năm gần đây, lươn đồng được tiêu thụ nhiều nên giá cả đã tăng cao. Thương lái không chỉ tìm mua lươn để nhập cho các nhà hàng trong tỉnh mà còn xuất ra Hà Nội, Hải Phòng, vào tận Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Để cung đủ cầu, nhiều nhà nông đã học mô hình nuôi lươn trong ao, hồ, đầm, có nhà xây bể để nuôi. Và cũng chính từ loài đặc sản này, nhiều gia đình đã làm giàu nhanh chóng, nghề nuôi lươn trở thành một nghề “hót” của nông dân.

Nhưng vài năm trở lại đây, việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa học tùy tiện, vô tội vạ đã và đang khiến lượng cá tôm, lươn đồng suy giảm nghiêm trọng, không có môi trường sinh sôi nảy nở như trước. Bên cạnh đó, một số người dùng kích điện, thuốc hóa học đánh bắt cũng khiến loài thủy sản này bị tuyệt diệt. Liệu rồi đây một món ăn được xem là đặc sản của xứ Nghệ có còn tỏa mùi thơm nghi ngút trong các bữa ăn gia đình, nhà hàng nữa hay không?


Triều Dương

Mới nhất
x
Nghề "ăn sương, ngủ đồng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO