Nghệ An tận dụng cơ hội lớn từ thương mại điện tử
Trên địa bàn Nghệ An, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng với phương tiện hỗ trợ đầy đủ đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận tiện trong quá trình giao dịch.
Xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh
Theo thông tin từ Sở Công Thương, đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng, thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; Giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp, hàng Việt Nam trên địa bàn được đưa lên sàn. Trên 70% số doanh nghiệp đã ứng dụng các nền tảng số trong các giao dịch.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giao thương, xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, tổ chức phiên chợ hàng Việt cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trên địa bàn. Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương; Hội nghị kết nối khách hàng, nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm tiện lợi với nhà sản xuất để tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An; Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền tại Nghệ An để giới thiệu gần 300 doanh nghiệp kết nối tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, nhà phân phối, bán buôn trong cả nước như hệ thống siêu thị Winmart +, Siêu thị Go Vinh; MM Mega Market, Lotte, BRG, Tứ Sơn - An Giang, Wincomecer, Công ty TNHH TM OCOP Việt Nam, AEON,...
Ông Nguyễn Văn Hiệp- Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành kết nối, giới thiệu cho các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp cận và tham gia trên 40 chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong cả nước; tham gia 73 hội chợ, hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của hơn 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sở Công Thương cũng hỗ trợ cung cấp thông tin và đưa các sản phẩm hàng Việt Nam trên địa bàn lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, Sàn Giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; Thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; Giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ. Tính đến cuối năm 2023, số hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An được đưa lên các sàn thương mại điện tử là 266.373 hộ, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 7.653 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số lượng sản phẩm nông nghiệp, hàng Việt Nam trên địa bàn được đưa lên sàn.
Sau 2 năm triển khai mô hình chợ 4.0, đã có 31 chợ/tuyến phố 4.0 với 4.313 điểm bán hàng được trang bị mã QR Code. Hàng tháng, trung bình phát sinh 20.000 giao dịch với dòng tiền trao đổi hơn 20 tỷ đồng qua hình thức quét QR Viettel Money (bình quân mỗi điểm có dòng tiền quét qua QR 15 triệu đồng/điểm). Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được các ngân hàng triển khai rộng rãi, hiện đã khá phổ biến đến tận các cơ sở, hộ kinh doanh, trường học…, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm.
Xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm
Với sự vào cuộc của ngành Công Thương, Nghệ An hiện có 124/403 sản phẩm OCOP; 27/96 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là sản phẩm nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản, sản phẩm hàng sản xuất trên địa bàn đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng như BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh, Aeon, Maxi Mart… và hệ thống các cửa hàng thực phẩm, bách hóa.
Ngành Công Thương cũng đã nắm bắt tình hình, kết nối các địa phương, các đoàn thể, đơn vị hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu và nông sản trên địa bàn tỉnh. Kết nối tiêu thụ các sản phẩm bí xanh Kỳ Sơn, chanh xứ Lường Đô Lương, bưởi Anh Sơn và các sản phẩm chế biến từ nông sản tham gia tại Lễ hội trái cây tại Hà Nội; Tổ chức tham gia hoạt động giao thương tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Huế, các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình, Gia Lai,…
Kết quả là đã hỗ trợ một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ ổn định sản phẩm hàng năm như: Công ty Rau sạch xứ Nghệ khoảng 7.000 tấn rau, củ, quả các loại, 300-400 tấn thủy, hải sản với địa bàn phân phối lên tới 45 tỉnh, thành trong nước; Công ty CP Dược liệu Pù Mát tiêu thụ 120.000 hộp sản phẩm, phân phối tại 120 đại lý/36 tỉnh, thành trong nước; 3 cơ sở giò bê (Minh Hiền, Đức Tuấn, Chung Tài) tiêu thụ ổn định lượng hàng từ 200 - 250 tấn thành phẩm, phân phối hàng hóa chủ yếu tại các tỉnh từ miền Trung, miền Bắc qua nền tảng thương mại điện tử, facebook; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình An tiêu thụ 15-20 tấn thành phẩm tinh bột nghệ và tinh bột sắn dây, phân phối chủ yếu cho 30 đại lý/18 tỉnh, thành khu vực phía Bắc; Cơ sở sản xuất bánh đa Lương Sơn tiêu thụ 8,0 - 10 triệu sản phẩm, phân phối tại 300 đại lý/30 tỉnh, thành; Công ty TNHH Hoàng Nhật Phát tiêu thụ 50.000-60.000 sản phẩm, phân phối chủ yếu tại 40 đại lý lớn nhỏ/15 tỉnh, thành…
Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương sẽ tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tập trung khai thác tốt thị trường nội địa. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng; Ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới. Đồng thời, triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng hỗ trợ. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hóa có chứng nhận, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao.
“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin áp dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện các hình thức xúc tiến thương mại mới thông qua môi trường mạng, chuyển đổi số, tham gia hiệu quả hệ sinh thái xúc tiến thương mại số”, lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh.
Năm 2024, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 110.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2024 đạt 12,58% mục tiêu đại hội; giai đoạn 2021 - 2025: 11-12%/năm.