Pháp luật

Nghệ An tăng cường đấu tranh với tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng

Khánh Ly 08/10/2024 14:34

Thời gian qua, thực trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp; đáng chú ý một số đối tượng người Việt Nam cấu kết với các ổ nhóm tội phạm chuyên nghiệp người nước ngoài đóng trụ sở tại các nước Asean để lừa đảo người dân trong nước.

Triệt phá nhiều đường dây quy mô lớn

Tại Nghệ An, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm chắc tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Điển hình, mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh và Công an huyện Con Cuông đồng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia tại đặc khu kinh tế “Tam giác vàng” do các đối tượng người nước ngoài chủ mưu dưới hình thức lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo.

2(1).jpg
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ảnh tư liệu: Cao Loan

Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định, tại đặc khu kinh tế “Tam giác vàng” thuộc tỉnh Bokeo (Lào) có nhóm tội phạm do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, thành lập hoạt động dưới dạng công ty, chuyên lôi kéo, tuyển mộ những đối tượng người Lào và người Việt Nam (trong đó có một số đối tượng trú tại các huyện Con Cuông, Tương Dương) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam trong nước.

Theo đó, các đối tượng trong ổ nhóm này được đào tạo, huấn luyện sử dụng “kịch bản lừa đảo” với các nạn nhân người Việt theo 4 bước. Trước hết, chúng tạo các tài khoản mạng xã hội “nhái” của nhiều người, chia sẻ hình ảnh đời sống độc thân, giàu có, lồng ghép nhiều hình ảnh về thu nhập có được bằng việc tham gia đầu tư qua ứng dụng “Biconomynft” (ứng dụng sàn giao dịch tiền ảo giả do các đối tượng tự tạo lập, điều khiển theo ý muốn của chúng).

4(1).jpg
Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ảnh tư liệu: Cao Loan

Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo sẽ lựa chọn các “con mồi” phù hợp, sau đó gửi lời mời kết bạn, nhắn tin nói chuyện, tạo mối quan hệ yêu đương, hẹn hò qua mạng. Sau một thời gian nói chuyện, các đối tượng sẽ tìm cách kêu gọi, dụ dỗ các nạn nhân tham gia đầu tư tiền vào ứng dụng “Biconomynft”.

Sau khi nạn nhân tin tưởng hoặc rơi vào mối quan hệ yêu đương, các đối tượng sẽ hướng dẫn cách thức cài đặt, sử dụng ứng dụng, đăng ký tài khoản, tham gia đầu tư mua bán tiền điện tử. Nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân, thời gian đầu, các đối tượng sẽ chuyển cho họ một số tiền nhất định tương ứng với lợi nhuận có được khi giá trị đồng tiền ảo tăng cao.

Cuối cùng khi các nạn nhân đã tham gia đầu tư đến một số tiền nhất định, các đối tượng sẽ đóng băng tài khoản với nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

3(1).jpg
Vi Văn Linh và Kha Văn Úc là 2 đối tượng người Nghệ An trực tiếp tham gia đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Ảnh tư liệu: Cao Loan

Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng làm rõ Vi Văn Linh (SN 2003) và Kha Văn Úc (SN 2002) cùng trú huyện Con Cuông là 2 đối tượng trực tiếp tham gia vào đường dây lừa đảo nói trên. Theo đó, tháng 9/2023, Vi Văn Linh sang Lào và tham gia vào nhóm tội phạm trên để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình làm việc đến tháng 2/2024, Linh đã sử dụng tài khoản Zalo “Phương Quỳnh”, tài khoản Facebook “Phạm Quỳnh Châu” nhắn tin, làm quen và tạo mối quan hệ tình cảm yêu đương với một người đàn ông trú tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Với thủ đoạn lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo, Linh đã nhiều lần dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào “Biconomynft” rồi lừa đảo nạn nhân với tổng số tiền hơn 17,6 tỷ đồng. Cũng với “chiêu bài tương tự”, Kha Văn Úc đã tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của người đàn ông nói trên.

5(1).jpg
Cơ quan công an lấy lời khai đối tượng Vi Văn Linh trú tại huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Cao Loan

Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Kha Văn Úc và Vi Văn Linh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mở rộng chuyên án, lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố, tạm giam thêm 3 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Lộc Văn Tào (SN 2001); Lương Văn Hiền (SN 2001), cùng trú tại huyện Tương Dương và Vi Thị Lệ (SN 2002), trú tại huyện Con Cuông. Hiện chuyên án đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng.

Trước đó, phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bắt đối từng là người Việt Nam cư trú tại nước ngoài sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 500 tỷ đồng do 2 đối tượng Phan Văn Phương (SN 1991), trú tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành và Tăng Quảng Vinh (SN 1989), trú tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại Campuchia cầm đầu.

uploaded-khanhlybna-2023_12_21-_tai-dien-cuoc-goi-mao-danh-nhan-vien-dien-luc-chiem-doat-tai-san-5726.png
Nhiều người sập bẫy đối tượng lừa đảo từ những cuộc gọi giả danh. Ảnh minh họa

Theo đó, các đối tượng người Việt Nam hoạt động cho công ty đặt tại Campuchia sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn, thông báo việc họ bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

dau-tranh-chuyen-an-bat-50-doi-tuong-su-dung-cong-nghe-cao-gia-danh-can-bo-tu-phap-de-lua-dao-chiem-doat-tai-san-cua-nguoi-dan-viet-nam-voi-so-tien-hon-500-ty-dong.-anh-tu-lieu-van-hau(1).jpg
Đấu tranh chuyên án bắt 50 đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Ảnh tư liệu Hồ Hưng

Khi bị hại tin tưởng vào kịch bản, chúng chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho đối tượng khác xưng là Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo giấy tờ tùy thân của bị hại đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội... yêu cầu bị hại phối hợp điều tra; đồng thời, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.

Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu họ khai báo về tài khoản ngân hàng, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại.

Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các đối tượng chủ mưu, cầm đầu sẽ yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại. Tiếp đó, chúng yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

Khó khăn trong đấu tranh, xử lý

Theo ngành chức năng, mặc dù việc cảnh báo, tuyên truyền để người dân phòng tránh đã được triển khai quyết liệt với nhiều hình thức, biện pháp.

Tuy nhiên, ngoài tâm lý chủ quan, một số người dân vẫn còn tư tưởng hám lợi, nhiều người kỹ năng bảo mật thông tin yếu; trong khi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi nên vẫn có nhiều người “sập bẫy".

1-1-(1).jpg
Cơ quan Công an kiểm tra tang vật chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ảnh tư liệu Cao Loan

Công tác đấu tranh với loại tội phạm này cũng gặp nhiều khó khăn do đối tượng sống ở nước ngoài cấu kết với tội phạm trong nước để hoạt động lừa đảo với phạm vi lớn, quy mô rộng… đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị trong tỉnh, trong nước và nước bạn.

Mặt khác, các đối tượng phạm tội công nghệ cao thường xây dựng kịch bản rõ ràng, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, khi chiếm được tài khoản, thông tin cá nhân, chúng thường nhanh chóng rút tiền của người dân. Số tài sản sau khi bị chúng chiếm đoạt hầu như không thể thu hồi.

Do vậy, việc nêu cao cảnh giác, phòng ngừa bị sập bẫy lừa đảo phải đặt lên hàng đầu.

Nâng cao cảnh giác

Bên cạnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền điện tử; không tuyên truyền, quảng bá để kêu gọi sử dụng những loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số mà cơ quan Nhà nước chưa cấp phép. Bởi việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền điện tử nước ngoài hoặc giả mạo sàn giao dịch quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Người dân cũng cần nhận thức rõ: các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án.. không làm việc qua điện thoại hay các ứng dụng mạng xã hội. Nếu muốn làm việc, các cơ quan này sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập cá nhân, tổ chức liên quan đến trụ sở có địa chỉ rõ ràng để làm việc trực tiếp.

de-dau-tranh-co-hieu-qua-voi-toi-pham-cong-nghe-cao-cong-an-nghe-an-da-trien-khai-nhieu-giai-phap-cu-the-sang-tao.-anh-ho-hung(1).jpg
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, Công an Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Ảnh tư liệu Hồ Hưng

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân, lai lịch và không đăng tải các thông tin này lên mạng xã hội. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu trên, người dân cần bình tĩnh liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn và liên hệ với cơ quan chức năng để xác minh.

Tại cuộc họp báo quý III năm 2024 của Bộ Công an diễn ra mới đây, lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thông tin đến báo chí về một số vấn đề có liên quan đến tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu.

Theo đó, việc mạo danh các cơ quan chức năng như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã được các đối tượng xấu sử dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây và loại hình tội phạm này có những sự chuyển biến, cập nhật phương thức rất nhanh.

Hiện Bộ Công an đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Đây là giải pháp căn cơ tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.

uploaded-khanhlybna-2023_12_21-_1-9127.jpg
Các thủ đoạn mạo danh lừa đảo qua điện thoại. Nguồn: NCSC

Ngoài ra, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức nắm tình hình, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kín như Telegram, Viber, Zalo… và xử lý khi đủ căn cứ theo quy định.

Mới nhất

x
Nghệ An tăng cường đấu tranh với tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO