Nghệ An tăng cường rà soát, loại bỏ thực phẩm 'bẩn', kém chất lượng

Bài: Phú Hương - KT: Lâm Tùng 27/07/2021 10:28

(Baonghean.vn) - Những năm qua, từ nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm (ATTP) đã có những biến chuyển rõ nét đáng ghi nhận. Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (NLTS) về nội dung này.

Nhiều giải pháp quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản

P.V:Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những khó khăn của Nghệ An trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP lĩnh vực nông nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Hà: Mặc dù nhận thức và ý thức chấp hành của các doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng hiểu biết và quan tâm đến thực phẩm sạch nhưng chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác kiểm tra quản lý cũng như hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rất khó khăn. Nghệ An có địa bàn rộng với nhiều huyện miền núi vùng cao, vùng xa; sản phẩm NLTS đa dạng nhưng sản xuất chủ yếu manh mún, thủ công, chưa quan tâm hình ảnh, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm cũng như phát triển thị trường tiêu thụ; sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn còn ít.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua bán thực phẩm không đúng nơi quy định, ham rẻ. Phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP còn hạn chế.

Kiểm tra việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tương Nam Đàn. Ảnh: P.V
Kiểm tra việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tương Nam Đàn. Ảnh: P.V

P.V: Đứng trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp nói chung, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hà: Xác định tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, hội nghị, tổ chức nói chuyện chuyên đề về ATTP, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, băng rôn, bản tin,… cho các lãnh đạo, cán bộ tuyến huyện/xã; cho chủ cơ sở và người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm NLTS; cho nông dân và người tiêu dùng. Huy động hệ thống phát thanh, truyền hình cơ sở thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP với nhiều hình thức phong phú.

Đặc biệt, năm 2020 đã tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các siêu thị lớn như MM Mega Maket, Big C, Vinmart, Maximax, các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm tiện lợi và nhiều đơn vị sản xuất, chế biến sản phẩm NLTS an toàn. Hoạt động truyền thông với nội dung, hình thức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm sạch.

Bên cạnh đó, chi cục cũng đẩy mạnh giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP sản phẩm NLTS; giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; nhất là trong các đợt “cao điểm” như Tết Nguyên đán, dịp phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", Tết Trung thu. Hàng năm, chúng tôi tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt yêu cầu; sát hạch kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người lao động có nhu cầu cấp giấy xác nhận...

Để làm tốt công tác quản lý chất lượng, ATTP lĩnh vực nông nghiệp, chi cục xác định phải làm tốt ngay từ công đoạn sản xuất ban đầu, sản xuất theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; xây dựng Đề án phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; chỉ đạo xây dựng, xác nhận các chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn.

Hoạt động chế biến và xúc tiến thương mại cũng được quan tâm, bằng việc tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, các cuộc tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chất lượng, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu; máy móc thiết bị cũng như môi trường chế biến tại các cơ sở chế biến NLTS...

Hoạt động chế biến và xúc tiến thương mại các sản phẩm đạt OCOP được quan tâm. Ảnh tư liệu
Tập trung rà soát, loại bỏ thực phẩm "bẩn"

P.V:Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn những bất cập gì trong quản lý chất lượng ATTP, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hà: Tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều. Số cơ sở sản xuất, khối lượng sản phẩm sản xuất ban đầu chiếm tỷ trọng lớn, trong khi việc sử dụng thuốc BVTV còn nhiều, dẫn đến công tác kiểm soát sản phẩm sản xuất ban đầu chưa đảm bảo.
Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn chưa được quan tâm; liên kết sản xuất còn hạn chế; các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Nhà nước, khi hết hỗ trợ thì khó được duy trì. Chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ không ổn định, do đó việc kiểm soát ATTP rất khó khăn.

Trong khi đó, ở các địa phương, nhất là cấp xã, công tác này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Đặc biệt, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP NLTS tuyến xã chưa đủ răn đe, trong khi cơ sở sản xuất ban đầu chủ yếu phân cấp cho xã quản lý. Cán bộ làm công tác này còn vừa thiếu, vừa hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Hà kiểm tra tình hình tiêu thụ nông sản sạch tại các cửa hàng kinh doanh nông sản. Ảnh: P.H
Ông Nguyễn Văn Hà kiểm tra tình hình tiêu thụ nông sản sạch tại các cửa hàng kinh doanh nông sản. Ảnh: P.H

P.V:Vậy thời gian tới, chúng ta sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để công tác quản lý chất lượng NLTS đáp ứng được yêu cầu thực tế?

Ông Nguyễn Văn Hà: Sẽ tiếp tục, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP NLTS phù hợp với các quy định mới của Nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm ATTP; đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy định.

Mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, bày bán nông sản, thủy sản tươi sống. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; định hướng sản xuất tập trung vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, nguồn gốc sản phẩm và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm NLTS an toàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh tăng cường thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ pháp luật về ATTP, chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng QLCL, ATTP, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Trong năm 2021, mục tiêu thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt tỷ lệ 85%; tổ chức 75% số cơ sở thực hiện ký cam kết, đặc biệt sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát đặc biệt các cơ sở xếp loại C…
P.V:Xin cảm ơn ông!

Mới nhất

x
Nghệ An tăng cường rà soát, loại bỏ thực phẩm 'bẩn', kém chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO