Nghệ An tạo đồng thuận trong sắp xếp cán bộ, công chức ở đơn vị sáp nhập
Hiện tại, các cấp trong tỉnh đang tập trung triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, đảm bảo sự vận hành bộ máy mới hiệu quả.
Thận trọng, chặt chẽ
Nghị quyết số 1243 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2024.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 285 ngày 18/11/2024 và Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 12 ngày 20/11/2024 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí và thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, yêu cầu việc thực hiện sắp xếp tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thị xã Cửa Lò và một số tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ huyện Nghi Lộc khi sáp nhập vào Đảng bộ thành phố Vinh hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Việc sắp xếp, chuyển giao, tiếp nhận tổ chức Đảng, đảng viên ở các đảng bộ xã, phường, thị trấn; sắp xếp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Việc sắp xếp tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã hoàn thành trước ngày 25/12/2024.
Trước yêu cầu gấp gáp về tiến độ, hiện nay, các cấp trong tỉnh đang tập trung cao độ thực hiện các bước trong quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Thanh Chương có 16 xã, thị trấn phải sắp xếp để thành lập 7 xã, thị trấn, giảm 9 xã sau sáp nhập. Việc thực hiện quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị được huyện tiến hành song hành với sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện nay, các bước đang triển khai theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương: Khó nhất là việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ chủ chốt cấp xã, đặc biệt là đối với 2 chức danh Bí thư đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, thị trấn, khi phải thực hiện lựa chọn 1 người trong 2 hoặc 3 người đang đảm nhận chức danh hiện tại ở các xã sắp sáp nhập để bố trí. Huyện đang căn cứ tiêu chí đánh giá thông qua theo dõi kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phong trào của địa phương trong những năm gần đây; qua đánh giá của các đồng chí thường vụ phụ trách vùng, các đồng chí chấp hành phụ trách điểm và lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; qua nắm bắt dư luận cán bộ, đảng viên.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cũng cho biết: Trên cơ sở dự kiến nhân sự bước đầu trình Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến; Ban Tổ chức Huyện ủy tiếp tục làm việc với ban chấp hành đảng bộ từng xã, kể cả gặp riêng từng cán bộ để trao đổi về phương án sắp xếp, đồng thời, làm công tác tư tưởng, sau đó trình Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy ra quyết định chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các đơn vị mới sau sáp nhập; giới thiệu và lãnh đạo việc bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền HĐND cấp xã bầu.
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng cho chủ trương để ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn mới tiến hành quy trình giới thiệu bầu các chức danh lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn theo điều lệ từng tổ chức.
Vận động cán bộ đồng thuận trong sắp xếp
Để tạo thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức; Huyện ủy Thanh Chương giao Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội huyện tính toán chế độ tiền lương và chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho từng cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi để tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi.
Là người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, đồng chí Trần Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Khê tâm sự: “Dù trình độ, năng lực đang đảm bảo để gánh vác công việc; tuy nhiên, trong điều kiện sáp nhập xã, để tạo thuận lợi cho tổ chức sắp xếp, bố trí cán bộ, tạo cơ hội cho người trẻ cống hiến, mặt khác, về mặt chế độ, chính sách được Trung ương và tỉnh quan tâm, tôi đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi”.
Đến thời điểm này, trong tổng số 71 cán bộ chuyên trách dôi dư do sáp nhập xã ở huyện Thanh Chương, có 39 người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi đã được Ban Tổ chức Huyện ủy tuyên truyền, vận động và 30 người tự nguyện làm đơn xin nghỉ trước tuổi.
Tại huyện Diễn Châu, Ban Tổ chức Huyện ủy đã thành lập 2 tổ công tác về làm việc tại 10 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập để trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn; nắm bắt dư luận nhân dân trước khi tham mưu xây dựng phương án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở các đơn vị mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu cho biết: Hiện tại ở 10 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập thành 5 xã có tổng 192 cán bộ, công chức và 106 người hoạt động không chuyên trách. Số lượng được bố trí ở 5 xã sau sáp nhập là 110 cán bộ, công chức và 70 người hoạt động không chuyên trách; dôi dư 36 cán bộ, 46 công chức và 36 người hoạt động không chuyên trách. Quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách,
Huyện ủy Diễn Châu quan tâm đánh giá cán bộ khách quan để lựa chọn người có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất, uy tín cao hơn, đưa vào phương án nhân sự cho tổ chức bộ máy mới; gắn với bố trí là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, công chức và nhân dân về chủ trương sắp xếp, bố trí cán bộ trong bộ máy mới.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 12 ngày 20/11/2024, theo đó, nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách thuộc đơn vị hành chính mới phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; nguồn cán bộ được lựa chọn để bổ nhiệm, bầu giữ các chức danh tương đương và chức danh cao hơn chức danh trước khi sắp xếp đơn vị hành chính phải có uy tín cao, có năng lực nổi trội và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử; quan tâm đến cán bộ có nhiều kinh nghiệm, có quá trình cống hiến, cán bộ được đào tạo cơ bản có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Mặt khác, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở đơn vị hành chính mới phải gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nhân sự các chức danh thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026-2031.
Các địa phương cần thực hiện sắp xếp số lượng cấp phó và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách theo đúng quy định hiện hành của Trung ương và của tỉnh đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới sau sắp xếp.