Người báo tin vui đến chúng tôi là ông Nguyễn Công Trường – Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương. Tin vui ấy, bắt nguồn từ Văn bản số 316/STC-NST ngày 24/1/2024 của Sở Tài chính về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, huyện Đô Lương.
Nội dung Văn bản số 316/STC-NST như sau: “Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn vốn của dự án, Sở Tài chính đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, huyện Đô Lương khoảng 5.000 triệu đồng (5 tỷ đồng) (gồm các nguồn: Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách; Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu hàng năm). Thời gian bố trí dự kiến: 3 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với kinh phí còn thiếu, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Đô Lương và các cơ quan có liên quan hỗ trợ từ các nguồn hợp pháp khác (nếu có) như nguồn ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa. Trường hợp không đáp ứng được nguồn vốn theo đề xuất, Chủ đầu tư giảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn của dự án”.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương là đơn vị được UBND huyện Đô Lương giao nhiệm vụ nghiên cứu các quy định của Nhà nước để lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa. Hiểu rõ tính chất của dự án, niềm mong của thân nhân những người tử nạn và xã hội, trách nhiệm chính trị của huyện nhà, với vai trò của mình, ông Nguyễn Công Trường luôn mong dự án sớm được thực hiện. Mà để được vậy, thì yếu tố có tính quyết định là phải đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Ở thời điểm tháng 11/2023, khi UBND huyện Đô Lương xin ý kiến góp ý chủ trương đầu tư xây dựng dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn bổ sung, trong đó có ý kiến: “Về nguồn vốn ngân sách tỉnh từ nguồn đầu tư phát triển đã được các cấp có thẩm quyền thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, vì vậy không còn nguồn vốn bố trí theo đề xuất của đơn vị”. Đồng thời có hướng dẫn: “Về nguồn vốn ngân sách tỉnh (ngoài đầu tư công) đề nghị UBND huyện làm việc với Sở Tài chính để xác định nguồn vốn trước khi hoàn thiện hồ sơ đề xuất đầu tư…”.
Tiếp nhận hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong một vài lần trao đổi với PV Báo Nghệ An, vị Trưởng ban này đã thể hiện sự lo lắng. Vì theo ông, như vậy thì mốc thời gian khởi động dự án có thể phải kéo dài…
Xuất phát từ đó nên ngay khi nhận được Văn bản số 316/STC-NST ngày 24/1/2024 của Sở Tài chính thì ông Nguyễn Công Trường rất vui, nhìn nhận dự án xây dựng công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa đã cơ bản tháo được “nút thắt” kinh phí. Ông Nguyễn Công Trường trao đổi: “Tới đây huyện sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như Sở Tài chính đã hướng dẫn…”.
Ngược thời gian, vì công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa chậm được thực hiện nên vào ngày 20/6/2023, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với sự tham gia của một số Sở liên quan, Tỉnh đoàn và lãnh đạo huyện Đô Lương để tìm phương án mới đảm bảo có tính khả thi.
Tại cuộc họp này, hy vọng về một công trình văn hóa lịch sử tâm linh gắn với du lịch được mở ra khi Bí thư Huyện ủy Đô Lương Bùi Duy Đông – đại diện lãnh đạo địa phương nơi công trình cống Hiệp Hòa đứng chân – trình bày ý tưởng, bày tỏ quyết tâm thực hiện “nếu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ”. Lãnh đạo chủ trì cuộc họp là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long sau đó đã giao nhiệm vụ, đề nghị huyện Đô Lương nỗ lực trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án; phấn đấu đến ngày 3/1/2024 – là ngày giỗ chung của những người tử nạn tại cống Hiệp Hòa năm 1978 – thì tổ chức lễ khởi công công trình.
Sau cuộc họp 3 ngày, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 446/TB-UBND, tại đây giao nhiệm vụ cho UBND huyện Đô Lương: “Đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa (gồm tên dự án, chủ đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian và tiến độ thực hiện) báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định theo đúng quy định”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, cấp ủy và chính quyền huyện Đô Lương xác định dự án khi hoàn thành phải đạt được mục tiêu tưởng nhớ công ơn của những người đã tử nạn trong quá trình xây dựng cống Hiệp Hòa, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân những người tử nạn và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa phải trở thành một điểm đến lịch sử, văn hóa tâm linh và du lịch trên địa bàn. Bởi vậy, sau khi thực hiện các bước khảo sát nghiên cứu hiện trạng đất đai thì đã mời các đơn vị tư vấn tham gia dự thảo thiết kế, xây dựng dự toán… Để rồi vào ngày 7/11/2023 thì có Báo cáo số 446/BC-UBND đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án “Xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, huyện Đô Lương” gửi UBND tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Được xem Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa do huyện Đô Lương lập, thấy nguồn vốn đầu tư đã có sự vượt trội với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng; vượt dự toán Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập hồi năm 2019. Tuy nhiên, qua bản dự thảo thiết kế hình dung được trong tương lai Bia chứng tích cống Hiệp Hòa sẽ là một công trình có quy mô, hứa hẹn trở thành một điểm đến lịch sử – văn hóa tâm linh gắn với du lịch của tỉnh, chứ không riêng của huyện Đô Lương!
Nhận định như vậy bởi công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa được xác định xây dựng tại vùng đồi có ngôi miếu thờ hiện hữu, cách nhà vận hành kênh chính phía bờ phải khoảng 160m với tổng diện tích đất lên đến 4.000m2. Về các hạng mục công trình, ngoài Nhà bia tưởng niệm thì có thêm nhiều công trình phụ trợ tạo cảnh quan, hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe phục vụ khách dâng hương, bến thả đèn hoa đăng, lối lên xuống bến, hệ thống chiếu sáng…
Và bởi như kỹ sư Đình Nghĩa (một trong những người tham gia nghiên cứu xây dựng thiết kế) đã trao đổi với chúng tôi rằng, bản thân ông được tham gia khảo sát thực địa, qua đó cho thấy vị trí UBND huyện Đô Lương lựa chọn đảm bảo mặt bằng thực hiện công trình. Để xây dựng dự thảo thiết kế, nhóm đã nghiên cứu sự kiện ngày 3/1/1978, công năng hữu ích của tuyến kênh cũng như cống Hiệp Hòa đối với ngành nông nghiệp của tỉnh trong nhiều năm qua. Để từ đó, cố gắng chuyển tải có liên kết đầy đủ ý nghĩa qua các khối, hình của các hạng mục công trình…
Bởi Văn bản số 316/STC-NST ngày 24/1/2024, Sở Tài chính có nhắc “Đối với kinh phí còn thiếu, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Đô Lương và các cơ quan có liên quan hỗ trợ từ các nguồn hợp pháp khác (nếu có) như nguồn ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa. Trường hợp không đáp ứng được nguồn vốn theo đề xuất, Chủ đầu tư giảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn của dự án”. Vì vậy, ngày 29/1/2024, chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh đối với Bí thư Huyện ủy Đô Lương Bùi Duy Đông về vấn đề này.
Theo ông Bùi Duy Đông, tuyến kênh dẫn nước từ dòng sông Lam và cống Hiệp Hòa là công trình có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế, xã hội và chính trị của tỉnh. Quá trình thi công cống Hiệp Hòa, ngày 3/1/1978 đã không may xảy ra vụ tai nạn lao động hết sức thương tâm. Trong nhiều năm qua, thân nhân của những người tử nạn và cả xã hội luôn mong muốn có một công trình tưởng niệm những người đã khuất, đặt bên cạnh cống Hiệp Hòa. Huyện Đô Lương cũng nhận được nhiều những ý kiến bày tỏ niềm mong này. Năm 2018, Tỉnh ủy có chủ trương thực hiện công trình, sau đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Tuy nhiên, do vướng mắc về quy định nên chưa thực hiện được. Về phía huyện Đô Lương, xem đây là một công trình rất quan trọng. Cho dù rằng ngân sách của huyện còn khó khăn, hạn hẹp nhưng không phải vì thế mà không thể thực hiện được. Tuy nhiên, đây là một công trình cấp tỉnh, được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm; đến thời điểm hiện nay, đã giao Sở Tài chính xác định nguồn vốn. Vì vậy, huyện Đô Lương xác định sẽ cân đối thêm ngân sách huyện và huy động nguồn vốn xã hội hóa thông qua đóng góp của các mạnh thường quân, để làm sao công trình đạt được mục tiêu vừa là công trình tâm linh ghi ơn những người đã khuất; đồng thời, là điểm du lịch để thế hệ trẻ nhớ về một thời kỳ lao động xã hội chủ nghĩa huy hoàng.
Huyện Đô Lương dự kiến tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, đến tháng 1/2024 sẽ lập, trình thẩm định đề cương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn; trình phê duyệt đề cương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn; từ tháng 2 đến tháng 3/2024, lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, trình thẩm định và phê duyệt dự án; tháng 5/2024 triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp để đến tháng 6/2024 thì khởi công xây dựng công trình. Tiến độ thực hiện không vượt quá 12 tháng kể từ thời điểm tổ chức lễ khởi công.