Giáo dục

Nghệ An tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi

Mỹ Hà 22/11/2024 10:01

Những năm qua, bằng nhiều nỗ lực, Nghệ An đang tập trung các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với mong muốn cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh - Mỹ Hà (25)
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 400 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn các huyện miền núi cao. Trong số này, có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, 83 trường phổ thông dân tộc bán trú và hơn 50 trường có học sinh dân tộc thiểu số bán trú. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (36)
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh sau lớp 1 đọc thông, viết thạo, thực hiện tốt 2 phép tính cộng, trừ trong phạm vi đạt 95%, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,39%, tỷ lệ trẻ đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,01%; điểm trung bình thi tuyển sinh lớp 10 THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục phổ thông vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, chưa toàn diện, dưới mức trung bình so với mặt bằng chung của cả tỉnh, không đồng đều giữa các vùng. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Châu Phong (Quỳ Châu). Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (12)
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, những năm gần đây, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, nguồn trái phiếu Chính phủ, cơ sở vật chất, thiết bị trường học từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hoá, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Khu nhà nội trú khang trang của Trường PT Dân tộc bán trú tiểu học Tri Lễ 2 mới được bàn giao và đưa vào sử dụng. Từ đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong đã có thể yên tâm khi gửi gắm con em tới trường. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (6)
Từ năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, hơn 400 tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PT Dân tộc nội trú, PT Dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú. Trong ảnh: Khu nhà nội trú của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THCS Quế Phong đang từng bước được hoàn thiện nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (33)
Những dãy nhà nội trú cũ ở Trường PT Dân tộc bán trú THCS Châu Phong (Quỳ Châu) đang được thay thế bằng những dãy nhà mới khang trang, hiện đại. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (2)
Để học sinh yên tâm đến trường, Nghệ An đang đẩy nhanh việc thành lập các trường PT Dân tộc bán trú ở bậc THCS, tiểu học và mô hình bán trú kiểu mới. Giải pháp này sẽ "giữ chân" học sinh, giúp các em có điều kiện được học tập, sinh hoạt trong môi trường giáo dục đầy đủ, thân thiện. Ở đó "nội trú được xem là nhà và thầy cô sẽ là cha mẹ". Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (19)
Sau giờ học, học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Nga My (huyện Tương Dương) vui chơi trong khu nhà bán trú. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (20)
Những bữa cơm ở trường bao giờ cũng đầy đủ chất dinh dưỡng nhờ có sự chăm sóc của thầy cô. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (17)
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, ngành giáo dục cũng đã đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó, yêu cầu chương trình giáo dục nhà trường sát với đối tượng người học, đặc điểm tâm lý học sinh, qua đó giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực, khả năng tự học và ý thức học tập của bản thân. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phân hóa, bám sát đối tượng, phát triển phẩm chất, năng lực phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh. Trong ảnh: Hoạt động sinh hoạt ngoài trời của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (15)
Học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn trong giờ học Tiếng Anh. Mô hình trường nội trú đã giúp học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa có cơ hội được học tập, phát triển năng lực bản thân. Từ đó, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các huyện miền núi trong tương lai. Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh - Mỹ Hà (7)
Thời gian qua, bên cạnh các chính sách của Trung ương, Nghệ An cũng đã có nhiều chính sách để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách khá toàn diện, gồm chính sách đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên; các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập, chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người, chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số, thực hiện chế độ cử tuyển đang được thực hiện… Việc thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương đã có tác dụng rất lớn, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Mới nhất
x
Nghệ An tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO