Nghệ An: Tìm giải pháp hỗ trợ sản xuất trong khó khăn do dịch bệnh

Bài: Nhóm PV - KT: Lâm Tùng 09/03/2020 06:49

(Baonghean) - Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới. Nông hải sản, dệt may, vận tải… của Nghệ An cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh dịch Covid -19 đang phức tạp, đòi hỏi hơn nữa sự quan tâm từ phía chính quyền, địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cá nhân tìm cơ hội chính trong thách thức.

Khó khăn phía biển

Bình thường mỗi năm, đội tàu đánh bắt xa bờ của xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai) đánh bắt được khoảng 30.000 tấn cá cơm thì 25.000 tấn cá tươi (tương đương 5.000 tấn cá khô) xuất khẩu sang Trung Quốc, tất cả đều theo con đường tiểu ngạch. Thời điểm cao nhất giá cá cơm 26.000 đồng/kg, nay chỉ còn 17.000 đồng/kg.

Không chỉ khó khăn từ phía Trung Quốc, hiện theo quy định về vùng đánh bắt chung trên biển, nên tàu cá trên 650CV gặp khó khăn trong lưu thông hàng hải. Do vậy, như ở TX. Hoàng Mai, nhiều tàu cá trên 650 CV cũng nằm bờ, khai thác không hiệu quả. Các cảng cá vắng ngắt, tàu biển nằm bờ, kho đông cũng vậy, nhiều chủ hàng cấp đông không còn cấp kinh phí cho tàu cá khơi vì không có đơn đặt hàng.

Tàu cá xã Quỳnh Lập nằm bờ. Ảnh: Thanh Yên
Tàu cá xã Quỳnh Lập nằm bờ. Ảnh: Thanh Yên

Quỳnh Lưu là huyện có số lượng phương tiện tàu thuyền lớn nhất tỉnh với gần 1.200 chiếc, trong đó có khoảng hơn 700 chiếc công suất trên 90 CV chuyên khai thác xa bờ. Mỗi năm, sản lượng đánh bắt toàn huyện đạt hơn 74.000 tấn hải sản, trong đó các đối tượng như cá hố, cá cơm... đều xuất sang Trung Quốc. Trên địa bàn huyện có khoảng 50 cơ sở thu mua, cấp đông, bảo quản và chế biến và xuất khẩu hải sản, tập trung ở các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải, Quỳnh Thuận..

Trước Tết Nguyên đán, trên 4.000 tấn cá hố đã được thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc khi thị trường này vẫn chưa có biến động. Nhưng hiện rất nhiều cơ sở chế biến vẫn tồn đọng hàng chục tấn cá cơm do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần 1 tháng nay, toàn bộ mặt hàng cá khô đã qua sơ chế, đóng gói đều không thể bán được.

Tồn kho hải sản cấp đông ở xã Quỳnh Lâp, TX. Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Yên
Tồn kho hải sản cấp đông ở xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Yên

Nhiều nông sản nguy cơ phải “giải cứu”

Là thị trường đông dân nhất, đồng thời là “đại công xưởng” của thế giới, Trung Quốc tiêu thụ tới 85% lượng tinh bột sắn của toàn thế giới nên khi sức mua từ thị trường này chững lại, sản phẩm tất yếu bị dồn ứ.

Sản xuất và chế biến tinh bột sắn ở Nghệ An hiện đang là một trong những ngành hàng chịu tác động nặng nề nhất từ những bất lợi của thị trường Trung Quốc do dịch bệnh ở nước này. Mỗi năm như Nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn nhất ở Anh Sơn sản xuất từ 30.000 - 35.000 tấn sản phẩm, trong đó, xuất khẩu chiếm tới 90% và chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc.


Sắn củ tồn động nhiều ở nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn. Ảnh: Trân Châu
Sắn củ tồn đọng nhiều ở nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn. Ảnh: Trân Châu

Không chỉ các mặt hàng hải sản, tinh bột sắn, hiện nhiều mặt hàng của Nghệ An cũng rất khó khăn như dệt may, nước dứa hoa quả, hoa quả xuất khẩu, các công ty vận tải đều khó khăn do xuất khẩu đình trệ và lượng khách giảm sút.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng quản lý xuất nhập, khẩu Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Năm 2019, theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tinh bột sắn, hoa quả từ Nghệ An qua Trung Quốc đạt 93 triệu USD, chiếm đến 34% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Từ khi có dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Mặt hàng đường kính xuất qua tiểu ngạch cũng đang bị ngưng trệ.

Tìm kiếm và mở rộng thị trường

Huyện Thanh Chương có trên 4.400 ha chè, sản lượng mỗi năm trên 40.000 tấn chè búp tươi, chế biến khoảng 12.000 tấn chè búp khô. Theo ông Hoàng Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, sản phẩm phần lớn vẫn đang xuất đi các nước Trung Đông qua thương lái và sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.


chú thích

Xuất trực tiếp sang các thị trường Trung Đông như Pakixtan, Apganixtan theo đường chính ngạch đòi hỏi sản phẩm chất lượng, đầy đủ tem nhãn ghi xuất xứ nguồn gốc. Vì vậy bên cạnh đăng ký tem nhãn, thương hiệu, các HTX trên địa bàn Thanh Chương còn rất chú trọng chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV đúng quy trình, đảm bảo an toàn VSTP và chất lượng nguyên liệu. Hiện tại các đơn hàng cơ bản đáp ứng tiêu thụ cho sản phẩm của HTX.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản ở Quỳnh Lưu cũng đang tìm giải pháp để lưu thông hàng hó, ông Hồ Văn Lực – chủ cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản ở xã Tiến Thủy cho hay: “Thời gian tới cơ sở sẽ tập trung thu mua và sơ chế thành cá một nắng, sấy khô bảo quản, chờ thị trường Việt Nam – Trung Quốc ổn định trở lại sẽ xuất bán. Đồng thời mở rộng thăm dò, tìm kiếm đối tác ở một số thị trường khác như Lào, Hàn Quốc”.

Cá trỏng được ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Việt Hùng
Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Trúc - phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hiện chúng tôi đang tập trung khuyến cáo các doanh nghiệp tùy vào diễn biến thực tế để chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến và xuất khẩu. Đối với việc khai thác đánh bắt, huyện cũng yêu cầu bà con có thể thay đổi ngư trường, hạn chế khai thác những loài hải sản hiện đang khó xuất khẩu, tìm bắt đối tượng khác để nâng cao thu nhập và đảm bảo tính an toàn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Đối với sản phẩm lạc, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho rằng: Năm 2019, Diễn Châu sản xuất trên 126 tấn lương thực có hạt, trong đó trên 10.000 tấn lạc, 1.546 tấn vừng và 47.500 tấn thủy hải sản. Hiện tại, bên cạnh chỉ đạo các doanh nghiệp, người dân củng cố, tận dụng các kho cấp đông để tăng năng lực cất trữ sản phẩm nếu chưa xuất bán được, huyện cũng sẽ tập trung kêu gọi, khuyến khích thương lái trên địa bàn tiến hành thu mua sản phẩm để vừa bảo quản, vừa đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng nhiều giải pháp. Huyện chủ trương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.

Với các sản phẩm khác như gạo, mía đường, đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề, đầu tư thêm bao bì nhãn mác, chú trọng thị trường nội địa là những cách làm hay để tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Những năm qua, Nghệ An đã từng bước đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra những mặt hàng có lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu v.v.
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp qua chế biến vẫn còn thấp, việc thâm nhập thị trường trong nước cũng như xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, còn phụ thuộc nhiều vào một số ít thị trường nhất định mà chưa có giải pháp hữu hiệu. Dịch bệnh đã gây những tác động bất lợi đối với sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng ta thay đổi phương thức sản xuất và kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn, tìm ra cơ hội trong thách thức, khó khăn.

Chế biến nước mắm truyền thống ở Diễn Châu. Ảnh: Hải Vương
“Nghệ An sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp lợi thế, nhu cầu thị trường, xu thế hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất trên cơ sở thế mạnh từng địa phương, đảm bảo liên kết vùng, hình thành nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, xác định những sản phẩm chủ lực gắn với thị trường” - ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.

Sản xuất tôm nõn ở Diễn Châu. Ảnh: Tư liệu
Về phía ngành công thương, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công thương cho rằng: UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan thường xuyên cập nhật kịp thời, đánh giá sâu sát tác động của dịch bệnh đối với thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc và với các đối tác trên thế giới của doanh nghiệp Nghệ An; đưa ra các phân tích, dự báo những tác động đến Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp trong ngắn và dài hạn, từ đó có biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Ngân hàng nhà nước tỉnh Nghệ An nên chủ trì phối hợp với các ngành liên quan đánh giá lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp (tinh bột sắn, hoa quả tươi, dệt may, hải sản…) để xây dựng phương án hỗ trợ (lãi suất, hạn mức tín dụng, gia hạn nợ…) cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Tỉnh cần chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu từ Trung Quốc để ổn định thị trường.

Nghệ An: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vượt qua mùa dịch Corona

Nghệ An: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vượt qua mùa dịch Corona

(Baonghean.vn) - 2 tháng đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An vẫn tăng khá, trong đó hàng hóa đạt gần 122,7 triệu USD, tăng 9,3%. Trước tình hình dịch Covid-9 đang diễn biến phức tạp, tỉnh và các ngành liên quan đang có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.


Mới nhất

x
Nghệ An: Tìm giải pháp hỗ trợ sản xuất trong khó khăn do dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO