Nghệ An trên đường đi tới

(Baonghean) - Tinh thần đấu tranh giành chính quyền ở Nghệ An cách đây tròn 70 năm gắn liền với những tên làng, tên xã, tên huyện... Những bài học kinh nghiệm, thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là mạch nguồn chảy mãi, là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh...
Hồi ức tháng tám
Trong những ngày Thu lịch sử, chúng tôi tìm về xã Nam Thanh (xã Thanh Thủy trước đây), huyện Nam Đàn – nơi đầu tiên giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Nghệ An. Ông Bùi Danh Châu, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Nam Thanh, năm nay mặc dù đã 92 tuổi nhưng khi gợi nhắc đến cuộc tổng khởi nghĩa mùa Thu cách mạng lại nhớ rất rõ diễn biến ngày toàn thắng trên quê hương mình. Ông Châu kể: Ngày đó, ở lứa tuổi đôi mươi, ông Châu tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bị áp bức, bóc lột khổ đến tột cùng, lòng dân ở Thanh Thuỷ lúc bấy giờ ngùn ngụt lửa căm thù, khi nghe đến cách mạng, giành chính quyền là người dân sướng lắm.
Tiếng cốc, tiếng mõ nổi lên là dân có mặt ngay, sục sôi khí thế cách mạng, quyết giành được chính quyền. Ngày 15/8/1945, nhận được lệnh khởi nghĩa giành chính quyền từ Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ - Tĩnh, một cuộc họp bí mật do Mặt trận Việt Minh xã triệu tập, nhận định: Hệ thống bang tá, hương lý, cường hào ở Thanh Thủy đang rất hoang mang, dao động, lính khố đỏ, khố xanh của Pháp bỏ ngũ về địa phương sẵn sàng tham gia các lực lượng vũ trang của cách mạng, lòng căm thù của nhân dân cũng đã dâng lên đến tột độ, đây là thời cơ tốt nhất để giành chính quyền. Và ngay hôm sau, ngày 16/8/1945, nhân dân Thanh Thuỷ dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy cướp chính quyền thành công, đánh dấu sự khởi đầu của không khí sục sôi của nhân dân các địa phương trong tỉnh nhất tề đứng dậy đấu tranh đánh đuổi thực dân, phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đại lộ Lênin (TP. Vinh).	Ảnh: sỹ minh
Đại lộ Lênin (TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh
Ông Phan Tố Đức, ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, năm nay đã ở tuổi 98 với 76 tuổi đảng, bước chân không còn nhanh, tai nghe không còn rõ, nhưng ánh mắt ông vụt sáng và tinh thần như được tiếp một sức mạnh khi gợi nhớ về không khí của những ngày Cách mạng Tháng Tám. Ông cho biết, ở Thanh Chương, tuy cuộc khởi nghĩa diễn ra muộn hơn vài ngày so với các địa phương trong tỉnh, song khí thế của ngày tổng khởi nghĩa 70 năm về trước cực kỳ sôi nổi, hừng hực như một ngọn đuốc cháy bùng sau hàng chục năm nhen nhóm bằng sức mạnh của khối đoàn kết, tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do của hàng vạn tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ trên địa bàn huyện. 
Quân và dân Thành phố Vinh năm 1958.	Ảnh: Tư liệu
Quân và dân Thành phố Vinh năm 1958. Ảnh: Tư liệu
Tìm đến nhà cụ Nguyễn Phúc Vinh - khối Tân Phúc người được xem là “giữ sử” cho Yên Dũng Thượng xưa. Cụ là Bí thư xã Yên Dũng Thượng suốt từ năm 1965 - 1969,  nay đã 83 tuổi đời với 55 tuổi đảng, cụ từng chứng kiến bao thăng trầm lịch sử với những thời khắc bi hùng của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Cụ tự hào kể: “Sở dĩ Yên Dũng thượng là 1 trong 5 chi bộ đầu tiên của Thành ủy Vinh bởi nơi đây là mảnh đất sớm dấy lên tinh thần cách mạng vì người Hưng Dũng giàu nghĩa khí dám đương đầu với mọi khó khăn”. Rồi tôi được nghe cụ kể về những ký ức hào hùng của làng Yên Dũng Thượng xưa. Khi còn nhỏ cụ đã chứng kiến cảnh hơn 1200 người dân Yên Dũng Thượng sáng ngày 1/5 hợp nhất với các đoàn nông dân các xã vùng hạ Nghi Lộc theo con đường Mai Trang (đường Vinh – Cửa Hội), vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu  “yêu cầu giảm thuế” , “đả đảo bóc lột sức lao động”…
Cuộc biểu tình ấy đã làm cho thực dân Pháp hoảng sợ, chúng ra sức đàn áp khiến hàng trăm người chết và bị thương. Tháng 10/1931, cơ quan Xứ ủy về đóng tại xã Yên Dũng Thượng, ở nhà bà cố Diên (làng Thiện), trạm liên lạc vẫn đặt tại nhà ông Ngãi (làng Văn). Khi địch phát hiện nhà cố Diên có cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ, cả gia đình cố bị tra tấn dã man, thế mà từ người già đến trẻ nhỏ không hé răng khai báo nửa lời, quân địch điên cuồng đã  bắt con trai cố Diên giam tù tới 7 năm. Bây giờ căn nhà ấy vẫn còn vẹn nguyên những chứng tích lịch sử. Rồi nhiều địa điểm, nhiều di tích ghi dấu những mốc son chói lọi của cách mạng thời kỳ non trẻ như: dăm Mụ Nuôi; đền thờ đức Thánh Trần, đình  làng Trung...
Lắp ráp máy ép thủy lực tại Nhà máy gỗ ván MDF Công ty lâm nghiệp Tháng Năm (Nghĩa Đàn). 	Ảnh: Sỹ Minh
Lắp ráp máy ép thủy lực tại Nhà máy gỗ ván MDF Công ty lâm nghiệp Tháng Năm (Nghĩa Đàn). Ảnh: Sỹ Minh
Ở Nghệ An, trên cơ sở tiếp thu nhận định tình hình của Thường vụ Trung ương Đảng và căn cứ vào thực tiễn phong trào cách mạng đang biến chuyển ở các địa phương, ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh triệu tập Đại hội đại biểu để bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh, ở các địa phương, cán bộ và nhân dân càng khẩn trương chuẩn bị lực lượng đẩy mạnh phong trào hành động để kịp giành thắng lợi cuối cùng cho cách mạng khi thời cơ đến. Chớp thời cơ thuận lợi, chiều 15/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ - Tĩnh đã phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ - Tĩnh và truyền đơn của Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh phát ra, làm dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi, hào hùng khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Ngày 16/8/1945, nhân dân xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh - Nam Đàn) đã nhất tề đứng dậy đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi ở xã Thanh Thủy đã mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng, xã khác trong tỉnh, như các làng Yên Dũng, Lộc Đa ở ngoại thành Vinh giành chính quyền vào ngày 17/8. Nếu Thanh Thủy là nơi đầu tiên của cấp xã giành chính quyền thì Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên giành chính quyền vào ngày 18/8; tiếp đó Hưng Nguyên là địa phương thứ hai sớm giành chính quyền vào ngày 19/8; Diễn Châu ngày 20/8; Thành phố Vinh ngày 21/8; Nghĩa Đàn ngày 22/8; cùng ngày 23/8 có 3 phủ huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn đều giành chính quyền; Nghi Lộc, Yên Thành ngày 25/8; Con Cuông, Vĩnh hòa, Tương Dương, Quỳ Châu, ngày 26/8...
Như vậy, từ ngày 17 đến ngày 26/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền dưới nhiều hình thức đã thắng lợi trọn vẹn trong toàn tỉnh Nghệ An, chấm dứt ách thống trị của phát xít, thực dân và phong kiến tay sai. Bộ máy chính quyền cách mạng hoàn chỉnh được thiết lập ở Nghệ An vào ngày 24/8. Đó là kết quả của một quá trình chiến đấu, hy sinh của biết bao đồng bào, chiến sỹ Nghệ An vì mưu cầu tự do, độc lập dân tộc. Thành công của cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Nghệ An trong mùa Thu cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã góp phần làm nên cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 trong cả nước.
Tiếp nối truyền thống
Tiếp nối truyền thống của cha ông, các thế hệ cán bộ và nhân dân Nam Thanh hôm nay tiên phong đổi mới trong tư duy và hành động, xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện. Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Đất thuần nông, nên Nam Thanh chọn hướng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm khâu đột phá. Đến nay, có 85% diện tích đất nông nghiệp cho giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó có gần 50% diện tích có thu nhập 75 triệu đồng/ha/năm trở lên. Xã cũng phát triển chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, gia trại, trang trại gắn với đảm bảo môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người nay đã đạt 28 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới, Nam Thanh đã có bước phát triển toàn diện. Hiện xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM và 4 tiêu chí còn lại cũng chỉ còn một vài nội dung chưa đạt, phấn đấu về đích NTM thời gian tới.
Còn ở huyện Thanh Chương, mảnh đất cách mạng và còn nghèo khó nay đã biết khai thác, biến cái không thuận lợi thành lợi thế để tạo ra sự phát triển. “Thanh Chương chưa phải giàu, nhưng đã, đang vượt lên chính mình, phá đi cái tứ tắc của tư duy và hành động, đó là một thành công vô cùng lớn” – đồng chí Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương chia sẻ. Do vậy, từ thiếu lương thực, Thanh Chương đã thu hoạch vượt trên 100.000 tấn lương thực có hạt mỗi năm; từng bước hình thành được một số vùng sản xuất và sản phẩm nông nghiệp khá lớn, gồm rừng nguyên liệu với hơn 10.000 ha; 4.952 ha chè, 2.600 ha sắn công nghiệp. Chăn nuôi trâu bò đàn với tổng gần 90.000 con; đàn lợn hơn 110.000 con; dê, gà đồi... Kết cấu giao thông được đầu tư với nhiều tuyến giao thông đã mở ra như đường Hồ Chí Minh đi qua huyện dài 53 km; Quốc lộ 46 qua huyện dài 40 km; 544 km đường tỉnh, đường huyện được nhựa hóa; một số cây cầu quan trọng, nhất là cầu Dùng, cầu Rộ, cầu Rạng, các cầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh được xây dựng kiên cố để phá thế “tứ tắc”, “nối những bờ vui”, tạo ra điều kiện quan trọng để Thanh Chương phát triển. 
Hôm nay trên mảnh đất Làng Đỏ, nhân dân Yên Dũng Thượng xưa đã phát huy khí chất cha anh xây dựng nên những công trình mới với thế và lực mới. Đến nay 100% khối thuộc phường Hưng Dũng có nhà văn hóa với giá trị đầu tư xây dựng từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng, quy mô diện tích đều trên 300 m2 gắn với các thiết chế văn hóa đồng bộ, 98%  các tuyến đường giao thông nội phường được nhựa hoá và bê tông hóa. Hưng Dũng còn có 6/6 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt đời sống người dân được nâng lên rõ rệt với mức thu nhập bình quân 35,2 triệu đồng/năm. Trong những năm qua với phương châm “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm”, cấp ủy đã dành nhiều thời gian, tập trung bàn và định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiều giải pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Từ năm 2010 - 2015 tổng giá trị sản xuất đạt 644,5 tỷ đồng; nhịp độ tăng trưởng bình quân 8,3%.  
Trí tuệ, ý chí và sức mạnh đoàn kết, nỗ lực của mỗi địa phương trong tỉnh đang từng bước đưa Nghệ An phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ thiếu lương thực phải cứu viện, cứu tế của Trung ương mỗi năm 5 – 6 vạn tấn, nay sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 1,2 triệu tấn/năm. Công nghiệp phát triển đa dạng, trong đó mạnh nhất là công nghiệp chế biến nông sản, đồ uống, dệt may, linh kiện điện tử, khoáng sản, vật liệu xây dựng,... Gần đây, Nghệ An đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn, tạo động lực, sự đột phá trong phát triển kinh tế, giải quyết nhiều việc làm cho lao động trước mắt và trong tương lai gần như các Tập đoàn Becamex, Massan, Samsung, Royal Food, Cargill, FPT, BSE, Vinamilk, TH, nhựa Tiền Phong, Tôn Hoa Sen, Nguyễn Kim.... Dịch vụ, thương mại, từ chỗ sản xuất hàng hóa tự cung tự cấp đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Nghệ An cũng đang trở thành trung tâm kết nối các huyết mạch giao thông bằng đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nối hai đầu đất nước, sang tận các nước Lào, Campuchia, Thái Lan... Nhiều tuyến đường vành đai biên giới; đường ven sông, ven biển; các tuyến được kết nối giữa các huyện, thị xã được mở, tạo cơ hội và động lực phát triển đồng đều ở các địa phương trong tỉnh. Các công trình thủy điện có quy mô lớn như Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na, Khe Bố, Nậm Pông..., lần lượt đi vào hoạt động đã góp phần làm thay đổi cuộc sống mới đang bừng lên trên những miền quê hẻo lánh.... 
Nghệ An cũng luôn khẳng định trong lòng nhân dân cả nước và trên trường thế giới về một vùng quê hiếu học với nền giáo dục phát triển tầm cao trong cả nước. Hiện tỉnh ta nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng, học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tính riêng 5 năm (2010 – 2015), Nghệ An đã có 13 học sinh đạt giải quốc tế. Tỉnh ta cũng đang từng bước trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về giáo dục – đào tạo với 6 trường đại học, 10 trường cao đẳng và 14 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, đáp ứng năng lực đào tạo cho gần 10 vạn học sinh, sinh viên mỗi năm. Nghệ An cũng đang trên đà hướng tới trung tâm y tế chất lượng cao vùng Bắc Trung bộ như Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã xác định. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 38 bệnh viện trong và ngoài công lập. Trong đó Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã vươn tầm và khẳng định vị trí quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh, các tỉnh Bắc Trung bộ và nước bạn Lào với các kỹ thuật y tế chất lượng cao... Các phong trào văn hóa – thể thao, xây dựng văn hóa ở khu dân cư có nhiều tiến bộ, góp phần xây dựng đời sống xã hội lành mạnh, giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội. 
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ý nghĩa và giá trị của những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như thành quả 70 năm xây dựng và phát triển của Nghệ An vẫn mãi là hành trang, nguồn cổ vũ lớn lao để quê hương Bác bước tiếp trên con đường đi tới. Thông qua Đại hội Đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở vừa hoàn thành cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 sắp diễn ra, với tinh thần đổi mới, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, Nghệ An tiếp tục quyết tâm phấn đấu, nỗ lực thực hiện bằng được Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo, trở thành một trong những tỉnh khá khu vực phía Bắc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Bài, ảnh: Mai Hoa - Thanh Nga

tin mới

Chuyện về những người Nghệ ở Vũng Tàu

Chuyện về những người Nghệ ở Vũng Tàu

(Baonghean.vn) - Hầu hết những người Nghệ đang sinh sống, làm việc, công tác tại thành phố biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều chịu thương chịu khó làm ăn, đoàn kết tốt, coi Vũng Tàu là quê hương thứ hai nhưng không bao giờ quên quê hương Nghệ An - nơi họ đã sinh ra từ đó.

Mang Trung thu lên bản Huồi Mới

Mang Trung thu lên bản Huồi Mới

(Baonghean.vn) - Ngày 22/9, Báo Nghệ An phối hợp cùng Team Bạch Mã (trực thuộc CLB Xe Bán tải địa hình Việt Nam) và Đồn Biên phòng Tri Lễ tổ chức Trung thu và tặng quà cho học sinh mầm non và tiểu học tại bản người Mông Huồi Mới, xã Tri Lễ (huyện Quế Phong).

Quỳnh Lưu

Phong trào tiếp sức cho học sinh nghèo ở Quỳnh Lưu

(Baonghean.vn) - Cùng với nhiều hoạt động chăm lo công tác an sinh xã hội, thời gian qua các Chi bộ, đảng bộ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh chương trình “Tiếp sức đến trường” hết sức ý nghĩa nhằm giúp các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được đến trường trong năm học mới.

Cảng hàng không quốc tế Vinh

Cảng hàng không quốc tế Vinh thông báo mời tham gia lựa chọn đơn vị thuê vị trí quảng cáo tại nhà ga hành khách quốc nội

(Baonghean.vn) - Cảng hàng không quốc tế Vinh - Chi nhánh Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP có kế hoạch tổ chức lựa chọn rộng rãi đơn vị thuê vị trí quảng cáo tại khu vực nhà ga hành khách quốc nội Cảng hàng không quốc tế Vinh với các nội dung cụ thể sau: