Nghệ An triển khai Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải

Hoài Thu 17/02/2023 15:03

(Baonghean.vn) - Triển khai Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải, các cấp hội nông dân cũng như các sở, ngành, địa phương ở Nghệ An sẽ thực hiện nhiều cách làm, mô hình nhằm biến rác thải thành các nguồn lợi kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu.

Sáng 17/2, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo khởi động và kết nối Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý dự án. Dự Hội nghị, về phía Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế. Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện các sở, ngành: Công an tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ; đại diện các huyện Đô Lương, Nam Đàn và thị xã Thái Hoà.

Đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý dự án chủ trì Hội thảo. Ảnh: Hoài Thu

Hướng mục tiêu giảm nguy hại của chất thải đối với môi trường

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Tùng nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh diện tích lớn, dân số đông và chủ yếu sống ở nông thôn (hơn 80%). Vì vậy, lượng rác thải từ sinh hoạt, từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nông thôn rất lớn, với hàng triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm.

Thông tin tại Hội thảo cho biết, Dự án đánh giá, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn thừa thải ra môi trường, tương đương với 680 tỷ USD. Tại các nước đang phát triển, tình trạng lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% lượng thức ăn bị lãng phí trên thế giới, với các nước phát triển, con số này là 46%, dẫn tới thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Về chỉ số lãng phí thực phẩm, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc. Việc vứt bỏ thực phẩm ra môi trường bị phân huỷ sẽ thải ra khí methan, một loại khí có tính độc hại gấp 25 lần so với carbon dioxide. Về ô nhiễm từ chăn nuôi quy mô trang trại, Việt Nam có khoảng 20.869 trang trại chăn nuôi trong tổng số 33.488 trang trại nông nghiệp (chiếm 62.31%); khoảng 7,9 triệu hộ chăn nuôi (chiếm 93,05% hộ sản xuất nông nghiệp); hơn 35.000 cơ sở giết mổ, đồng nghĩa với việc thải ra môi trường lượng lớn rác thải hàng ngày.

Nông dân Nghệ An ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ảnh tư liệu Thanh Phúc

Ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, việc đốt rơm rạ trong mùa gặt diễn ra thường xuyên. 1 ha lúa sẽ cho ra khoảng 10 tấn rơm rạ. Về bản chất, việc đốt rơm rạ ngoài đồng là đốt không hoàn toàn, do đó, thải ra một lượng lớn các chất gây ô nhiễm như SO2, NO2, bao gồm các khí độc như carbon monoxide (CO), dioxin và furan, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng gây ung thư (PAHs)... Tuy nhiên, nếu xử lý rơm rạ thay vì đốt, sẽ thu được khoảng 400kg phân bón hữu cơ, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hầu hết chất thải thực phẩm được đưa đến các bãi chôn lấp sẽ thải ra khí nhà kính và gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất, ô nhiễm sông suối và tạo ra tảo biển nở hoa. Phân chuồng cũng tạo ra khí amoniac và dẫn đến mưa axit và ô nhiễm không khí, gây các bệnh về hô hấp ở con người.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu các hoạt động của dự án, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm như: tổ chức các sự kiện kết nối, xây dựng mạng lưới cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các hoạt động tổ/nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ thu gom rác thải. Đào tạo kỹ năng truyền thông cho cán bộ hội, tập huấn cho nông dân cấp cơ sở và học tập các mô hình hiệu quả trong phạm vi cả nước…

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu về Dự án triển khai trên toàn quốc. Ảnh: Hoài Thu

Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng các mô hình điểm phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, mang lại hiệu quả cao, thành lập các tổ tự quản về vệ sinh môi trường, làm cho việc thu và chuyển hóa rác thải trở thành thói quen của người nông dân. Nhiều địa phương trong cả nước đã có nhiều mô hình xử lý rác thải rất hiệu quả, vừa giảm lượng khí phát thải ra môi trường vừa tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Dự án sẽ đi sâu vào tập huấn và hướng dẫn, hỗ trợ hội nông dân các địa phương xây dựng các mô hình này, nhân rộng tới tận các hộ gia đình.

Từ những vấn đề này, Hội Nông dân Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện công tác quản lý rác thải ở Việt Nam, từ đó tối đa hóa việc tái chế các chất dinh dưỡng trong rác thải hữu cơ. Để góp phần thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp quản lý, xử lý rác thải tại Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Triển khai đồng bộ các nội dung dự án

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Nghệ An giới thiệu các hoạt động của Dự án sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Ảnh: Hoài Thu

Đây là khẳng định của đại diện Hội Nông dân tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương tại Hội thảo về các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận của các sở, ngành, địa phương vừa đánh giá sự nguy hại, thực trạng xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh; vừa đưa ra những giải pháp có tính hệ thống nhằm giảm thiểu các tác động của rác thải đối với môi trường.

Tại Hội thảo, có nhiều tham luận đánh giá sâu và thể hiện quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương đối với vấn đề xử lý rác thải. Đơn cử như tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ tham luận về các định hướng của ngành trong hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.

Đại diện các sở, ngành, địa phương trình bày ý kiến tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Hoài Thu

Tham gia Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều ý kiến về các định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An giai đoạn 2022 - 2023. Đại diện Hội Nông dân các huyện Đô Lương, Nam Đàn, đại diện Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam cũng nêu ra các thực trạng và giải pháp triển khai xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tại địa bàn, nêu những hoạt động thời gian tới các cấp hội sẽ đẩy mạnh nhằm đưa dự án đi vào thực tiễn đạt kết quả cao.

Để triển khai Dự án, Hội Nông dân Nghệ An đã khảo sát, lựa chọn 11 xã thuộc 3 huyện tham gia thực hiện là Nam Đàn, Đô Lương; thị xã Thái Hòa. Ban Quản lý dự án Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đào tạo 35 giảng viên nguồn là cán bộ hội các cấp và hội viên tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Các giảng viên nguồn sẽ là những người trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức, phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường tới hội viên nông dân tham gia dự án.

Mới nhất

x
Nghệ An triển khai Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO