Kinh tế

Nghệ An triển khai kế hoạch phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Hoài Thu 15/06/2024 07:02

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Đề án), ngày 13/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 439/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của nhân dân; nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng; phổ biến, khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia thực hiện Đề án.

BNA_Người dân bản Tam Liên khai thác mét.JPG
Người dân bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) trồng rừng tre mét phát triển kinh tế. Ảnh: Hoài Thu

Triển khai Đề án hướng đến mục đích phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.

Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong tỉnh đáp ứng tối thiểu 85% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 90% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ, phát triển các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và đặc biệt phát triển vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn tập trung trên địa bàn tỉnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ.

Phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

bna-sam-1475-2126.png
Người dân xã Tam Hợp (Tương Dương) trồng dược liệu. Ảnh: Hoài Thu

Triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Thu hút lực lượng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng tham gia làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt 40% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.

Phấn đấu nâng cao mức thu nhập bình quân của người lao động là người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện tại.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương lồng ghép, thực hiện có hiệu quả kế hoạch với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án khác và kết hợp với nguồn xã hội hóa đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ để phát triển giá trị đa dụng của rừng. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và sản xuất từ khâu chọn, tạo giống, kiểm soát chất lượng nguồn giống; thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng giống cây lâm nghiệp; gắn các vùng nguyên liệu với chế biến hàng hóa tập trung đối với một số sản phẩm thế mạnh; xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

Quỳ Châu trồng rừng gỗ lớn
Quỳ Châu trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Hoài Thu

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng tiếp tục tham gia trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đồng thời tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Xây dựng vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn gắn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024-2030; phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô như sản xuất dăm gỗ xuất khẩu.

Nâng cao khả năng liên kết thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận với thị trường ổn định, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng.

Các sản phẩm của HTX Mây tre đan bản Diềm đều đan thủ công. Ảnh: Hoài Thu
Người dân xã Châu Khê (Con Cuông) tận dụng nguyên liệu từ rừng phát triển nghề thủ công mây tre đan kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh: Hoài Thu

UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, theo chức năng nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng đến các tổ chức, cá nhân đang sinh sống trên địa bàn; phổ biến, khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Mới nhất

x
Nghệ An triển khai kế hoạch phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO