Chứng chỉ rừng bền vững tăng giá trị cây lùng xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Gần 830 ha rừng lùng của huyện Quế Phong đã được tổ chức phi Chính phủ cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) từ tháng 6/2021. Hiện nay, UBND huyện Quế Phong đang phối hợp với doanh nghiệp và các chủ rừng để tổ chức đánh giá, duy trì chứng chỉ FSC, nâng cao giá trị rừng lùng.
Cây lùng được gọi là “nữ hoàng” của các loại cây tre trúc ở Việt Nam, có giá trị kinh tế lớn. Huyện Quế Phong là thủ phủ của cây lùng ở Nghệ An. Sản phẩm của cây lùng dùng cho việc sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp để xuất khẩu, đặc biệt là hàng mây tre đan.
Niềm vui đối với người dân Quế Phong là tháng 6 năm 2021 được tổ chức phi Chính phủ cấp Chứng chỉ FSC, với diện tích gần 830 ha lùng. Trong đó, xã Đồng Văn 500 ha, xã Thông Thụ gần 330 ha. Theo quy định, sau khi được cấp Chứng chỉ FSC, sản phẩm lùng FSC của Quế Phong được xuất khẩu sang các nước châu Âu, giá thu mua lùng cho các chủ rừng được nâng lên.
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn băn khoăn, lùng là sản phẩm có thế mạnh đối với địa phương, hàng năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Khi được tổ chức phi Chính phủ cấp Chứng chỉ FSC, địa phương hy vọng đây là một kênh thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
"Mong muốn của địa phương là có doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, cùng với địa phương và người dân để duy trì chứng chỉ FSC. Xã cũng đã tuyên truyền đến các chủ rừng về công tác đánh giá lại hiện trạng rừng lùng để duy trì chứng chỉ FSC và được các chủ rừng quan tâm", ông Lương Thái Quý cho hay.
Ông Vi Văn Tâm ở bản Pù Duộc, xã Đồng Văn, chủ của 7,3 ha rừng lùng đã được cấp Chứng chỉ FSC cho rằng, do được quản lý tốt, nên rừng lùng ngày càng phát triển, cây to, thẳng đẹp hơn… Gia đình cũng đã nhận thức được ý nghĩa của Chứng chỉ FSC nên khi Nhà nước thực hiện là gia đình sẵn sàng ủng hộ.
Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết: Mục tiêu của Chứng chỉ FSC là sản xuất rừng lùng theo quy trình từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch, không bị huỷ diệt. Theo đó, sản phẩm lùng được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, do phía doanh nghiệp gặp khó khăn về xuất khẩu, nên sản phẩm lùng được cấp Chứng chỉ FSC giá thu mua chưa cao.
"Diện tích rừng lùng được cấp Chứng chỉ FSC được Tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ 2 năm đầu về đánh giá duy trì chứng chỉ. Theo đó, đến cuối năm 2023 là hết thời gian gia hạn Chứng chỉ FSC đối với rừng lùng của quế Phong, hiện nay huyện đang phối hợp với doanh nghiệp và chủ rừng đưa ra giải pháp duy trì chứng chỉ để tạo cơ hội tăng giá trị đối với sản phẩm lùng và chủ rừng có thêm thu nhập", ông Phan Trọng Dũng cho hay./.